*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng bưởi (PHẦN 1)


KỸ THUẬT TRỒNG BƯỞI

1. Đặc tính sinh thái

1.1. Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23 - 29oC. Nhiệt độ ảnh hưởng quan trọng đến phẩm chất và sự phát triển của trái.

1.2. Ánh sáng

Cây bưởi thích hợp ánh sáng tán xạ, cường độ ánh sáng thích hợp khoảng 10.000 - 15.000 lux (tương đương ánh sáng lúc 8 giờ sáng và 4 - 5 giờ chiều trong ngày mùa hè), cường độ ánh sáng quá cao sẽ làm giảm quang hợp và trái bưởi dễ bị nám. Do đó, việc trồng xen hay trồng cây chắn gió tạo điều kiện có bóng râm giúp cây sinh trưởng tốt hơn, có thể bố trí liếp trồng theo hướng Đông - Tây để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp.

1.3. Nước

Cây bưởi cần nhiều nước nhất là trong thời kỳ ra hoa, nuôi trái và thời kỳ cây con, nhưng không chịu ngập úng. Cần chú ý đến chất lượng nước tưới, không dùng nước phèn, mặn để tưới cho cây. Bưởi có thể chịu được độ mặn khoảng 2‰ (hai phần ngàn) trong thời gian ngắn nhưng không được tưới lên liếp, cây bưởi chịu phèn kém hơn cây quýt và chanh.

1.4.  Đất trồng

Trồng bưởi cần có tầng canh tác dầy ít nhất 0,6 m. Đất tơi xốp, thoát nước tốt, thoáng khí vì rễ cần nhiều oxy trong đất; mực thủy cấp sâu càng tốt, tối thiểu khoảng 0,8 m so với mặt đất, pH tốt nhất từ 5,5 - 6,5.

- Trường hợp trồng trên nền đất mới: Áp dụng kỹ thuật đào mương lên liếp nhằm xả phèn, mặn và nâng tầng canh tác. Mương rộng 1 - 2 m, liếp rộng 6 - 8 m. Cần xây dựng bờ bao để bảo vệ cây trồng, mực nước trong mương luôn giữ ổn định. Nên bố trí ít nhất 1 cống lấy nước và 1 bọng điều tiết nước. Khi thiết kế liếp trồng nên lưu ý bố trí hướng liếp song song với hướng gió để vườn cây được thông thoáng, khô ráo, ít sâu bệnh.

- Trường hợp trồng trên nền đất cũ: Chọn vị trí mới để đắp mô trồng nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ và tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Thời kỳ đầu có thể giữ cây trồng cũ để tận thu, ổn định thu nhập, che mát cho cây bưởi mới trồng và hạn chế cỏ dại.

2. Giống và cách chọn giống

2.1. Giống bưởi: Một số giống bưởi được trồng phổ biến ở Nam bộ như sau:

2.1.1. Bưởi năm roi (Citrus maxima (Burm) Merr)

Đây là giống bưởi đặc sản của tỉnh Vĩnh Long, được trồng khá tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) và khá nhiều ở các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre,… Trong quá trình chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm Roi tốt, có các đặc điểm như: Dạng trái hình quả lê đẹp, vỏ vàng khi chín, con tép tróc khỏi vách múi và bó chặt nhau, nước quả khá, hương vị thơm ngon, không the đắng và đặc biệt là không hạt.

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái sau 2,5 - 3 năm sau khi trồng. Cây thường cho trái rải rác quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 - 11 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 6 - 7 tháng. Trái có dạng quả lê khi chín tâm quả rỗng và vỏ có màu vàng, trên vỏ có các tuyến tinh dầu phình to làm bề mặt vỏ quả nhám, trọng lượng quả 0,9 – 1,1 kg, năng suất 250 - 300 kg/cây/năm (cây lớn hơn 10 năm tuổi).

2.1.2. Bưởi da xanh (Citrus maxima (Burm) Merr)

Có nguồn gốc ở Bến Tre được trồng khá nhiều ở xã Mỹ Thạch An, Thành phố Bến Tre; hiện đang được trồng nhiều ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long,… Trái có dạng cầu, vỏ vẫn giữ màu xanh khi chín, con tép tróc khỏi vách múi tốt, tép múi màu đỏ hồng, nước quả khá, vị ngọt không the đắng.

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái sau 2,5 - 3 năm sau khi trồng. Cây thường cho quả quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 - 11 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7 - 7,5 tháng. Trái thuộc loại khá to, có trọng lượng 1,2 - 1,5 kg, dạng hình cầu, khi chín vỏ màu xanh nhưng đôi khi ngã sang màu xanh hơi vàng, tâm quả rỗng, năng suất khá cao khoảng 120 - 150 kg/cây/ năm (cây 10 năm tuổi)

2.1.3. Bưởi đường lá cam (Citrus maxima (Burm) Merr)

Được trồng nhiều ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Tân Uyên (Bình Dương). Dạng trái khá đẹp, phẩm chất ngon được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái 3 - 4 năm sau khi trồng. Cây thường cho trái quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 7 - 8 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7 - 7,5 tháng. Trái có trọng lượng trung bình từ 0,8 - 1,2 kg, có hình quả lê thấp, vỏ khi chín có màu vàng xanh, láng, nhẵn và tróc rất tốt.

2.1.4. Bưởi Lông Cổ cò (Citrus maxima (Burm) Merr)

Đây là giống bưởi dễ trồng, sinh trưởng mạnh, năng suất cao và có khả năng cho quả quanh năm. Giống bưởi Lông Cổ cò xuất xứ từ cây trồng hạt tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Do đặc điểm giống có lớp lông tơ mịn trên chồi non, lá và vỏ nên có tên là bưởi Lông và nguồn gốc tại Cổ cò (xã An Thái Đông). Giống này được trồng nhiều ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Thành Phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái sau 2 năm sau khi trồng. Cây thường cho trái rải rác quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 - 12 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8 - 8,5 tháng. Trái có dạng hình quả lê cụt, khi chín túi tinh dầu phình to ra và mật độ dầy hơn so với trái còn non, trái chuyển từ màu xanh mốc sang màu xanh nhạt, có lớp lông tơ mịn bao phủ quanh trái, trọng lượng bình quân 1,0 - 1,5 kg, năng suất khá cao khoảng 200 - 250 kg/cây/ năm (cây 10 năm tuổi)

2.2. Cách chọn giống bưởi

2.2.1. Tiêu chuẩn cây giống tốt

- Cây phải đúng giống, sinh trưởng mạnh, không mang mầm mống sâu, bệnh hại .

- Cây phải đồng nhất về hình thái và đặc tính di truyền, sự sai biệt dạng hình không quá 5%.

- Chiều cao cây tính từ mặt bầu phải đạt 50 - 60 cm đã có từ 2 - 3 cành cấp 1.

- Đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10 cm: phải đạt từ 0,8 - 1 cm.

- Đường kính cành ghép: Phải đạt 0,5 - 0,7 cm.

- Tiêu chuẩn chọn cây đầu dòng: cây đầu dòng phải là cây sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh phá hại, không bị nhiểm bệnh nguy hiểm như vàng lá Greening và Tristeza, có năng suất và phẩm chất ổn định.

2.2.2. Cách nhân giống

- Phương pháp chiết cành: giúp giữ lại hoàn toàn các đặc tính của cây đầu dòng, rễ mọc cạn, thích hợp trồng trên các vùng đất có mực thủy cấp hơi cao nhưng phương pháp này có nhược điểm là hệ số nhân giống thấp, dễ làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như vàng lá Greening, Tristeza,… cây mau già cỗi và không tận dụng các ưu điểm của gốc ghép. Cây dễ đổ ngã do bộ rễ phát triển kém, không tương ứng với sự phát triển của cây. Những lưu ý khi chiết cành:

+ Các dụng cụ chiết cành phải được khử trùng trước và sau khi thực hiện thao tác chiết trên từng đoạn cành.

+ Tuổi cành chiết không nên quá già, chỉ chọn các cành bánh tẻ.

+ Cây dùng để chiết cành phải đang ở trong tình trạng sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh, nhất là bệnh vàng lá Greening và Tristeza.

- Phương pháp ghép: hệ số nhân giống cao, tận dụng ưu thế của gốc ghép, cây chống chịu đổ ngã tốt, tăng tuổi thọ, giữ lại được các đặc tính tốt của cây đầu dòng.

+ Gốc ghép: có thể sử dụng các giống bưởi chua ở địa phương làm gốc ghép, hoặc sử dụng gốc cam mật để làm gốc ghép theo hướng ổn định chất lượng giống bưởi. Cây được dùng làm gốc ghép phải được gieo từ các hạt giống khỏe, thu từ các trái tốt trên cây không chọn thu hạt từ trái rụng, trái bệnh. Trước khi ghép, gốc ghép phải được định kỳ phun xịt thuốc trừ rầy chổng cánh.

+ Mắt ghép, cành tháp: sử dụng mắt ghép sạch bệnh lưu giữ trong các nhà lưới ngăn được rầy chổng cánh. Cành lấy mắt ghép là các cành nghiêng khoảng giữa thân, chọn đều theo các hướng và vị trí của tán cây để giảm tỷ lệ không đúng kiểu hình, không lấy mắt ghép trên cành tược và cành mọc lòa xòa trên mặt đất.

(Còn tiếp)



Các tin khác: