*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Quá trình hình thành phát triển

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP TỈNH LONG AN

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An là một trong những đơn vị có những đóng góp tích cực qua nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp để cải thiện hiệu quả sản xuất vào đời sống. Từ đó, công tác khuyến nông, khuyến ngư không chỉ góp phần phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà còn gián tiếp tạo ra các tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức của nông dân đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Tiền thân của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An (TTDVNN) là Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Long An; là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; được thành lập từ cuối năm 1991 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992 trên cơ sở điều động nguồn nhân sự từ Trường Trung cấp Nông nghiệp Bến Lức và Phòng Kỹ thuật Sở Nông nghiệp với biên chế khởi điểm là 14 người. Ngoài nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thông tin, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trên các lĩnh vực khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm và khuyến công, Trung tâm còn được giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sản xuất giống lúa và giống mía tại 2 cơ sở Trại giống lúa ở thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An) và Trại giống mía ở huyện Bến Lức.

Trung tâm áp dụng các phương thức quản lý điều hành hoạt động theo tình hình, điều kiện thực tế qua nhiều giai đoạn, cụ thể qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1992 - 1996

Nguồn nhân sự tập trung tại văn phòng Trung tâm tỉnh. Đây là giai đoạn vừa tuyển dụng nhân sự vừa đào tạo cơ bản cho nhân viên khuyến nông và bước đầu xây dựng mạng lưới cộng tác viên, thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân theo chủ trương xã hội hóa hoạt động khuyến nông của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thời kỳ này, hầu hết các loại hình chuyển giao kỹ thuật đều thực hiện ở quy mô nhỏ và chưa đồng đều ở các địa phương. 

Trong năm 1995, hình thành 14 Trạm khuyến nông tại 13 huyện và thị xã Tân An trực thuộc Trung tâm trên cơ sở tiếp nhận nhân viên kỹ thuật từ các Phòng Kinh tế huyện, thị xã và tuyển dụng nhân sự mới đưa tổng số biên chế của TTKN tăng lên 54 người. Về cơ sở vật chất, văn phòng Trung tâm được giao tiếp nhận cơ sở của Công ty Dầu thực vật Long An và sau đó xây dựng mới trụ sở tại đây (Khu phố Thanh Xuân, Phường 5, Tp Tân An, tỉnh Long an).

Giai đoạn 1997 - 2005

Năm 2000, TTKN tiếp nhận cơ sở vật chất và nhân sự của Trung tâm Giống cây trồng Long An để đảm nhận thêm nhiệm vụ sản xuất giống, xây dựng mạng lưới nông dân cộng tác nhân giống lúa, mía, đậu,… và bước đầu cung ứng một số giống lúa, mía phục vụ nhu cầu nhân giống và sản xuất thương phẩm.

Năm 2005, thành lập Trung tâm Thủy sản (TTTS) với nguồn nhân sự từ nhân viên khuyến ngư của TTKN cùng với nguồn tăng cường từ Chi cục Thủy sản, Phòng Thủy sản Sở và tuyển dụng mới.

Nguồn nhân sự, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động đều được tăng cường cho phép tăng nhanh khối lượng, nội dung và mở rộng các loại hình khuyến nông. Phương thức quản lý hoạt động khuyến nông được nâng cấp từ điều hành kế hoạch tổng hợp sang quản lý theo các chương trình khuyến nông trọng điểm cấp huyện và tỉnh. Đây cũng là giai đoạn Trung tâm đẩy mạnh loại hình khuyến nông trên lĩnh vực truyền thông đại chúng.

Giai đoạn 2006 - 2012

Năm 2006, TTKN tiếp tục thực hiện dự án xây dựng Trại giống lúa ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành; đồng thời, tiếp nhận cơ sở vật chất của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười (sau này bàn giao lại cho huyện Mộc Hóa), cơ sở vật chất Trại Nghiên cứu thực nghiệm đất phèn Tân Thạnh để xây dựng Trại sản xuất giống Tân Thạnh và đảm nhận nhiệm vụ tổ chức bộ phận chuyên trách công tác kiểm định và kiểm nghiệm giống cây trồng.

Tiếp tục tăng cường khối lượng và nâng chất hoạt động qua mở rộng việc phối hợp, hợp tác cùng với việc phát huy vai trò của mạng lưới khuyế nông viên (KNV) xã ở cơ sở, tăng cường  cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trạm Khuyến nông huyện, tiếp nhận thêm các cơ sở vật chất do Sở Nông nghiệp và PTNT chuyển giao và nhận thêm nhiệm vụ sản xuất giống, phát triển mạng lưới nhân giống trong dân, tổ chức công tác kiểm định, kiểm nghiệm và đặc biệt khởi đầu tổ chức hoạt động dịch vụ khuyến nông từ năm 2007 nhằm nâng cao khả năng phục vụ sản xuất theo phương thức khuyến nông “trọn gói” kết hợp với thực hiện cơ chế tự chủ tài chính một phần.

Trong giai đoạn này, công tác đào tạo nguồn nhân lực khuyến nông các cấp vẫn tiếp tục được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao hơn nữa trình độ, kỹ năng cho đội ngũ khuyến nông đáp ứng yêu cầu cải thiện hiệu quả quản lý, điều hành các chương trình khuyến nông tổng hợp các nguồn đầu tư của trung ương, tỉnh và các chương trình, dự án hợp tác gồm 7 chương trình khuyến nông trên cây lúa, cây rau, màu và cây ăn trái, cây công nghiệp và lâm nghiệp, chăn nuôi heo, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc nhai lại, 2 chương trình khuyến nông nghiệp vụ truyền thông đại chúng, dịch vụ khuyến nông

Với phương thức quản lý theo chương trình khuyến nông là điều kiện thuận lợi để TTKN áp dụng đa dạng hơn các phương pháp chuyển giao thông tin cho nông dân cũng như mở rộng quy mô, phạm vi thực hiện các điểm trình diễn kỹ thuật, mô hình sản xuất đáp ứng mục tiêu phát triển của các chương trình, dự án phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đối với các chương trình truyền thông khuyến nông đại chúng cũng được nâng lên theo hướng tổ chức định kỳ thường xuyên (như chuyên mục phát thanh kiến thức nông nghiệp, nông dân cần biết, chăn nuôi bền vững trên Đài PT và TH tỉnh, một số chuyên trang nông nghiệp-khuyến nông trên báo Long An, Bản tin Nông nghiệp Long An, khuyến nông trên website của UBND tỉnh Long An,…).

Giai đoạn 2013-2019

- Tháng 9/2014: tiếp nhận thêm viên chức lao động (VCLĐ) từ Trung tâm Thủy sản sáp nhập vào TTKN bổ sung thêm phòng Thủy sản và 2 trại (Trại giống Thủy sản Bình Cách và Trại giống Thủy sản Đồng Tháp Mười).

- Tháng 10/2018: do thực hiện đề án 02 của Tỉnh ủy, đơn vị thay đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp với tổng số VCLĐ hiện nay là 53 người với cơ cấu tổ chức gồm Ban Giám đốc, các Phòng chức năng (Hành chính - Kế hoạch, Kỹ thuật, Thông tin - Huấn luyện, Tư vấn - Dịch vụ), các Trại sản xuất (Trại nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú và Trại nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười).

Tiếp tục duy trì phương thức quản lý theo chương trình khuyến nông, đồng thời công tác khuyến nông tiếp tục phát huy hiệu quả phối hợp - hợp tác rộng rãi theo hướng “xã hội hóa hoạt động khuyến nông” nên nhận được nhiều nguồn nhân lực, tài lực đóng góp từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong khu vực, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sản xuất-kinh doanh và nhất là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bà con nông dân trong tỉnh đã giúp cho công tác khuyến nông có điều kiện nâng cao khối lượng công việc, mở rộng loại hình hoạt động phục vụ đa dạng đối tượng sản xuất nông nghiệp. 

Kết quả hoạt động của Trung tâm cần ghi nhận sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực cố gắng của Ban lãnh đạo và toàn thể viên chức lao động, các ban, ngành, đoàn thểvà nông dân nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn vượt qua các khó khăn, trở ngại để giữ vững tiến trình tăng trưởng, đạt phần lớn các chỉ tiêu phát triển về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đề ra hàng năm.

Trải qua 27 năm, đất nước ngày càng bước sang thời kỳ đổi mới, Trung tâm cũng đã đang dần chuyển mình, trong các năm gần đây đã có những bước phát triển tích cực về ứng dụng công nghệ trên lĩnh vực giống cây trồng-vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xu hướng hình thành phổ biến hơn các hình thức nông dân liên kết sản xuất nông sản hàng hóa lớn đã giúp cải thiện thu nhập cho nông dân và nâng cao tỷ trọng sản lượng nông nghiệp đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đây cũng chính là động lực để Lãnh đạo, viên chức lao động của đơn vị tiếp tục vươn lên, gặt hái được nhiều thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới./.

Kim Phụng - Phòng HCKH