*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thủy sản

KỸ THUẬT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ (TÔM SÚ VÀ TÔM THẺ CHÂN TRẮNG) phần 6


1.8. Hội chứng Taura - TSV

- Bệnh Taura còn gọi là bệnh đỏ đuôi.

- Khi tôm bị bệnh cơ thể và các bộ phận khác có màu đỏ hoặc đen hồng, biếng ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc rúc vào bờ ao.

- Gan tụy có màu vàng hơn bình thường, mang bị sưng, thường là tôm chết lúc lột xác.

- Bệnh rất nguy hiểm với tôm thẻ, thời gian ủ bệnh ngắn và có thể gây chết đến 95% tôm. Tôm chết hay chìm xuống đáy và 2 - 3 ngày sau nổi lên mặt ao và thấy nhiều tôm chết quanh bờ.

- Bệnh do một số tổ hợp mầm bệnh gồm vi khuẩn Vibrio harveae và một số loại virus gây ra.

- Bệnh Taura xuất hiện từ khi tôm nuôi được 2 tuần tuổi cho đến khi trưởng thành, đến giai đoạn lột xác và có khả năng cấp tính làm tôm chậm lớn, mềm vỏ, phá hủy hệ tiêu hóa và khuyếch tán, lan truyền rất nhanh.

- Trong thực tế cho thấy, ít khi chỉ xuất hiện một bệnh trong ao nuôi, khi tôm bị bệnh thường thấy nhiều loại cùng một lúc như đốm trắng kết hợp với bệnh đầu vàng; bệnh Taura kết hợp với bệnh đốm trắng. Khi quan sát thấy triệu chứng của 2 bệnh cùng xuất hiện, thì hiện tượng tôm chết nhiều sẽ xảy ra nhanh hơn.

1.9. Bệnh đốm trắng

- Tôm có thể bị chuyển sang màu hồng đỏ, khả năng tiêu thụ thức ăn giảm rõ ràng.

- Cơ thể tôm xuất hiện các đốm trắng tròn dưới vỏ, tập trung chủ yếu ở giáp đầu ngực và đốt bụng cuối cùng.

- Bơi lờ đờ trên mặt nước và tấp vào bờ. Hiện tượng tôm chết xảy ra ngay sau các biểu hiện đó, tỷ lệ chết cao, có thể từ 90 - 100% trong vòng 3 - 7 ngày.

1.10. Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính

- Giai đoạn nhiễm bệnh

Trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn 10 -45 ngày sau khi thả nuôi.

- Triệu chứng lâm sàng

+ Giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng.

+ Tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và chết ở đáy ao nuôi.

+ Giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm nhũn, sưng to hoặc bị teo lại.

- Dấu hiệu bệnh tích

+ Tổ chức gan tụy thoái hóa tiến triển cấp tính.

+ Thiếu hoạt động phân bào đẳng nhiễm trong tế bào có nguồn gốc từ mô phôi (tế bào E: Embyonalzellen).

+ Các tế bào trung tâm của tổ chức gan tụy (tế bào tiết B: Basenzellen, tế bào xơ F: Fibrillenzelien, tế bào dự trữ R: Restzellen) có sự biến đổi cấu trúc và rối loạn chức năng.

+ Các tế bào của tổ chức gan tụy có nhân lớn bất thường và có hiện tượng bong tróc tế bào biểu mô ống lượn và bị viêm nhẹ.

+ Giai đoạn cuối của hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính có sự tập hợp của tế bào máu ở giữa ống gan tụy và nhiễm khuẩn thứ cấp.

- Biện pháp phòng bệnh

+ Tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi và chọn con giống thả nuôi đảm bảo chất lượng.

+ Thực hiện quy trình cải tạo ao (bón vôi, bừa kỹ, ngâm để phân hủy Cypermrthrin, Deltamethrin trong bùn đáy); quy trình nuôi (chỉ sử dụng chế phẩm sinh học và thức ăn thích hợp, đảm bảo chất lượng, không để dư thừa thức ăn) theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản.

+ Không sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi.

1.11. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHHN)

- Gây bệnh IHHN là một virus có tên Parvovirus.

- Tôm chân trắng bị bệnh này thường ở dạng mãn tính và thể hiện một số đặc điểm: còi cọc, kém ăn, phân đàn cao; vỏ xù xì thô ráp và méo mó; chùy đầu có hiện tượng uốn cong hay dị dạng.

1.12. Bệnh do virus gây hoại tử cơ (IMNV)

- Tôm có biểu hiện là đục phần cơ đuôi lan ra toàn thân.

- Hoạt động lờ đờ rồi chết, tỉ lệ tôm chết có thể lên đến 40 - 60%.

- Triệu chứng giống như bệnh do IMNV cùng có thể thấy khi tôm gặp những yếu tố môi trường không thuận lợi như thiếu dưỡng khí, mật độ nuôi cao hoặc thay đổi đột ngột của nhiệt độ và độ mặn.

1.13. Bệnh phân trắng

- Dấu hiệu bệnh

Khi tôm bị bệnh, kiểm tra sàn/nhá/vó sẽ thấy phân tôm màu trắng trên sàn ăn hoặc nổi trên mặt nước dọc bờ ao, góc ao (cuối hướng quạt nước, cuối hướng gió). Tôm bị phân trắng sẽ giảm ăn hoặc ăn không tăng theo tuổi. Kiểm tra tôm sẽ thấy ruột tôm không đầy thức ăn, có những đốm màu vàng cát ở phần cuối ruột. Tôm bị óp, vỏ mỏng, teo nhỏ dần và chậm lớn.

- Tác nhân gây bệnh

+ Bệnh này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do vi khuẩn, ký sinh trùng, yếu tố môi trường, trong đó tác nhân chủ yếu là vi bào tử thuộc giống Plexstophora và vi khuẩn thuộc giống Vibrio.

+ Bệnh tập trung từ tháng 8 đến tháng 10. Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi cao; tôm dễ bị bệnh khi nuôi được từ 40 đến 90 ngày. Đặc biệt, bệnh thường xuất hiện khi thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa kéo dài hoặc khi thời tiết thay đổi).

+ Bệnh này xuất hiện cả trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

- Cách phòng ngừa

+ Để phòng ngừa bệnh này, cần phải chuẩn bị ao nuôi sạch sẽ ngay từ đầu. Không sử dụng thức ăn bị nấm, mốc; hạn chế sử dụng thức ăn tươi.

+ Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và sử dụng hóa chất diệt khuẩn sẽ giúp hạn chế bệnh phân trắng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, mưa kéo dài.

+ Tăng cường men vi sinh tiêu hóa, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn. Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tôm tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng (stress). Đối với những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao để tránh tình trạng bệnh lây lan do tôm khỏe ăn tôm bệnh.

+ Trên thị trường hiện nay có sẵn những loại thuốc để phòng ngừa và trị bệnh phân trắng cho tôm. Những loại thuốc này là kháng sinh nên khi sử dụng cần theo đúng liều lượng đã quy định. Tránh dùng vội, tăng liều hoặc sử dụng không đủ, gây hiện tượng nhờn thuốc, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

1.14. Bệnh đục cơ (còn gọi bệnh trắng đuôi)

Bệnh đục cơ có nhiều dạng thể hiện như sau:

- Đục cơ kết hợp với cong thân: Trường hợp này có thể xảy ra khi nhấc nhá (sàng, vó) lên khỏi mặt nước hoặc chài tôm để kiểm tra vào ban ngày và vào lúc nhiệt độ rất cao gây kích ứng. Tôm búng nhảy mạnh, tự gây ra cong thân. Khi đó, đuôi tôm bị uốn cong chạm đến phần giáp ngực, cùng lúc mô cơ chạy dọc theo phần giữa cơ thể trở nên trắng đục. Tôm đã bị cong thân phần lớn đều chết vì không có khả năng tự duỗi thẳng trở lại bình thường. Do đó, không nên nhấc nhá khỏi mặt nước hoặc sử dụng chài để kiểm tra tôm khi thời tiết nắng nóng.

- Đục cơ do vận chuyển hoặc san ao: Khi kéo lưới để bắt tôm thu tỉa hay sang ao, một số tôm sẽ bị stress với biểu hiện một phần hay toàn bộ cơ bị trắng đục, đôi khi có sự pha lẫn giữa màu trắng và màu tối khác thường như màu cam hoặc màu đỏ hồng. Hầu hết tôm khi đã biến màu cơ đều chết. Biện pháp thích hợp là cần kiểm tra sức khỏe tôm trước khi di chuyển sang ao mới, nếu tôm khỏe mạnh thì sức chịu đựng tốt, khi chuyển tôm phát hiện thấy tôm có dấu hiệu chuyển màu cơ sang trắng đục thì nên hoãn lại. Ngoài ra, lưu ý nước dùng chứa tôm để vận chuyển tôm phải có nhiệt độ khoảng 24 - 25oC và có hàm lượng oxy cao.

- Đục cơ do hàm lượng oxy thấp: Nếu hàm lượng oxy hòa tan trong ao tôm từ 4 ppm trở lên, cơ thể tôm thẻ chân trắng có màu sáng bình thường. Nếu nuôi mật độ cao và oxy hòa tan trong nước thấp, tôm bị stress và cơ thể có xu hướng chuyển thành màu trắng hay mờ đục. Khi hàm lượng oxy xuống thấp dưới mức 1,7 ppm tôm sẽ bơi lên mặt nước (nổi đầu) và hầu hết bị chết khi lột xác. Do vậy, nên đảm bảo có số lượng quạt nước đủ cung cấp oxy cho toàn bộ lượng tôm trong ao. Vị trí đặt quạt nước rất quan trọng, cần lắp đặt quạt nước đúng vị trí để tạo dòng chảy cuốn chất thải vào giữa ao, giúp cho đáy ao luôn sạch và tạo nguồn oxy khuyếch tán rộng vào mọi nơi trong ao, nhất là phần giữa ao, nơi tập trung sự phân hủy các chất hữu cơ được tích tụ từ xác tảo tàn và thức ăn dư thừa.

- Đục cơ do bệnh: Do tôm nhiễm vi bào tử trùng (Microsporidian) hay virus (IMNV, PvNV) hoặc vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio. Hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả nên cần tập trung thực hiện các biện pháp ngăn ngừa bằng cách sử dụng tôm giống sạch bệnh, xử lý ao nuôi chặt chẽ và kiểm tra loại bỏ tôm có dấu hiệu bệnh.

(Còn tiếp)



Các tin khác: