*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Giải đáp thắc mắc

Vi sinh cố định đạm


Câu hỏi

Ông Đoàn Văn Tám cư ngụ tại thành phố Tân An có đất làm rẫy ở tỉnh Bình Phước hỏi: “Nghe quảng cáo về loại phân có chứa vi sinh có thể lấy chất đạm trong không khí để chuyển cho cây trồng giúp giảm bớt chi phí mua phân U-rê, DAP, NPK. Xin hỏi có đúng không, có nên dùng không?”

Trả lời

Thông tin mà người hỏi đề cập là chính xác. Như chúng ta biết, trong không khí có ni-tơ (N) là thành phần chính của chất đạm và hiện diện cao ở dạng khí (chiếm gần 80% thể tích không khí); tuy nhiên, cây trồng không thể hấp thu được dạng ni-tơ này mà phải nhờ một số loại vi sinh vật sống trong đất có khả năng hấp thu và chuyển hóa thành dạng hóa học khác phù hợp cho rễ cây hấp thu (ni-tơ trong không khí được vi sinh lấy vào, biến thành ammoniac rồi tổng hợp thành các hợp chất hữu cơ chứa đạm như glutamin, ureide). Các vi sinh có khả năng như thế được gọi là vi sinh cố định đạm và gồm nhiều loại: tảo, lam, vi khuẩn, xạ khuẩn; trong đó, có 3 loại vi khuẩn đã được chọn lọc đưa vào ứng dụng trong sản xuất, gồm có:

Thứ nhất là vi khuẩn Rhizobium hay còn gọi là vi khuẩn nốt sần, vi khuẩn này cộng sinh với cây họ đậu, phổ biến là cây đậu phọng. Gọi là cộng sinh vì vi khuẩn và cây họ đậu đều dựa vào nhau để phát triển; vi khuẩn sống ở phần rễ cây và tạo nên các nốt sần ở rễ, chúng sử dụng một phần chất dinh dưỡng của cây để sống, đồng thời lấy đạm từ không khí để cung cấp trở lại cho cây. Rễ cây đậu phọng càng có nhiều nốt sần tương quan với lượng vi khuẩn Rhizobium trong đất nơi đó phát triển mạnh.

Thứ hai là vi khuẩn cố định đạm không cộng sinh, hay còn gọi là vi khuẩn sống tự do, điển hình là vi khuẩn Azotobacter. Loại vi khuẩn này có trong đất với số lượng ít hoặc nhiều tùy vùng đất, nơi đất giàu chất mùn và không nhiễm phèn có nhiều Azotobacter.

Thứ ba là loại vi khuẩn hội sinh trong vùng rễ của cây trồng, phổ biến là vi khuẩn Azospirium. Vi khuẩn này không tạo nốt sần trên rễ cây mà chỉ sống tập trung ở vùng đất quanh rễ cây hấp thu các chất hữu cơ từ chất tiết của rễ cây và tổng hợp đạm cung cấp cho cây. Azospirium thích hợp phát triển trên đất trồng các loại rau.

Như vậy, khi sử dụng các chế phẩm có chứa các loại vi khuẩn nêu trên thì trong đất sẽ có thêm nguồn chất đạm tự nhiên và hữu hiệu cho cây trồng, từ đó có thể giảm bớt phân có nhiều đạm như u-rê, DAP. Ngoài ra, vi sinh cố định đạm còn giúp cải thiện chất lượng nông sản và giảm bệnh trên cây trồng; như cây đậu phọng có nhiều nốt sần thì hạt đậu thường có hàm lượng đạm cao hơn bình thường hoặc các chân đất trồng rau có nhiều Azotobacter thì lượng nitrate tồn dư trong rau sẽ ít đi, các loại vi sinh cố định đạm cộng sinh và hội sinh còn có khả năng tiết ra chất ức chế các vi nấm gây bệnh trên rễ nên giúp giảm xảy ra cácbệnh thối đen rễ, lở cổ rễ. 

Trên thị trường, các nơi sản xuất dựa vào đối tượng cây trồng và đặc điểm của mỗi loại vi sinh để bào chế các dạng chế phẩm khác nhau, như vi khuẩn Rhizobium  chỉ sử dụng cho cây họ đậu dưới 2 dạng: Dạng bột dùng trộn với hạt giống trước khi gieo và dạng hạt để rải trực tiếp vào đất hoặc pha với nước tưới quanh gốc, còn AzotobacterAzospirium thì sử dụng cho nhiều loại cây trồng nên được ứng dụng phổ biến hơn và cũng có 2 dạng: Dạng dung dịch dùng tướivà dạng bột thường được trộn chung với phân hữu cơ dưới tên gọi là phân hữu cơ vi sinh.

Tựu chung, khi sử dụng các loại chế phẩm hay phân có chứa vi sinh cố định đạm cần dựa vào loại cây trồng để chọn loại thích hợp bằng cách xem kỹ thành phần vi sinh trong sản phẩm dự định sử dụng và các hướng dẫn của nơi sản xuất. Trong đó, cần lưu ý khâu bảo quản do vi sinh là sinh vật sống nên dễ bị hư hại khi cất giữ ở nơi quá nóng, nhiều ánh sáng chiếu trực tiếp. Cần nói thêm các loại vi sinh cố định đạm sẽ phát triển tốt hơn nếu như chân đất trồng được bón thường xuyên phân hữu cơ để tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh gia tăng mật số./.

Lương Lễ Dũng

 



Các tin khác: