*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chăn nuôi

QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG CHĂN NUÔI BÒ THỊT Phần 8


BỆNH THƯỜNG GẶP VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

1. Tụ huyết trùng (Toi).

Tác nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn (Pasteurella multocida) và thường bộc phát, lây lan mạnh trong môi trường chăn nuôi thường xuyên ở trạng thái thiếu vệ sinh, ẩm thấp, lạnh và trên bò nuôi dưỡng kém; ngoài ra, bò mua nhập nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh trước đó ở nơi bán cũng dễ phát bệnh khi đưa về nơi mới. Bệnh ít khi xảy ra trên bê dưới 5 tháng tuổi, ngoại trừ trường hợp trong vùng nuôi đang phát dịch mạnh. Bò nhiễm bệnh phát triệu chứng rất nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp bò có thể chết trong vòng 1 - 2 ngày.

Bò mắc bệnh phần lớn ở thể cấp tính với các triệu chứng điển hình là sốt, mệt mỏi, bỏ ăn, không nhai lại, bụng đầy hơi, niêm mạc mắt và mũi bị tụ huyết, chảy nhiều nước bọt, hạch hầu bị sưng nên bò có triệu chứng đau khi chạm vào phần này, thở khó, nuốt khó và ho. Lúc đầu bò đi phân bón, sau đó chuyển sang tiêu chảy, nước tiểu vàng sậm và có thể lẫn máu. Giai đoạn cuối bò chết trong tình trạng run rẩy, co giật, mắt trợn ngược, bụng trướng to.

Nếu mổ khám bò có bệnh tích điển hình là viêm xuất huyết niêm mạc miệng, mũi, màng phổi; tim, gan, ruột và thận có thể bị sưng và tụ máu; lồng ngực và xoang bụng tích nhiều nước vàng; dưới da có các mảng xuất huyết; thịt thâm tím và thấm nhiều nước.

Bệnh Tụ huyết trùng có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc trị vi khuẩn gây bệnh nhưng trong thực tế thường gặp nhiều hạn chế do bệnh phát nhanh, không phát hiện kịp và thường dễ kèm theo các bệnh kế phát khác. Vì vậy, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng lịch trình: Loại vắc-xin vô hoạt keo phèn Navetco tiêm lần đầu cho bê lúc 6 tháng tuổi, sau đó cách khoảng 5 - 6 tháng tiêm lại một lần; loại vắc-xin nhủ dầu Navetco tiêm lần đầu cho bê lúc 3 tháng tuổi, sau đó khoảng 9 - 12 tháng tiêm lại một lần. Đối với bò đang mang thai cần điều chỉnh thời điểm tiêm vắc-xin rơi vào giai đoạn mang thai từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 8. Ngoài biện pháp tiêm vắc-xin, cần thực hiện yêu cầu vệ sinh thường xuyên hàng ngày nơi chăn nuôi kết hợp với phun thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ, nuôi dưỡng bò đầy đủ và ổn định.

Khi phát hiện bò bệnh, cần điều trị ngay bằng cách tiêm một trong các loại thuốc kháng sinh như: Gentamycin, Terramycin, Septotryl, Sulfamerazin, Tylosin, ... để trị nguyên nhân kết hợp với thuốc trợ hô hấp (Eucalyptus, Camphora ...), thuốc hạ sốt (Paracetamol, Analgin + C, Analgin – C,...). Trong trường hợp bò có biểu hiện chướng hơi dạ cỏ thì phải cùng lúc chữa triệu chứng này. Ở nơi có điều kiện có thể kết hợp tiêm huyết thanh kháng thể tụ huyết trùng bò (20 - 40ml/bê và 60 - 100ml/bò lớn).

2. Lở mồm long móng (FMD).

Tác nhân gây bệnh do một loại siêu vi khuẩn (virus). Thời gian ủ bệnh chưa có triệu chứng có thể từ 3 - 6 ngày, khi phát bệnh bò mệt mỏi, bỏ ăn, lông dựng, sốt cao (40 - 41 độ C), mõm khô, lưỡi dày lên và khó cử động; sau khoảng 1 - 2 ngày bò có thể giảm sốt, lúc này chảỵ nhiều nước dãi thành sợi xoắn vào nhau; kế đến nướu, môi và lưỡi mọc các mụn nước cỡ như hạt bắp, 1 - 2 ngày sau các mụn này vỡ ra tạo thành vết loét gây đau nên bò không thể ăn, chảy nhiều nước bọt như xà-bông.

Ở các kẽ móng chân cũng xuất hiện các mụn nước, sau đó các mụn này rộp lên, bong ra và rất dễ bị nhiễm trùng sinh lở loét và có mủ; từ đó móng chân, đế chân bò bị sưng đau, không còn đứng được và các chỗ loét lan rộng dẫn tới móng bị long, sút. Trên bò cái, có thể gặp các mụn nước ở bầu vú, núm vú và cũng gây ra các vết loét do nhiễm trùng tương tự các mụn ở miệng và móng.

Do siêu vi khuẩn gây bệnh nên thuốc kháng sinh hầu như không có tác dụng, việc dùng thuốc kháng sinh kết hợp với biện pháp sát trùng các vết loét chủ yếu để ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát. Vì vậy, biện pháp hiệu quả duy nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc-xin kết hợp với duy trì cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Loại siêu vi khuẩn gây bệnh lở mồm long móng trên bò thuộc 3 týp virus O, A và Asia 1; vì vậy cần sử dụng loại vắc-xin đa giá có đủ kháng nguyên 3 týp O, A và Asia 1 như các loại vắc-xin Aftovac, Decivac FMD-ALSA, Posi-FMD,... để đảm bảo hiệu quả miễn dịch an toàn.

Vắc - xin được tiêm lần đầu tiên cho bê lúc được 2 tháng tuổi, sau đó cứ cách khoảng 5 tháng tiêm lại một lần. Đối với bò đang mang thai, nên điều chỉnh thời điểm tiêm vắc - xin rơi vào giai đoạn mang thai từ tháng thứ 3 đến tháng 8. Nếu trong vùng nuôi phát hiện có bò bị bệnh lở mồm long móng, cần tiêm sớm hơn cho bê lúc 2 tuần tuổi; đồng thời cần kiểm tra lại thời điểm tiêm phòng vắc -  xin đối với tất cả bò nuôi, nếu đã hơn 3 tháng cần tiêm lại để tăng cường miễn dịch đề kháng bệnh.

Cần lưu ý bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm và có khả năng lây lan rất nhanh; vì vậy khi nghi ngờ bò mắc bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý, không nên giấu bệnh để tự điều trị.

3. Bê tiêu chảy phân trắng.

Nguyên nhân do bê bị nhiễm giun đũa (toxocara), loại ký sinh trùng này rất dễ lây nhiễm trên bê từ 2 tuần tuổi đến 3 tháng tuổi. Giun đũa ký sinh trong ruột non nhưng ở thể ấu trùng di chuyển và gây tổn thương gan, phổi. Khi sinh sôi với số lượng lớn, giun đũa có thể gây tắc ruột, thủng ruột hoặc chui vào ống mật. Giun đũa lấy chất dinh dưỡng của bò và tiết độc tố làm bò gầy sút, tiêu chảy. Nếu không điều trị kịp thời, bê có thể chết sau khoảng 1 - 2 tuần từ lúc phát hiện triệu chứng.

Triệu chứng của bê khi bị giun đũa tác động là lừ đừ, ít vận động, hay nằm, đầu hay cúi xuống hay cong về phía bụng do đau bụng, lưng cong, đuôi cụp, bụng ỏng, lông xù, chảy nước mắt có ghèn. Khi ở thể nhẹ ban đầu, bê có triệu chứng táo bón, phân lổn nhổn màu đen rồi dần dần chuyển sang màu vàng sẫm, mùi rất tanh và khi chuyển sang tiêu chảy phân trắng là lúc thể bệnh đã rất nặng.

Trứng giun đũa tồn lưu thường xuyên trong môi trường chăn nuôi nên bê rất dễ nhiễm, vì vậy cần giữ chuồng, cũi nhốt bê luôn sạch sẽ, không để bê uống nước bẩn và biện pháp hiệu quả là thực hiện việc tẩy giun cho bê lúc được 20 ngày tuổi với các loại thuốc có thành phần hoạt chất Levamisol HCl, Mebendazol, Ivermectin như: Levamisol, Levavet, Hanmectin, Vemectin, Mebenvet, Ivermectin, Tetramisol, Dectomax,... Khi phát hiện bê có dấu hiệu nhiễm giun đũa cần sớm điều trị cùng với một trong các loại thuốc kể trên.

4. Chướng hơi dạ cỏ.

Trong hoạt động tiêu hóa bình thường của bò, thức ăn trong dạ cỏ khi được hệ vi sinh vật phân giải (lên men) sẽ sinh khí (chủ yếu là khí mê-tan CH4) và được bò ợ thoát hơi ra ngoài; tuy nhiên, trong các trường hợp bò không thể ợ thoát hơi hoặc do nhu động dạ cỏ yếu, do bọt khí lấp kín lỗ thượng vị (đoạn tiếp giáp giữa thực quản và dạ cỏ) nên khí bị giữ lại trong dạ cỏ (và một phần dạ tổ ong) gây ra hiện tượng chướng hơi, làm bụng phình to, ép vào lồng ngực làm bò ngạt thở và ép vào phía sau làm bò bí tiểu.

Trong thực tế có nhiều tác nhân có thể gây ra hiện tượng chướng hơi dạ cỏ, các trường hợp bò ăn thức ăn tinh kém chất lượng hoặc thay đổi đột ngột loại thức ăn tinh, ăn cỏ quá ướt, ăn quá nhiều cỏ họ đậu hoặc cỏ bị mốc, nước uống bẩn hoặc quá lạnh, bò bị bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi,... dễ xuất hiện tình trạng chướng hơi dạ cỏ, nhất là bò không được nuôi dưỡng đầy đủ, thể trạng suy nhược, bò nuôi chăn thả ăn cỏ tự nhiên.

Biểu hiện ban đầu của hiện tượng chướng hơi là bò biếng ăn, không nhai lại, bụng bên trái to dần lên do hơi trong dạ cỏ không thoát được ra ngoài, di chuyển khó khăn, gõ vào vùng trên dạ cỏ phát tiếng kêu như tiếng gõ trống, nếu không xử lý kịp bò chết trong tình trạng ngạt thở do phổi, tim, bọng đái bị tắc bởi dạ cỏ phình to chèn ép. Để phòng ngừa bò bị chướng hơi, trước tiên cần có chế độ nuôi dưỡng ổn định, không cho ăn cỏ nhiều nước, không sử dụng nhiều các loại cỏ họ đậu, sử dụng thức ăn tinh có chất lượng tốt và hạn chế thay đổi thức ăn tinh, cấp nước uống sạch, không thả ăn cỏ tự nhiên; đồng thời thường xuyên theo dõi để phát hiện và xử lý ngay khi bò có triệu chứng.

Khi bò khởi đầu bị chướng hơi ở mức độ nhẹ cần cho bò đứng trên nền dốc để phần thân trước cao hơn phần thân sau để hạn chế dạ cỏ ép vào tim và phổi, dùng nùi rơm hoặc giẻ bọc muối rang trộn với gừng, rượu, giấm xát mạnh liên tục vào 2 bên sườn và bụng, nhất là ở phần hông bên trái của bò cho đến lúc bụng xẹp dần. Kinh nghiệm dân gian dùng lá tía tô (một nắm lớn) giã nát + 50 gram muối ăn, vắt lấy nước rồi hòa với 50 ml nước đun sôi để nguội cho bò uống hoặc cho uống thuốc tiêu mặn Natri bicarbonat (NaHCO3), Magie sunfat (MgSO4) (pha khoảng 1 - 2 muỗng canh với 1 - 2 lít nước sôi để nguội) rồi cho bò uống 2 lần/ngày. Có thể cho bò uống thêm khoảng 250 - 500 ml bia/con.

Nếu bụng đã chướng to và bò có dấu hiệu ngạt thở phải dùng ống trô-ca (trocart) hoặc ống tre nhỏ cắt vát nhọn để thông hơi trực tiếp bằng cách: Dùng dao lam cạo một phần lông bên lõm hông trái bò, sát trùng và dùng dao rạch một đường ngang nhỏ rồi đâm xuyên ống thông vào dạ cỏ từ trên xuống sâu vào khoảng 5 - 10 cm, cố định ống thông và rút lõi của ống trô-ca ra từ từ (hoặc hé dần lổ thoát trong trường hợp dùng ống tre vát nhọn) cho hơi thoát dần ra rồi sau đó mới mở rộng (để tránh gây sốc do áp lực hơi đột ngột thoát ra quá mạnh). Sau đó cố định ống thông để hơi tiếp tục thoát và khi hơi đã yếu vẫn tiếp tục để ống thông trong khoảng một buổi rồi mới dừng. Sau cùng, sát trùng nơi thông ống thoát hơi bằng thuốc mỡ kháng sinh. Trong quá trình xử lý có thể tiêm thêm Pilocarpin 3% nhằm hỗ trợ tăng nhu động co bóp của dạ cỏ để tống hơi ra ngoài. Trong suốt thời gian điều trị và sau đó vài ngày chỉ nên cho bò ăn cháo gạo có pha thêm ít muối và để bò ở nơi thoáng mát, khô sạch.  

5. Viêm âm đạo và viêm tử cung.

Do nhiễm các loại tạp khuẩn (Staphylococcus spp, Streptococcus spp, E.coli, Actinomyces pyogenes,...) lúc đẻ hoặc do sót nhau gây viêm âm đạo rồi lan sang viêm cổ tử cung, viêm tử cung, một số trường hợp bò bị viêm âm đạo khi phối giống. Thông thường, chuồng nuôi ẩm thấp, dơ bẩn hoặc thao tác, dụng cụ đỡ đẻ không đảm bảo vệ sinh rất dễ dẫn đến viêm âm đạo và viêm tử cung.

Bò bị viêm âm đạo, viêm tử cung có biểu hiện mệt mỏi, bồn chồn, sốt cao, hay quay đầu về phía sau và rặn nhiều đến cong lưng, âm hộ sưng đỏ, chảy dịch nhầy trắng vàng, tanh và càng lúc càng nhiều, có thể lẫn mủ.

Cần chủ động ngăn ngừa trước bằng cách thực hiện thật chặt chẽ việc vệ sinh và sát trùng ô chuồng chuẩn bị đưa bò vào đẻ, vệ sinh và sát trùng phương tiện, vật dụng và cả người chăm sóc lúc đỡ đẻ. Khi bò đẻ bình thường, không có can thiệp và không có sót nhau vẫn nên đặt thuốc kháng sinh dạng viên như Aureomycin, Bio-Vagilox,… với liều lượng 2 viên/lần/ngày và liên tục trong 3 ngày để chủ động sát trùng âm đạo.

Trong các trường hợp bò đẻ khó hoặc khi có sót nhau đã có can thiệp thì khả năng bò bị viêm âm đạo, viêm tử cung nhiều khả năng xảy ra; do đó, cần bơm rửa tử cung băng thuốc tím (KMnO4) 0,l% hoặc nước muối 0,9% 1 - 2 lít/ngày trong suốt 3 - 4 ngày hoặc bằng Rivanol 1% mỗi ngày 1 lần với lượng nước pha thuốc mỗi lần rửa là 1/2 lít hoặc bằng dung dịch Lugol (Iodine + Iodur kali). Sau mỗi lần bơm rửa đợi cho bò rặn nước rửa chảy ra hết rồi bơm các loại kháng sinh như Kanamycin, Ampicilline, Terramycin,... vào âm đạo liên tục 3 - 4 ngày. Nếu bò có sốt, cần tiêm thêm thuốc kháng sinh (Gentamycin, Ampicilline, Kanamycin, Septotryl,...) và tiêm thuốc giảm sốt (Analgin + C, Analgin - C).

6. Sót nhau.

Do nhiều lý do, bò sau khi đẻ không thải toàn bộ nhau ra ngoài, thường gặp ở bò cái nuôi dưỡng kém, ít vận động, đẻ sớm, đẻ khó; ngoài ra bò đã từng bị viêm tử cung hay tiền sử đẻ khó dễ gặp tình trạng sót nhau. Để hạn chế tình trạng bò bị sót nhau cần có chế độ nuôi dưỡng đầy đủ và chuồng nuôi rộng rãi để bò trong giai đoạn mang thai có điều kiện vận động.

Khi bò bị sót nhau đã có can thiệp bằng cách bóc nhau hoặc tiêm Oxytocin hỗ trợ tử cung tống nhau ra dễ gặp rủi ro nhiễm trùng đường sinh dục dẫn tới viêm âm đạo, viêm tử cung. Vì vậy, cần chủ động thực hiện các biện pháp bơm rửa, bơm kháng sinh như cách điều trị viêm tử cung.

7. Viêm vú.

Xảy ra trên bò cái sau khi đẻ, do nhiễm tạp khuẩn (Streptococcus spp, Staphylococcus spp, E.Coli,... hoặc nấm Candida albicans) từ môi trường chuồng nuôi ẩm thấp, dơ bẩn; do kế phát từ viêm tử cung, viêm âm đạo; do thao tác vắt sữa không đảm bảo vệ sinh; do núm vú hay bầu vú bị xây xát.

Viêm vú có 2 thể bệnh: thể cấp tính và thể tiềm ẩn. Thể cấp tính dễ phát hiện triệu chứng điển hình như: bầu vú sưng nóng đỏ, bò có phản ứng đau khi vắt sữa hay khi bê bú sữa, sữa bị lợn cợn, có thể lẫn máu hoặc mủ. Thể tiềm ẩn khó phát hiện triệu chứng mà chỉ có thể kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn qua sữa; vì vậy, bò đang nuôi con cho sữa bình thường vẫn nên kiểm tra định kỳ viêm vú tiềm ẩn bằng phương pháp CMT (California Mastitis Test) sử dụng thuốc thử chẩn đoán độ biến màu và trạng thái lý tính của sữa để phát hiện vú, thùy vú bị viêm tiềm ẩn nhằm có biện pháp điều trị.

Bò bị viêm vú gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bê, nhất là ở thể tiềm ẩn; vì vậy cần theo dõi kỹ để phát hiện và điều trị sớm. Trước tiên, cần thực hiện các yêu cầu vệ sinh thường xuyên chuồng nuôi và định kỳ phun thuốc sát trùng, nếu có vắt sữa cần thực hiện đầy đủ thao tác vệ sinh đối với người vắt sữa và dụng cụ dùng vắt sữa, các trường hợp bò đẻ đã bị sót nhau, viêm tử cung phải điều trị dứt sớm để ngăn chặn kế phát sang viêm vú.

Khi phát hiện bò bị viêm vú, nếu nhẹ có thể dùng các loại thuốc kháng sinh dạng dùng bơm trực tiếp vào bầu vú qua núm vú như: Mastijet-Fort, Super Mastikort, Mastvex-1, Bio-Neomas, kháng sinh như: Ampicilline, Kanamycin, Sulfamerazin, Gentamycin, Tobramycine, Terramycin, Codexin,... kết hợp tiêm các loại thuốc kháng viêm như: Ketovet, MD Dexa 100, Dexa,...

8. Bại liệt trước và sau khi sanh.

Bò mang thai luôn có sự điều tiết một hàm lượng lớn chất vôi (can - xi) trong cơ thể để chuyển sang tạo khung xương cho bào thai nên làm giảm mạnh nguồn can-xi trong xương của bò mẹ, gây nên tình trạng đi đứng khó khăn, yếu ớt và khi nặng dẫn đến bại liệt khi đang mang thai hoặc sau khi đẻ. Hiện tượng này rất dễ xảy ra đối với các giống bò thịt cao sản.

Để ngăn ngừa hiện tượng bò mẹ bị bại liệt cần duy trì đều đặn thành phần bột xương, bột vỏ sò trong khẩu phần thức ăn tinh (5 - 7%), trộn thêm trong thức ăn hoặc pha nước uống các loại premix có nhiều can-xi và vitamin D (vitamin D giúp chuyển hóa can-xi) như các chế phẩm Vetophos, Vitacalcium, Bio-Tricalci Fort, Calgophost, Vetophost,... và treo đá liếm cung cấp các chất khoáng khác thường xuyên trong chuồng nuôi. Khi bò chớm có dấu hiệu yếu chân trước hoặc sau khi sanh cần bổ sung nhanh can-xi qua đường truyền mạch hoặc tiêm thịt (các chế phẩm truyền mạch hoặc tiêm có chứa can-xi ở dạng Gluconat Calci).

9. Hội chứng tiêu chảy.

Có thể xảy ra trên bò các lứa tuổi và thường rơi vào mùa mưa, do nhiều nguyên nhân như: viêm ruột do vi khuẩn, vi-rút, ký sính trùng (giun đũa, sán lá gan), do thức ăn nhiều đạm, nhiều béo hoặc bị ôi mốc. Triệu chứng thông thường là bò ăn ít hoặc bỏ ăn, không nhai lại, tiêu chảy phân tanh có màu xám xanh, xám vàng, đôi lúc có thể lẫn máu và chất lầy nhầy là niêm mạc ruột bị bong ra. Thường bò không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.

Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là vệ sinh thường xuyên nơi chăn nuôi, không để ẩm thấp và định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, định kỳ tẩy giun sán, sử dụng thức ăn tinh cân đối các chất dinh dưỡng và không bị ẩm mốc.

Khi bò có hiện tượng tiêu chảy cần chuyển nuôi cách ly, giảm cho ăn, cung cấp nước uống có pha chất điện giải như: Nopstress, Gluco-K-C, Vitalyte, MD Electrolytes, Oresol,… kiểm tra kỹ triệu chứng để khoanh vùng các khả năng gây bệnh. Trong thực tế, bò gặp hội chứng tiêu chảy do nhiều nguyên nhân nên cần điều trị bằng kháng sinh kết hợp với truyền mạch hoặc tiêm nước sinh lý để chống mất nước, tiêm thuốc giảm sốt và vitamin C như Analgin + C, Analgine - C; nếu tiêu chảy có máu cần tiêm thêm vitamin K. Sau khi điều trị cần kiểm tra lại chất lượng thức ăn và tẩy giun sán.

10. Ngộ độc.

Hệ vi sinh vật trong dạ cỏ có thể giúp bò hóa giải nhiều yếu tố có hại trong thức ăn tinh và thức ăn thô; tuy nhiên, một số loại thức ăn nếu sử dụng quá nhiều và thường xuyên có thể gây ngộ độc như trường hợp sử dụng bã khoai mì chưa được phơi khô trước đó hay cho ăn nhiều hạt cao lương, vỏ khoai tây, khô dầu bông vải hoặc thức ăn nhiễm nấm mốc. Các trường hợp này thường gây ngộ độc ở mức nhẹ nhưng kéo dài (mãn tính) làm bò tăng trưởng kém, dễ mắc bệnh do giảm sức đề kháng, thoái hóa gan và dễ sẩy thai,... Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc cần lưu ý không sử dụng hoặc sử dụng với tỷ lệ thấp các loại thức ăn nêu trên.

Các trường hợp ngộ độc dạng cấp tính, đột ngột có thể gặp phải cho bò ăn phải cỏ còn dính thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ dại, thuốc diệt chuột hoặc ăn quá nhiều cỏ bình linh,... Bò bị ngộ độc cấp tính có biểu hiện run rẩy, co giật, sùi bọt mép, nhịp tim, nhịp thở tăng và rối loạn nhưng không sốt, mắt đỏ và chảy nhiều nước mắt, bò có thể chết rất nhanh nếu ngộ độc nặng.

Khi phát hiện bò có dấu hiệu bị ngô độc, cần áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp giải độc: tiêm thuốc trợ hô hấp và tim mạch có chứa chất camphor, eucalyptol, cafein (như Camphora, Long não nước, Dona-Eucamphor, Cafein natribenzoate); uống thuốc an thần (như Seduxen); giải độc và tăng sức chống chịu (tiêm Atropin và vitamin C); truyền tĩnh mạch nước sinh lý mặn đẳng trương 9 phần ngàn và pha vào nước uống cho bò các chất điện giải.

Trong thực tế, khi bò bị ngộ độc cấp tính việc xử lý luôn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao nếu phát hiện trễ hoặc khi bị ngộ độc quá nặng. Do vậy, cần chủ động phòng ngừa bằng cách luôn kiểm soát kỹ nguồn cung cấp cỏ cho bò, không nên nuôi bò kiểu chăn thả ăn cỏ tự nhiên rất dễ gặp rủi ro ngộ độc, không đặt thuốc diệt chuột trong khu vực bò có thể tiếp xúc. Đối với cỏ trồng, cần lưu ý yêu cầu về thời gian cách ly không cắt cỏ sau khi đã có phun, rải các các loại thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu, bệnh, cỏ dại.

11. Sán lá gan (Fasciola hepatica và Fasciola gigantica).

Sán lá gan là loại nội ký sinh trùng, có dạng chiếc lá, sán trưởng thành ký sinh ở ống dẫn mật và thải trứng qua phân. Trứng từ phân sống nhờ vào một loại ốc (ốc lymnae) nở thành dạng ấu trùng bám vào các cây thủy sinh lan theo nguồn nước, cỏ xâm nhập vào đường tiêu hóa của bò, rồi di chuyển đến gan chuyển sang dạng sán trưởng thành và ký sinh thường xuyên ở ống dẫn mật.

Sán lá gan lấy chất dinh dưỡng từ máu nên làm bò bị suy nhược, vàng mắt, vàng da, lông xơ xác, rụng lông, ăn ít, một số trường hợp gây phù thủng ở mí mắt và yếm. Nếu nặng gây xuất huyết ở gan và chết nhanh.

Để phòng ngừa bò bị nhiễm sán lá gan, cần ủ phân để diệt trứng sán, không cắt hoặc thả bò ăn cỏ tự nhiên ở nơi ẩm thấp, khi mua nhập bò cần tẩy sán lá gan trong thời gian nuôi cách ly và sử dụng các loại thuốc có thành phần hoạt chất Triclabendazole, Chlorsulon tác dụng đặc trị sán lá gan như: Fasinex, Navet-Xinil 25%, Combinex, Dovenix, Fasimec Pour-On, Bio-Clormectin, Clomectin, Ivomec Plus,...). Tốt nhất chủ động tiêm thuốc trị sán lá gan cách khoảng 6 tháng một lần.

12. Tiên mao trùng (Trypanosoma).

Tiên mao trùng là một loại nội ký sinh trùng trong máu bò, lấy chất dinh dưỡng và tiết độc tố làm bò thiếu máu, gầy sút và gây sốt với đặc điểm: sốt cao 1 - 2 ngày rồi trở lại bình thường và tái diễn cách khoảng 7 - 10 ngày. Ngoài ra, bò còn có hiện tượng tiêu chảy kéo dài, măt tụ máu, nhiều ghèn, chảy nhiều nước mắt, niêm mạc mắt ngã vàng, các phần da mỏng như ở ức, hầu, nách có thể bị phù thủng.

Bệnh tích khám nghiệm trên bò bị tiên mao trùng có đặc trưng là máu rất loãng, lồng ngực, xoang bụng và bao tim tích dịch vàng sậm, thịt nhão, tim, phổi, lách sưng và tụ máu. Dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, ruột non và ruột già bị xuất huyết nhiều chỗ và thâm tím.

Phòng ngừa bằng cách theo dõi kỹ để phát hiện và điều trị sớm bằng một trong các loại thuốc có chứa thành phần hoạt chất phenoltridinium, isometamidium như: Naganin, Sangavet, Trypahorse, Trypamidium, Bayer 205, Azidin, Tripazen,… ở vùng nuôi có tỷ lệ bò bị nhiễm tiên mao trùng cao cần chủ động tiêm phòng cách khoảng 6 tháng một lần và kết hợp thường xuyên phun thuốc trừ ruồi, mòng.

13. Xáo trộn về động dục.

Bò cái thành thục sinh dục lên giống lần đầu tiên có nhiều biến động do phụ thuộc vào đặc điểm giống, môi trường và chế độ dinh dưỡng. Thông thường, các giống bò thịt du nhập có thời điểm động dục chậm hơn các giống bò địa phương và bò sữa cao sản, nhiệt độ môi trường chăn nuôi cao hoặc bò quá gầy, quá béo cũng gây trì trệ động dục. Do đó, để bò cái lên giống đúng tuổi, ổn định và biểu hiện lên giống đầy đủ trước tiên cần có chế độ nuôi dưỡng tốt trong giai đoạn hậu bị và môi trường nuôi cần thông thoáng, có biện pháp giảm tác động nóng. Khi đó, nếu bò vẫn có những bất ổn về tình trạng lên giống thì sự can thiệp bằng cách sử dụng kích thích tố (hormone) sinh dục mới có hiệu quả. Ngoài ra, bò cái nuôi con kéo dài cũng làm chậm thời gian động đục trở lại, vì vậy cần cho bê cai sữa sớm để khai thác hiệu quả sức sinh sản của bò cái.

Trong điều kiện chăn nuôi tốt, một số cá thể bò cái vẫn gặp tình trạng không, chậm lên hoặc lên giống không rõ ràng là do thiếu và mất cân đối một số kích thích tố sinh dục cần thiết để hình thành trứng, rụng trứng; bao gồm các loại kích thích tố tự nhiên do cơ thể tự sản sinh như: Gonadotropin, Estrogen, Progesteron, Prostaglandin. Vì vậy, tác động can thiệp để đưa bò vào trạng thái lên giống là cấp bổ sung các loại kích thích tố nêu trên.

Dựa theo tính năng tác dụng của các loại kích thích tố sinh dục, các biện pháp ứng dụng kích thích tố nhằm gây động dục trên bò cái và chủ động tạo lên giống đồng loạt khi nuôi bò sinh sản quy mô lớn nhằm mục đích cho đàn bò đẻ tập trung cùng thời điểm gần nhau để thuận tiện chăm sóc. Các chế phẩm kích thích tố sử dụng phổ biển có: Huyết thanh ngựa chữa (PMSG-Pregnant Mare Serum Gonadotropin); Kích tố của nhau thai người (HCG-Human Chorionic Gonadotropin); Các chế phẩm Prostaglandin tổng hợp như Cloprostanol, Prosolvin, Hanprost, Lutalyse,… ; Các chế phẩm tổng họp Progesteron với Estrogen như vòng đặt âm đạo CIDR (Controlled Intemal Drugl Releasing), PRID (Progesteron Releasing Intra-vaginal Device),… hoặc viên cấy dưới da Synchro Mate B, Cresta kết hợp tiêm Norgestomet và Estradiol Valerat,...

Trong thực tế, việc sử dụng các chế phẩm kích thích tố sinh dục chỉ nên thực hiện bởi nhân viên kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm để đảm bảo việc chẩn đoán quan sát trạng thái bò và khám tử cung, buồng trứng chính xác nguyên nhân và áp dụng cách xử lý thích hợp. Do đó, các cơ sở chăn nuôi không nên tự ý sử dụng các chế phẩm kích thích tố sinh dục nếu chưa nắm vững tính năng, tác dụng chế phẩm cũng như chưa đánh giá đúng tình trạng xáo trộn động dục của bò.

DANH MỤC THUỐC THÚ Y, HÓA CHẤT, CẤM SỬNG DỤNG VÀ HẠN CHẾ SỬ DỤNG

1. Cấm sử dụng.

Chloramphenicol (Chloromycetin, Chlonitromycin, Laevomycin, Chlorocid, Leukomycin); Furazolidon và dẫn xuất của nhóm Nitrofuran (Nitrofuran, Furacillin, Nitrofurazon, Furacin, Nitrofurantoin, Furoxon, Orafuran, Furadonin, Furadantin, Furaltadon, Payzone, Furazolin, Nitrofurmethon, Nitrofuridin, Nitrovin); Dimetridazole (Emtryl), Metronidazole (Trichomonacid, Flagyl, Klion, Avimetronid), Dipterex (Metriphonat, Trichlorphon, Neguvon, Chlorophos, DTHP); DDVP (Dichlorvos, Dichlorovml); Eprofloxacin; Ciprofloxacin; Ofloxacin; Carbadox; Olaquidox; Bacitracin Zn; Green Malachite (Xanh Malachite); Gentian Violet (Crystai violet).

2. Hạn chế sử dụng.

Improvac; Spiramycin; Avoparcin; Virginiamycin; Meticlorpidol; Meticlorpidol/Methylbenzoquate; Amprolium (dạng bột); Amprolium/ethopate; Nicarbazin; Flavophospholipol; Salinomycin; Avilamycin; Monensin; Tylosin phosphate.

PHẦN 8: QUẢN LÝ THÔNG TIN CHĂN NUÔI VÀ XUẤT BÁN SẢN PHẨM

GHI VÀ LƯU GIỮ THÔNG TIN CHĂN NUÔI

Yêu cầu ghi và lưu giữ thông tin liên quan trong suốt quá trình chăn nuôi là một biện pháp quản lý thiết yếu của quy trình GAHP nhằm phục vụ yêu cầu truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm trong các trường hợp sản phẩm chăn nuôi gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và gây bộc phát dịch bệnh. Thực hành việc ghi và lưu thông tin còn giúp nâng cao năng lực quản lý hoạt động chăn nuôi, phát hiện các thiếu sót để điều chỉnh và tính toán được chuẩn xác hiệu quả kinh tế.

Cơ sở chăn nuôi cần có các sổ ghi thông tin chuyên mục và các loại hồ sơ, chứng từ liên quan hoạt động chăn nuôi như sau:

1. Sổ ghi chuyên mục.

- Quản lý giống và diễn biến tăng giảm đàn.

- Quản lý sử dụng thức ăn và nước.

- Theo dõi phòng trị bệnh và vệ sinh môi trường.

- Quản lý xây dựng, sửa chữa, mua sắm, thuê lao động.

- Quản lý chi thu và hạch toán kinh tế.

2. Hồ sơ chứng từ lưu giữ.

- Chứng nhận tiêm phòng vắc-xin, kiểm dịch bò giống mua nhập và bò giống xuất chuồng.

- Chứng từ mua bán bò giống, bò thịt.

- Chứng từ mua các loại vật tư kỹ thuật (thức ăn, thuốc, hóa chất,...) và thiết bị, dụng cụ.

- Chứng từ thuê lao động, thuê dịch vụ kỹ thuật.

- Hồ sơ xây dựng công trình chăn nuôi (chuồng trại, hầm biogas, hố ủ phân, kho,...)

- Các loại hồ sơ đăng ký sản xuất, kinh doanh, vay vốn,...

- Các thông báo kết quả kiểm tra về môi trường, nước, thức ăn,...

QUẢN LÝ XUẤT BÁN SẢN PHẨM

Sản phẩm bò thịt xuất chuồng hay bò giống khi bán đều cần ở trạng thái khỏe mạnh, không mang bệnh được chứng thực thông qua quan sát thể trạng kèm với các loại hồ sơ thông tin về nguồn gốc, chủng loại giống, mã số nhận dạng (thẻ đeo tai), các loại vắc-xin, thuốc thú y đã sử dụng để phòng trị bệnh trong quá trình chăn nuôi và kiểm dịch của cơ quan thú y.

Bò thịt lúc xuất chuồng đảm bảo đã thực hiện đúng quy định về thời gian ngưng dùng thuốc để không tồn dư kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng hoặc không cao hơn mức cho phép đối với các loại thuốc, hóa chất không cấm sử dụng.

Địa điểm và đường vận chuyển bò lúc xuất bán được chuẩn bị thuận tiện, thích hợp để thời gian di chuyển bò từ chuồng đến phương tiện vận chuyển không kéo dài, không gặp trở ngại phải chuyển ngược bò trở về chuồng nuôi, không đánh đuổi bò lúc di chuyển để giảm các tác động gây stress hoặc xây xát, chấn thương ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng quầy thịt.

Các phương tiện, dụng cụ dùng cầm giữ, di chuyển bò lúc xuất bán phải được vệ sinh, sát trùng sau đó. Phân, nước tiểu bài thải và các loại rác khác rơi rớt trong quá trình di chuyển bò ra khỏi nơi chăn nuôi cũng phải được thu gom và dội rửa.

Khi bò giống hay bò thịt đã xuất ra khỏi nơi chăn nuôi nhưng vì lý do nào đó không thể vận chuyển đến nơi mua giống hoặc cơ sở giết mổ phải quay trở lại nơi chăn nuôi đều phải đưa vào chuồng nuôi cách ly và lưu giữ cho đến khi xuất bán trở lại; không được nhập đàn cũ hoặc vào ô chuồng đã nuôi trước đây./.

(Hết)



Các tin khác: