*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Giải đáp thắc mắc

Tác dụng của vôi đối với đất phèn, đất nhiễm mặn và cách sử dụng

Câu hỏi

Ông Lê Văn Hoài Thanh, cư ngụ ở xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ hỏi: “Mấy năm nay, nông dân nơi tôi ở càng lúc càng có nhiều người dùng vôi bột rải ruộng lúa để hạ phèn và một số người còn cho rằng vào mùa khô chân đất nào bị nhiễm mặn thì dùng vôi cũng rất tốt? Tôi cũng đã từng làm như bà con khác nhưng thực tình chưa hiểu rõ lắm nên muốn hỏi vôi có tác dụng như thế nào với đất phèn, đất nhiễm mặn và cách dùng như thế nào là đúng nhất?”


Trả lời

Vôi có chứa nhiều chất khoáng gọi là can-xi (Ca) khi được bón cho cây trồng có tác dụng chính là giúp cấu tạo vách tế bào của thực vật vững chắc hơn, vì vậy vôi cần thiết cho tất cả các loại cây trồng lấy trái, hạt hay củ; như lúa đủ Ca sẽ cứng cây hơn nên ít đổ ngã; cây đậu phộng thì ra hoa, tạo quả, hạt chắc cao hơn; mía tăng chữ đường; tương tự các loại cây ăn trái thì quả ngọt hơn và tỷ lệ trái bị hư cũng ít hơn. Đối với môi trường đất, vôi cũng giữ vai trò quan trọng vì trong canh tác cây trồng không thể không sử dụng các loại phân bón vô cơ; tuy nhiên, phân vô cơ luôn có xu hướng gây suy thoái kết cấu đất (hiện tượng điển hình là khi khô hạn đất kết dính chặt, thiếu thông thoáng, còn khi úng ngập thì mau mềm nhão và đóng váng) và thiếu hụt chất hữu cơ. Do đó, ngoài yêu cầu bón phân hữu cơ thường xuyên thì đất cần được bón thêm vôi đều đặn vì vôi như chiếc cầu nối, gắn kết các chất hữu cơ và các thành phần rắn trong đất giúp cấu trúc đất trở nên thông thoáng, tơi xốp, tăng khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng.

Trong nông nghiệp có 4 loại vôi được sử dụng phổ biến, gồm có:

- Bột đá vôi (CaCO3) là đá vôi được nghiền mịn, bột đá vôi tạo tác dụng chậm.

- Vôi nung (CaO) là đá vôi được nung ở nhiệt độ cao, vôi nung tạo tác dụng mạnh và nhanh nên rất nóng khi gặp nước.

- Vôi tôi [Ca(OH)2] là vôi nung được tưới một lượng nước tương đương với trọng lượng của tảng vôi nung để vỡ ra thành bột. Dạng vôi này cũng tạo tác dụng khá nhanh.

- Vôi thạch cao (CaSO4), là vôi được khai thác ở nơi có nhiều chất lưu huỳnh nên không dùng bón ở chân đất bị phèn.

Ở Long An nhiều vùng đất bị nhiễm phèn sắt (phổ biến ở các chân ruộng thấp trũng, mùa khô mặt đất xuất hiện lớp rỉ sắt nâu đỏ), một số nơi đất gò gặp khô hạn nặng bị nhiễm phèn nhôm hay còn gọi là phèn lạnh (xuất hiện lớp màu trắng giống như muối trên mặt đất); cả hai loại phèn này đều bất lợi cho cây trồng vì làm đất bị chua. Do đó, biện pháp bón vôi để trung hòa môi trường a-xít trong đất là rất cần thiết để rễ cây trồng vừa không bị ngộ độc phèn vừa có thể hấp thu được tốt hơn các chất dinh dưỡng. Đối với đất trồng lúa, thông thường vào mùa nắng nóng nước trong đất bốc hơi mạnh, nứt nẻ nhiều nên các chân đất phèn dễ gặp hiện tượng xì phèn. Vì vậy, ngoài yêu cầu cày ải đất sau khi thu hoạch lúa vụ Đông - Xuân để cắt đường dẫn phèn từ tầng đất bên dưới lên bề mặt đất thì sau đó nên bón vôi vào lúc chuẩn bị đất gieo sạ vụ Hè - Thu để hạ phèn. Lượng vôi cần bón khoảng 50 - 80 kg/ha tùy mức độ phèn của chân ruộng, biện pháp bón vôi ngoài tác dụng hạ phèn còn giúp phân hủy nhanh các thành phần hữu cơ sót lại trên ruộng như rơm, rạ nên cùng lúc ngăn ngừa hữu hiệu hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Đối với đất bị nhiễm mặn trong mùa khô do xâm nhập mặn làm cho hàm lượng muối trong đất tăng cao sẽ làm cho rễ cây trồng gặp trở ngại trong việc hấp thu nước nên cây bị còi cọc, khô héo và chết nếu độ mặn quá cao. Khi đó, vôi với tác dụng bảo vệ tế bào rễ sẽ giúp khắc phục được mối nguy hại do muối. Thông thường, nơi chân đất có phèn bị mặn xâm nhập nên bón loại vôi nung (CaO), còn chân đất không phèn thì nên bón vôi thạch cao (CaSO4). Lượng vôi cần bón khoảng 30 kg - 50 kg/1.000 m2 (công) tùy tình hình đất bị nhiễm mặn ít hay nhiều, sau đó cho bừa hoặc trục để vôi được trộn đều trong đất, đưa nước trở vào ngâm từ 1 - 2 ngày rồi rút bỏ nước này.

Cần lưu ý thêm khi bón vôi không cần phải lấp quá sâu vì vôi chủ yếu tạo tác dụng ở lớp đất mặt và đất quanh rễ cây trồng nhưng cần rải thật đều và sau đó có bừa, xới càng tốt. Có thể trộn vôi với tro trấu hoặc trấu ướt để dễ rải, giảm bụi. Không nên trộn vôi bón chung với phân chuồng, u-rê, SA vì chất can-xi làm thất thoát chất đạm do làm tăng bay hơi ni-tơ trong các loại phân này dưới dạng khí a-mô-nhắc (NH3)./.

Lương Lễ Dũng



Các tin khác: