*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi heo sinh sản (PHẦN 1)


PHẦN 1. GIỐNG

1. Giống heo nuôi sinh sản

Chăn nuôi heo sinh sản làm giống hoặc tạo đàn heo thương phẩm có tỷ lệ nạc cao đều nên sử dụng các giống heo cao sản.

1.1.Giống Yorkshire

Có sắc lông trắng, mặt thẳng hoặc hơi cong vớt lên, tai đứng, thân thon dài, lưng thẳng hoặc hơi võng. Nếu nuôi dưỡng đầy đủ có thể đạt 100 kg lúc 4,5 - 5 tháng tuổi. Heo Yorkshire thích nghi tốt, đẻ sai và nuôi con giỏi nên thích hợp nuôi thuần, lai tạo với heo nền địa phương để cải thiện chất lượng hoặc cho lai với các giống cao sản khác tạo con lai có tỷ lệ nạc cao, khả năng sinh sản tốt.

1.2. Giống Landrace

Có sắc lông trắng, thân dài, đầu nhỏ, tai xụ, phần mông phát triển nên bắp đùi to hơn các giống khác, nếu nuôi tốt có thể đạt trọng lượng 100 kg lúc 4,5 - 5 tháng tuổi. Khả năng tăng trọng và sinh sản đều tốt; tuy nhiên, heo Landrace yêu cầu kỹ thuật chăm sóc và chế độ dinh dưỡng khá cao.

1.3. Giống lai Yorkshire x Landrace hoặc Landrace x Yorkshire

Là heo lai giữa hai giống Yorkshire và Landrace. Kiểu lai này hiện được áp dụng phổ biến do heo lai có được ưu điểm di truyền sinh sản cao, nuôi con giỏi, thích nghi tốt của giống Yorkshire và ưu điểm tỷ lệ nạc cao, quầy thịt đẹp của giống Landrace. Con lai 2 giống Yorkshire và Landrace đều thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi quy mô lớn trang trại và quy mô nhỏ nông hộ.

Về phương pháp phối giống, nên áp dụng gieo tinh nhân tạo thay cho cách sử dụng nọc phối trực tiếp do hầu hết các nguồn cung cấp tinh đều được khai thác từ các heo nọc đã được tuyển chọn chặt chẽ về phẩm chất, không mang các bệnh truyền nhiễm và chi phí gieo tinh nhân tạo cũng thấp hơn phối giống trực tiếp.

2. Tiêu chuẩn chọn lựa heo giống nuôi sinh sản

2.1. Chọn chủng loại và nguồn gốc giống phù hợp

Việc lựa chọn giống heo để nuôi sinh sản cần dựa vào điều kiện, quy mô chăn nuôi của trang trại, gia đình và hướng tiêu thụ của thị trường.

Khi mua heo cái giống ở độ tuổi lẻ bầy hoặc hậu bị đều cần biết rõ nguồn gốc, chủng loại giống thuần hoặc lai phù hợp với hướng nuôi sinh sản. Nên mua giống ở các cơ sở cung cấp giống có uy tín, thương hiệu để đảm bảo chất lượng. Nếu heo giống tự sản xuất thì cần nắm rõ nguồn gốc, chủng loại giống của từng heo mẹ để sau này chọn nọc giống, tinh giống lai tạo phù hợp. Tuyệt đối không sử dụng heo thịt thương phẩm để làm giống.

2.2. Chọn qua quan sát, đánh giá ngoại hình

Ở giai đoạn heo con lẻ bầy, heo choai nên lựa những con có các đặc điểm như sau: Tăng trưởng tốt, ngoại hình đúng đặc điểm mô tả của giống, da hồng hào, lông mềm và nhuyễn, mông và vai nở, bụng thon, bộ chân vững chắc và thẳng, móng khít và đều, không dị tật, âm hộ nở và xuôi, có 12 vú trở lên, núm vú nổi rõ, khoảng cách giữa các núm vú cách đều nhau, khoảng cách giữa hai hàng vú vừa phải.

2.3. Chọn qua theo dõi sức tăng trưởng và sinh sản

Trong quá trình nuôi, cần chọn lựa tiếp ở 2 thời điểm heo hậu bị và heo đẻ. Giai đoạn hậu bị heo cần phát triển vóc hình cân đối, trọng lượng đúng tiêu chuẩn giống, phát dục đúng tuổi và đều đặn. Giai đoạn sinh sản cần kiểm tra, đánh giá kết quả sinh sản và nuôi con qua 2 lứa đẻ đầu, nếu có biểu hiện không bình thường hoặc lộ di tật, sinh sản kém đều nên loại thải.

3. Giống heo hướng sử dụng làm nọc

Các giống Yorkshire, Landrace đều thích hợp để sử dụng làm nọc giống trong trường hợp cần nuôi giống thuần hoặc lai tạo. Ngoài ra, 2 giống Duroc, Pietrain với ưu điểm di truyền về chất lượng quầy thịt và tỷ lệ nạc cao là các giống chủ lực để lai với các giống Yorkshire, Landrace tạo heo lai 2, 3, 4 máu.

3.1. Duroc

Có sắc lông nâu đỏ, cấu trúc cơ thể vững chắc, tai to và cụp về phía trước, thích nghi tốt, tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao. Khả năng sinh sản không tốt bằng các giống khác nhưng sức tăng trọng nhanh nên thích hợp nuôi thịt và dùng làm dòng nọc để phối với heo cái các giống cao sản khác tạo con lai nuôi thịt.

3.2. Pietrain

Có sắc lông màu trắng, xám và đen xen lẫn từng đám, tai thẳng đứng, đầu to vừa phải, bốn chân thẳng, ngắn, mông rất nở, lưng rộng, nhiều nạc, đùi to; tuy nhiên, tốc độ tăng trọng tương đối chậm và khả năng thích nghi kém hơn các giống khác một ít. Ngoài ra, giống này có nhược điểm di truyền là tim yếu nên dễ chết đột ngột khi có stress nặng; dù sao thì hiện tượng này cũng hiếm xảy ra.

Giống Pietrain được sử dụng với mục đích tương tự như giống Duroc là dùng dòng nọc lai tạo với các giống khác để tạo heo lai nuôi thịt có tỷ lệ nạc cao; nhất là khi muốn gia tăng kích thước phần thịt đùi.

4. Giống heo nuôi thịt

Các giống heo thuần Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain đều thích hợp nuôi thịt; tuy nhiên, sử dụng con lại 2, 3, 4 máu vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, từ 4 giống cơ bản nêu trên có thể tạo các tổ hợp lai để có heo lai nuôi thịt thích hợp với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nạc và chất lượng quầy thịt.

Có khá nhiều công thức lai để kết hợp các ưu điểm riêng của từng giống. Phổ biến hiện nay là heo lai 2 máu theo công thức: Yorkshire x Landrace, Landrace x Yorkshire, Duroc x Yorkshire, Duroc x Landrace, Pietrain x Yorkshire, Pietrain x Landrace. Hoặc  lai 3 máu: Duroc x {Yorkshire x Landrace} hay Pietrain x {Yorkshire x Landrace} hoặc 4 máu như {Duroc x Pietrain} x {Yorkshire x Landrace}, {Duroc x Yorkshire} x (Pietrain x Landrace},…

Chọn heo con nuôi thịt có biểu hiện thể trạng khỏe mạnh, lanh lợi, không dị tật, ngực to, lưng thẳng, mông tròn, bụng thon, chân thẳng và cứng cáp.

(Còn tiếp)



Các tin khác: