*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thư viện khuyến nông

CÁCH SỬ DỤNG VITAMIN C TRONG CHĂN NUÔI VÀ THỦY SẢN


Trong chăn nuôi và nuôi thủy sản, vitamin C được sử dụng rất phổ biến qua  tác dụng giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng bệnh và khả năng chống chịu các yếu tố môi trường bất lợi mà chúng ta hay gọi là hiện tượng vật nuôi bị “stress” (kích cảm). Tuy nhiên, đa phần người sử dụng vitamin C thường theo các khuyến cáo chung chung mà chưa nắm được đầy đủ tính năng, tác dụng của loại vitamin này nên trong thực tế tồn tại không ít trường hợp sử dụng vitamin C chưa đúng cách hoặc lạm dụng dẫn tới lãng phí và gặp phải các phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Do vậy, một dịp tìm hiểu sâu hơn về vitamin C để điều chỉnh cách sử dụng sao cho phù hợp sẽ giúp cho người chăn nuôi và nuôi thủy sản đạt được kết quả tốt hơn về mặt kỹ thuật sử dụng dược phẩm cũng như hiệu quả kinh tế.

Vitamin C có tên hóa học là acid ascorbic, dạng bột trắng kết tinh, vị rất chua do tính a-xít cao, tan trong nước và glycerin, ít hoặc không hòa tan khi gặp các chất béo, rất dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với không khí, ẩm độ và nhiệt độ cao. Gan và thận (tuyến thượng thận) của động vật có khả năng tự nhiên tạo ra vitamin C để tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể với vai trò như chất vận chuyển dưỡng khí (o-xy) cho tế bào; trong quá trình này vitamin C khử các phần tử độc hại có thể gây chết tế bào theo cơ chế như chất chống oxy hóa. Đặc biệt, vitamin C có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hydroxyproline là yếu tố cần thiết tạo nên cấu trúc của chất collagen, rất cần cho gia súc, gia cầm đang tăng trưởng và lúc sinh sản; còn với các loài tôm, cá thì collagen cần cho sự  hình thành vỏ, vảy, độ nhớt (tôm thiếu vitamin C thường xuất hiện các mảng đen dưới lớp vỏ ở phần bụng, chân bơi, chân bò và mang, còn với cá thì xương sống bị ưỡn, gốc vây xuất huyết).

Với tính chất như chất chống oxy hóa nên vitamin C có mối liên quan mật thiết với hệ thống miễn dịch của động vật, mỗi khi cơ thể động vật bị nhiễm trùng thì lượng vitamin C tự tạo và dự trữ tại bạch cầu sụt giảm rất nhanh nên rất cần bổ sung vitamin C trong tiến trình điều trị nhiễm trùng. Ngoài ra, vitamin C cũng liên quan đến tính bền chắc về cấu tạo của hệ thống mao quản, nếu thiếu vitamin C mao quản dễ bị vỡ gây xuất huyết, điển hình như bệnh scorbut ở người gây chảy máu nướu răng, xuất huyết dưới da thành mảng (dân gian gọi là “vết ma cắn”); tương tự, triệu chứng này trên heo cái sinh sản là chảy máu cam.

Vitamin C được xem như vitamin chống stress vì nguyên cớ như sau: Khi có yếu tố môi trường tác động bất lợi đến sức khỏe của động vật thì trung khu thần kinh của cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra chất catecholamin huy động năng lượng để chống stress; sau đó, tuyến yên tiết ra chất corticotropine tác động lên tuyến thượng thận để tiết ra corticosterone tiếp tục huy động năng lượng dự trữ để tạo thêm glycogen có chức năng tăng sự tỏa nhiệt, tăng nhịp tim, tạo kháng thể để nâng cao sức chống chịu cho động vật. Chính vì vậy, khi bị stress, động vật ít nhiều suy giảm sức tăng trưởng và sinh sản do huy động năng lượng để bảo vệ cơ thể mà các mặt biểu hiện là giảm tăng trọng, giảm đẻ, giảm tiết sữa,… Nếu quá trình này kéo dài, nguồn corticosterone sẽ bị cạn kiệt, cơ thể suy sụp nặng và có thể chết. Trong tiến trình chống stress nêu trên sự tăng cường vitamin C từ bên ngoài sẽ giúp giảm bớt sự huy động quá mức corticosterone để tránh xảy ra tình trạng suy kiệt, theo cơ chế đó nên vitamin C được xem là chất chống stress cho động vật ở mọi lứa tuổi.

Dù rất cần thiết, tuy nhiên việc sử dụng vitamin C cũng cần đúng lúc, đúng liều và cả đúng cách thì mới cho hiệu quả tác dụng tốt nhất, nếu sử dụng sai hoặc lạm dụng thì ngoài việc lãng phí còn có thể gây ra các phản ứng phụ có hại như gây rối loạn tiêu hóa, giảm chức năng hồng cầu và bạch cầu, tăng rủi ro viêm bàng quang và đường tiết niệu, tổn thương thận, tích sỏi oxalat ở thận,… Do vậy, nguyên tắc sử dụng vitamin C là không cần phải bổ sung thường xuyên mà chỉ cấp thêm cho vật nuôi trong các thời điểm thực sự cần thiết, cụ thể vào những lúc vật nuôi có thể gặp các điều kiện gây stress như: lúc thời tiết thay đổi đột ngột, lúc giao mùa, những ngày nhiệt độ môi trường quá cao hay có biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, lúc vận chuyển, thay đổi địa điểm nuôi, trong và sau quá trình điều trị bệnh, vật nuôi đang trong giai đoạn sinh sản, trước và sau khi chủng ngừa vắc-xin, lúc cai sữa cho heo, bò, trước khi cắt mỏ gà, gia cầm đẻ trứng vỏ mỏng hoặc vỏ sần sùi, gia cầm mổ lông nhau,…

Hiện nay vitamin C được tổng hợp nhân tạo dưới nhiều dạng chế phẩm, trong đó có 2 dạng cơ bản là dạng ascorbat phosphat dùng tiêm, trộn thức ăn và dạng vi bọc dùng pha vào nước. Về hình thức lưu hành trên thị trường, vitamin C được sản xuất dưới dạng nguyên chất thường dùng để sản xuất vitamin C dạng thương mại phối hợp với tá dược hoặc các chất khác nên vitamin C thương mại là dạng được bán buôn phổ biến cho người sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản; trong đó, tùy theo đối tượng vật nuôi và mục đích sử dụng, các nơi sản xuất bào chế tỷ lệ thành phần vitamin C có hàm lượng khác nhau từ 10% đến 30%; vì vậy khi chọn mua và sử dụng bất kỳ chế phẩm vitamin C nào cũng cần xem kỹ tính chất và thành phần vitamin C có trong chế phẩm đó và tuyệt đối sử dụng theo đúng cách, đúng liều hướng dẫn, nhất là trong thủy sản do vitamin C rất dễ bị hư hỏng trong môi trường nước. Cần lưu ý vitamin C dễ bị mất tác dụng trong môi trường nóng, ẩm độ và cường độ ánh sáng cao nên cần được bảo quản ở nơi khô mát, tránh ánh sáng. Ngoài ra, tuyệt đối không pha, trộn vitamin C với thuốc kháng sinh để cấp chung vì kháng sinh rất dễ bị giảm tác dụng trong môi trường a-xít./.

Lương Lễ Dũng



Các tin khác:

     1 / 1