1.4. Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng
* Dấu hiệu bệnh lý
Tôm nuôi thương phẩm bị bệnh mềm vỏ thường có dấu hiệu bệnh lý:
- Tôm có màu xỉn, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt.
- Những con mềm vỏ thường yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt hoặc dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công, dễ bị bẩn mình bẩn mang, chết rải rác.
- Tôm bị mềm vỏ thường chậm lớn, giảm giá trị thương phẩm và dễ mắc các bệnh cơ hội. Bệnh thường xảy ra trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.
* Tác nhân gây bệnh
Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng có liên quan đến môi trường và dinh dưỡng. Do thiếu dinh dưỡng, thức ăn thiếu can-xi và phốt-pho. Độ cứng thấp.
- Nước ao nuôi nhiễm thuốc trừ sâu.
- Hàm lượng lân trong nước thấp.
* Phòng trị bệnh
- Quản lý môi trường có độ kiềm từ 80 - 160 mg/1 bằng cách bón vôi CaCO3 hay Dolomite (CaMg(CO3)2) định kỳ một tuần một lần cho ao nuôi.
- Quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định tránh gây sốc cho tôm.
- Bổ sung thêm khoáng thích hợp vào khẩu phần thức ăn như: can-xi/phos, Premix ...
1.5. Bệnh thiếu vitainin C
* Dấu hiệu bệnh lý
Tôm bị bệnh thiếu vitamin C thường có các dấu hiệu bệnh lý:
- Xuất hiện các vùng cơ màu đen dưới lớp vỏ ở mặt lưng của phần bụng, ở các chân bơi, chân bò, trên mang tôm cũng có các vệt đen.
- Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn, sức đề kháng giảm, khả năng chịu sốc kém, dễ bị các tác nhân gây bệnh cơ hội tấn công, tôm sinh trưởng chậm, chết rải rác 1 - 5% hàng ngày (tỷ lệ hao hụt tổng cộng rất cao 80 - 90%).
- Bệnh thường gặp trong ao nuôi thâm canh, đặc biệt trong những ao tảo kém phát triển.
* Tác nhân gây bệnh
Do khẩu phần ăn của tôm bị thiếu vitamin C.
* Phòng trị bệnh
- Bổ sung một lượng vitamin C thích hợp vào khẩu phần thức ăn cho đến khi khỏi bệnh.
- Cho tôm ăn thường xuyên vitamin C với các ao nuôi bằng thức ăn công nghiệp, môi trường ao nuôi thiếu tảo.
1.6. Bệnh cong thân
* Dấu hiệu bệnh lý
Tôm bị bệnh có hiện tượng cơ co rút, đuôi cong về phía bụng, không duỗi ra được.
* Tác nhân gây bệnh
- Bệnh thường xảy ra khi ta kéo tôm lên khỏi mặt nước đột ngột vào những ngày nắng nóng hay lạnh rét, nhiệt độ không khí quá chênh lệch với nhiệt độ nước.
- Ngoài ra còn có thể do yếu tố dinh dưỡng như: thiếu hụt các chất vi lượng trong khẩu phần ăn của tôm.
* Phòng trị bệnh
- Tránh hiện tượng gây sốc do nhiệt độ, đảm bảo độ sâu cho ao, tránh bắt tôm vào ngày có nhiệt độ cao hay nhiệt độ thấp.
- Bổ sung khoáng chất trong khẩu phần ăn nếu do yếu tố dinh dưỡng (thiếu hụt các chất vi lượng).
1.7. Bệnh đen mang
* Dấu hiệu bệnh lý
- Tôm bị bệnh thường có hiện tượng mang chuyển từ màu trắng ngà sang màu nâu hoặc đen kèm theo những thương tổn ở mang.
- Hô hấp khó khăn, nổi đầu, dạt bờ, ăn kém hoặc bỏ ăn, gây chết rải rác hoặc gây chết hàng loạt khi hàm lượng oxy giảm dưới ngưỡng thích ứng.
* Tác nhân gây bệnh
- Do tôm sống trong môi trường có nền đáy ô nhiễm, nhiều chất hữu cơ hoặc tảo tàn, các chất này bám vào mang gây hiện tượng đen mang.
- Trong ao có hàm lượng NH3, NO2 cao cũng làm tôm đen mang.
- Ngoài ra, tôm bị đen mang còn do những thương tổn trên mang làm xuất hiện sắc tố melanin màu đen, là sản phẩm của phản ứng miễn dịch tự nhiên của tôm, cua.
- Bệnh thường gặp trong các ao tôm thẻ chân trắng từ tháng nuôi thứ 2.
* Phòng trị bệnh
Điều kiện phát sinh bệnh đen mang là do môi trường bị ô nhiễm, đáy ao nhiều chất hữu cơ, hàm lượng khí độc cao. Do đó, trị bệnh đen mang bằng các biện pháp:
- Dùng chế phẩm vi sinh để làm sạch đáy ao, hấp thụ khí độc.
- Cho tôm ăn vitamin C.
- Thay nước ở tầng đáy nếu điều kiện cho phép.
(Còn tiếp)