Hiện nay, thanh long đã trở thành cây trồng quen thuộc với nhiều nông dân trên đất Long An vì hiệu quả kinh tế đem lại từ thanh long đã giúp nhiều nông hộ nâng cao thu nhập, có đời sống vật chất ngày càng tốt hơn, nhiều hộ vươn lên khá, giàu; xuất phát điểm và phát triển mạnh ở Châu Thành; do hiệu quả kinh tế từ việc trồng thanh long mang lại khá cao. Đến nay, thanh long đã được phát triển rộng rãi ở nhiều vùng trong tỉnh nhất là Tân Trụ, Thủ Thừa, thành phố Tân An,…
Có thể xem là một trong những nông dân đi đầu của thành phố Tân An trong việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng thanh long, ông Trần Văn Lý (Út Lý), nông dân tại phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An đã mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn phần đất trồng lúa của mình sang trồng thanh long ruột đỏ. Hiện tại, vườn thanh long 1 ha nhà ông đã được 5 năm tuổi với 1.300 gốc/ha và cho lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ trồng lúa trước đây.
Không dừng lại ở việc canh tác theo các phương pháp truyền thống, ông Út Lý luôn tìm hiểu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào trong canh tác từ việc sử dụng hệ thống tưới nước tiên tiến đến việc ủ phân hữu cơ để phục vụ cho canh tác. Tất cả đều nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế ở mức cao nhất.
Hệ thống tưới nước tiên tiến cho vườn thanh long của ông út Lý được ra đời từ những trăn trở phải làm sao, làm thế nào để chủ động trong chăm sóc thanh long khi nhân công lao động ngày càng khan hiếm, giá nhân công đắt đỏ. Từ đó, ông đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi và tự thiết kế hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn thanh long nhà mình. Hệ thống này đã giúp ông chủ động được việc chăm sóc thanh long của mình đặc biệt là vào mùa khô.
Hệ thống tưới tiết kiệm tại hộ Chú Út Lý
Ông Lý cho biết, chi phí đầu tư hệ thống của ông là 30 triệu đồng/ha (bao gồm chi phí công lắp đặt). So với sử dụng hệ thống theo thiết kế của một số công ty cung cấp thì ông tiết kiệm được 20 triệu đồng/ha. Từ khi có hệ thống này, ông không chỉ chủ động trong việc tưới nước, tưới phân bón cho cây thanh long mà hệ thống còn giúp ông giảm được khoảng 80% chi phí thuê mướn công lao động (tưới nước, bón phân và làm cỏ), tiết kiệm được 50% nước tưới. Từ đó, ông đã tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng cho mỗi năm. Ngoài ra, khi tưới phân bón cho thanh long bằng hệ thống này thì tăng hiệu quả sử dụng phân bón, thanh long hấp thu dinh dưỡng tốt hơn do phân bón được hòa vào nước và tưới quanh gốc. Qua đó, hiệu suất sử dụng phân bón được tối ưu hơn, cây thanh long phát triển tốt hơn và cho năng suất tốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Lý còn tìm hiểu về kỹ thuật ủ phân bón từ cành nhánh thanh long sau cắt tỉa để bón lại cho vườn thanh long nhà mình. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An, ông quyết định mua máy băm dây thanh long để xử lý dây thanh long sau cắt tỉa. Toàn bộ dây thanh long sau cắt tỉa được thu gom và băm nhuyễn, sau đó được ủ với phân chuồng và chế phẩm UPC. Sau 3 tháng thì quá trình ủ hoàn tất và có thể sử dụng bón cho thanh long. Ông Lý cho biết, ủ phân hữu cơ từ cành thanh long sau cắt tỉa đã giúp ông xử lý được lượng lớn cành nhánh mà không gây ô nhiễm nguồn nước, giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh,...
Với bản chất chân chất của người nông dân, nghĩ là làm, luôn tìm tòi sáng tạo, nhiều năm qua, vườn thanh long của ông Lý là điểm đến tham quan, học tập của nhiều bà con trồng thanh long trong và ngoài tỉnh./.
Trúc Mai - Phòng Kỹ thuật