*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thông tin khác

MÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT


Trong chúng ta hầu hết đều rất quen thuộc với từ “môi trường” và đối với nhiều người thì từ này cũng rất dễ hiểu; tuy nhiên, thực sự thì phần đông người dân hiểu môi trường theo nghĩa chung chung, còn nắm rõ được đầy đủ ý nghĩa, tính chất và nhất là những quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường có thể nói vẫn còn là số ít. Chính bởi những giới hạn này mà từ chủ trương, chính sách của Đảng đến các chương trình, kế hoạch, dự án của Nhà nước với mục tiêu nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình truyền thông vận động và triển khai thực hiện; do đó, mọi tổ chức, cá nhân cần hiểu đầy đủ và thực hành có ý thức nghĩa vụ bảo vệ môi trường là yêu cầu rất cần thiết.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu đầy đủ khái niệm của thuật ngữ môi trường là bao hàm tất cả các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có liên quan chặt chẽ với nhau và có tác động vào sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật; trong đó, có 2 dạng môi trường: Môi trường tự nhiên gồm các nhân tố thiên nhiên về đặc điểm vật lý, hóa học, sinh học tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người như: nắng, mưa, đất, sông, biển, không khí, động vật, thực vật,… và Môi trường xã hội gồm tổng thể các mối quan hệ xã hội chủ quan do con người thiết lập như chính sách, luật lệ, thể chế, quy chế, quy định,… Như vậy, khi có một hoặc nhiều yếu tố môi trường tự nhiên hoặc môi trường xã hội thay đổi đều có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, sức khỏe, đời sống của con người và sinh vật.

Bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp thiết và quan trọng của toàn cầu; vì vậy, nước ta cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường làm nền tảng cho các chương trình, kế hoạch thiết lập hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cùng các biện pháp bảo tồn môi trường trong mối liên quan với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, chủ động ngăn chặn các tác động gây ô nhiễm môi trường tự nhiên (như thiên tai, biến đổi khí hậu, khai thác cạn kiệt tài nguyên, chất thải độc hại, biến đổi đa dạng sinh học,…) và các biến động tiêu cực thuộc môi trường xã hội ảnh hưởng xấu đến thế hệ hiện tại và cả các thế hệ sau này.

Như đã đề cập, môi trường gồm có môi trường tự nhiên và nhân tạo; tuy nhiên trong thực tế các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên gần gũi, dễ thấy và tác động rõ rệt hơn vào đời sống thường ngày so với môi trường xã hội mà cụ thể là vấn đề đối phó với tác hại do ô nhiễm ở bất kỳ nước nào hiện nay cũng được xem là ưu tiên hàng đầu. Ô nhiễm môi trường theo nghĩa đầy đủ là:“Những biến đổi của các thành phần môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật. Các tác nhân gây ô nhiễm môi trường bao gồm các loại chất thải ở dạng khí, lỏng, rắn có chứa các hoá chất hoặc tác nhân vật lý, hóa học, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ”. Môi trường được đánh giá là bị ô nhiễm nếu hàm lượng, nồng độ hoặc cường độ các tác nhân nêu trên cao hơn quy chuẩn kỹ thuật môi trường do nước đó quy định. Thí dụ: Đối với nước ta, quy chuẩn quốc gia QCVN14:2008/BTNMT quy định hàm lượng khí ammoniac NH4OH trong nước thải đưa vào nguồn nước sử dụng làm nước sinh hoạt không quá 5 mg/lít và nguồn nước không sử dụng làm nước sinh hoạt không quá 10 mg/lít. Khi nước thải chứa khí ammoniac vượt hơn các mức này được xem là có tác động gây ô nhiễm nguồn nước.

Môi trường đã và đang là vấn đề nóng bỏng trong mối liên quan đến sự sinh tồn của con người và sinh vật, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện thời. Chính vì vậy mà hầu như tất cả các nước trên thế giới ngày càng áp dụng nhiều hơn các biện pháp quản lý các loại chất thải cùng lúc với thực hiện phát triển kinh tế theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sử dụng năng lượng sạch và tái tạo,…; từ đó, xuất hiện nhiều giải pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn như: thuế và phí môi trường, giấy phép chất thải (quota ô nhiễm) cũng như các chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường như: quỹ môi trường, trợ cấp môi trường, nhãn sinh thái, nhãn thực phẩm hữu cơ,…

Với nước ta, trước tiên và trên hết là mọi người dân cần biết những thông tin pháp lý cơ bản quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trườngtại Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 23/6/2014 trên cơ sớ có sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường thời gian trước, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; riêng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần nắm thêm Thông tư số 55/2014/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Tựu chung, những vấn để cơ bản nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường cần biết như sau:

Chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước bao gồm: thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp liên quan khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường; phát triển ưu tiên hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ về môi trường; gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhà nước khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường sau đây: vận động toàn dân tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; xử lý hủy bỏ và tái chế sử dụng chất thải; hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozone; đầu tư cơ sở sản xuất thiết bị bảo vệ môi trường, kinh doanh - dịch vụ bảo vệ môi trường, tín dụng xanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường; nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường; bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường; xây dựng các hình thức cộng đồng dân cư tự quản và tự cung cấp dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

Các hành vi gây tổn hại môi trường bị nghiêm cấm và xử lý nặng khi vi phạm gồm có: phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật; khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường; thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí; đưa vào nguồn nước hóa chất, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định có khả năng gây độc hại đối với con người và sinh vật; thải khói, bụi, khí có chứa chất hoặc mùi độc hại vào không khí; gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức; nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch và vi sinh vật ngoài danh mục cho phép; sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ bảo vệ môi trường; che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, gây sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường./.

Lương Lễ Dũng



Các tin khác: