*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng bưởi (PHẦN 2)


KỸ THUẬT TRỒNG BƯỞI

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

3.1. Thời vụ trồng

Bưởi trồng được quanh năm nhưng phải đảm bảo được việc tưới và tiêu nước cho cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới, thời điểm thích hợp nhất vào tháng 5 - 6 dương lịch; cũng có thể trồng vào cuối mùa mưa nếu có đủ điều kiện tưới nước trong mùa nắng.

3.2. Mật độ và khoảng cách trồng

Tùy theo vùng đất mà khoảng cách trồng thay đổi cho phù hợp. Khoảng cách 4 x 5 m/cây hoặc 5 x 6 m/cây tương đương mật độ trồng tối thiểu 350 cây/ha, tối đa 500 cây/ha.

3.3. Chuẩn bị cây con

Chọn cây con có bộ rễ phát triển tốt, khỏe, rễ tơ màu vàng sáng và phân bố đều. Thân cành phân bố có dáng đồng đều, lá màu xanh bóng láng, không sâu bệnh. Nên chọn cây giống có nhãn hoặc giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của các cơ quan chức năng.

3.4. Chuẩn đất trồng và cách trồng

3.4.1 Kỹ thuật lên liếp

Có nhiều cách lên liếp khác nhau như:

- Lên liếp theo cách cuốn chiếu: Những vùng có lớp đất mặt tốt và lớp đất
dưới không xấu lắm thì kỹ thuật lên liếp theo cách "cuốn chiếu" được áp dụng. Đào lớp đất mặt mương để làm chân liếp, sau đó trải lớp đất sâu làm mặt liếp. Cách làm nầy đỡ tốn chi phí, tuy nhiên sau đó cần làm mô bằng đất tốt (dùng đất mặt ruộng, bãi sông, bùn mương phơi khô hay đất vườn cũ) để trồng cây. Cũng có thể trồng một vài vụ chuối, cây phân xanh trước khi trồng cây trồng chính.

- Lên liếp theo cách kê đất. Ở những vùng có lớp đất mặt mỏng, lớp đất dưới không tốt, có phèn,... thì có thể lên liếp theo cách kê đất. Đào lớp đất mặt ở mương thứ nhất đưa qua liếp thứ nhất bên trái, sau đó đưa lớp sâu của mương thứ nhất trải lên làm chân liếp thứ hai bên phải, tiếp đến lấy lớp đất mặt ở mương thứ hai trải lên làm mặt liếp thứ hai. Lấy lớp đất sâu của mương thứ hai trải làm chân liếp thứ ba và đào lớp đất mặt mương thứ ba trải lên làm mặt liếp thứ ba. Tiếp tục như vậy cho đến liếp cuối cùng

- Lên liếp theo băng. Đào lớp đất mặt ở mương trải dài thành một băng ở giữa chạy dọc theo liếp, sau đó đào lớp đất sâu của mương ốp vào hai bên băng. Cây được trồng ngay trên băng giữa liếp. Cần lưu ý đắp lớp đất ở hai bên băng luôn luôn thấp hơn mặt băng, để có thể rửa được các độc chất khi mưa không thấm vào băng.

- Đắp mô: Trong trường hợp đắp thành mô thì lớp đất mặt được tập trung đắp thành các mô để trồng cây ngay sau khi thiết kế (kích thước, khoảng cách tùy theo loại cây trồng), phần đất xấu của mương được đắp vào phần còn lại của liếp và thấp hơn mặt mô.

Điểm quan trọng cần lưu ý khi đào mương lên liếp là không nên đào sâu quá tầng sinh phèn (lớp đất sét màu xám xanh) vì sẽ đưa phèn lên mặt gây độc cho

cây.
3.4.2. Cách trồng: Trước khi đặt cây giống cần đào lổ ở giữa mô rồi bón 200 gram phân DAP vào hố có chiều sâu khoảng 25 cm, rồi phủ lên một lớp đất mỏng. Dùng dao cắt ngang đáy bầu và rọc ½ túi bầu phía dưới lên, đặt cây con xuống lấp đất lại dùng tay ém chặt đất chung quanh, sau đó kéo túi bầu từ từ lên để không bị vỡ bầu và lấp đất lại ngang mặt bầu sau đó tưới nước cho cây.

Lưu ý: Đối với vùng đất thấp thì khi trồng cần đặt cho mặt bầu cao hơn mặt mô khoảng 3cm để sau này bồi đất lên dần dần và xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh bị tách mắt ghép. Sau khi đặt cây cần cắm cọc buộc dây giữ cho cây cố định không bị gió làm lung lay dẫn đến bộ dễ bị đứt và kém phát triển.

3.5. Chăm sóc

3.5.1. Tủ gốc giữ ẩm

Trồng bưởi vào mùa mưa hay nắng cũng cần phải dùng rơm rạ, cỏ khô tủ một lớp mỏng trên mô giúp cây giữ ẩm, không bị rửa trôi đất, phân bón hữu cơ và hạn chế cỏ dại. Cây còn nhỏ nên làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.

Lưu ý: khi tủ nên chừa cách gốc khoảng 10 cm để hạn chế các loại nấm bệnh tấn công gốc. Bên ngoài tán cây, có thể trồng hoa màu để tăng thêm thu nhập hoặc trồng các loại cỏ thích hợp như cỏ Kudzu (cỏ họ đậu cố định được đạm), cỏ Ruzi (cỏ cao sản chịu rợp tốt có thể sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi), cỏ rau trai,… để giữ đất thông thoáng, tạo điều kiện cho vi sinh vật đất phát triển, bảo vệ rễ cây trồng. Khi cỏ cao 30 - 40 cm, cần cắt hạ chỉ chừa lại phần gốc cao 3 - 5 cm, cỏ sau khi cắt được phủ lại dưới tán cây hoặc trải đều trên liếp làm phân xanh.

3.5.2. Tưới và tiêu nước

Bưởi là loại cây sợ úng nước, do đó phải thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ, cần giữ mặt liếp luôn cao hơn mực nước cao nhất trong năm khoảng từ 30 cm trở lên. Ngoài ra, đây cũng là loại cây chịu hạn kém nên vào mùa nắng cần thường xuyên tưới nước cho bưởi để tạo độ ẩm trong đất thích hợp (khoảng 60 - 70%) cho bộ rễ phát triển tốt. Do vậy để đảm bảo nhu cầu nước cho bưởi thì việc thiết kế cống, bọng, mương rãnh phù hợp để tưới và thoát nước là việc quan trọng cần chú ý. Ngoài ra, có thể lắp đặt hệ thống tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt cho bưởi vừa giúp cung cấp đủ nước cho cây phát triển tốt (đặc biết trong mùa khô) nhưng lại giúp tiết kiệm nước và giảm công tưới.

 Cây bưởi cần nhiều nước ở giai đoạn cây con và ra hoa, đậu trái nên cần lưu ý cung cấp đủ nước cho cây ở những giai đoạn này để đạt năng suất, chất lượng cao.

3.5.3. Tỉa cành tạo tán

Có thể chia ra làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Sau trồng đến khi cây bắt đầu ra đọt non khoảng 20 cm thì lảy hay tỉa bỏ chừa lại 3 - 4 tược tốt và xòe tán đều về các phía để làm cành cấp 1, khi tược dài khoảng 50 cm thì bấm đọt cây tiếp tục đâm cành mỗi cành chỉ chừa lại 3 tược đẹp gọi là cành cấp 2. Khi cành dài khoảng 50 cm tiếp tục bấm đọt lần 2 để lấy cành cấp 3. Như vậy sau đợt bấm cành này không hạn chế số chồi non nữa, thời gian 3 đợt cành cơ bản này kéo dài khoảng 8 - 9 tháng.

- Giai đoạn 2: Được tính từ năm thứ 3 trở đi khi cây đã cho năng suất. Sau mỗi đợt thu hoạch cần tỉa bỏ các cành đã mang trái, cành mọc đan chéo, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang trái, cành mọc vượt, cành sâu bệnh,… làm cho cây thoáng, nhận đủ ánh sáng. Sau khi bón phân cây sẽ cho nhiều cành non nằm bên trong thân cành gọi là “cành nhện” và cành này sẽ cho đợt hoa kế tiếp. Cây được tỉa cành tạo tán đúng cách tán tròn đều, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

Lưu ý: Mỗi lần tỉa cành không tỉa bỏ trên 15% số cành, phải khử trùng dụng cụ bằng cách hơ qua ngọn lửa hoặc sát trùng bằng cồn 70o trước khi cắt tỉa hoặc khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh lây bệnh.

3.5.4. Vét bùn bồi liếp

Bùn đáy mương chứa nhiều xác bã hữu cơ, dưỡng chất và phù sa có thể sử dụng để bón cho đất liếp vườn cây ăn trái. Công việc bồi bùn lên liếp có thể kết hợp với việc tạo khô hạn để xử lý ra hoa; có thể bồi bồi bùn đáy mương bằng cách tráng một lớp mỏng dày khoảng 3 - 5 cm đều trên mặt đất vào mùa nắng. Tránh bồi bùn tươi vào gốc, không sử dụng bùn phèn hoặc lấy đất cứng đáy mương vì thường có chứa phèn tiềm tàng. Vét bùn vào tháng 2 - 3 dương lịch hoặc sau mùa mưa, thời gian vét bùn được khuyến cáo là hai năm/lần.

(CÒN TIẾP)



Các tin khác: