*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi heo sinh sản (PHẦN 2)


KỸ THUẬT NUÔI HEO SINH SẢN

PHẦN 2: KỸ THUẬT XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI

Trong thực tế, địa thế xây dựng khu vực chăn nuôi tùy thuộc vào điều kiện riêng của mỗi nơi; tuy nhiên, tốt nhất là bố trí chuồng trại ở địa thế nhận được nhiều nắng buổi sáng (theo hướng đông tây hoặc đông bắc - tây nam), che chắn kỹ mưa tạt, gió lùa, gió lộng và nắng nóng vào buổi trưa. Nên trồng cây xung quanh để tạo bóng mát và chắn gió.

1. Chuồng nuôi

Với đặc điểm khí hậu nóng và ẩm, nên sử dụng các loại vật liệu xây dựng chuồng trại ít dẫn nhiệt và nên chọn kiểu chuồng hở, thông thoáng tự nhiên để giảm hiện tượng hấp thu nhiệt. Trong khu chăn nuôi, các dãy chuồng nên có sự phân cách tối thiểu 5 m (tính từ mép mái chuồng).

2. Nền chuồng

Cần đắp cao hơn mặt đất xung quanh ít nhất là 20 cm để tiện thoát nước, tránh ẩm thấp. Nền cần xây móng vững chắc, bề mặt tráng xi-măng hay lót tấm đan đảm bảo không bị sụp lở, không bị ẩm hay đọng nước. Không nên tráng nền quá láng để tránh heo trợt té nhưng cũng không quá nhám khó dọn phân, rửa chuồng.

Nền có độ nghiêng 1 - 2% về phía mương thoát (tức có độ dốc 1 - 2 phân cho mỗi mét tới) để khi dội rửa nước chảy thoát nhanh. Mương thoát nước bố trí bên ngoài chuồng, không chạy xuyên qua các dãy chuồng và cần thường xuyên được dọn sạch rác để phân, nước tiểu heo, nước rửa chuồng thoát nhanh về nơi xử lý.

Trường hợp sử dụng các loại chuồng lồng thì loại chuồng dành cho nái hậu bị lắp đặt trên nền, loại chuồng heo đẻ và heo lẻ bầy nên dùng các loại tấm lót chuyên dùng bằng nhựa để thuận tiện trong việc di dời và vệ sinh.

3. Vách và cửa chuồng

Nên làm vách ngăn các ô chuồng bằng song cây, song sắt hoặc inox để tạo môi trường thông thoáng, thuận tiện di dời, hạn chế xây vách bằng gạch để giảm nóng. Nếu xây vách gạch thì nên chừa các khe hở như bông gió. Chiều cao của vách khoảng 1 m là phù hợp.

Cửa chuồng heo cần rộng và thiết kế tiện lợi ra vào chăm sóc và di chuyển heo. Chất liệu làm cửa phải vững chắc vì heo có thói quen cắn phá cửa, tốt nhất là cửa làm bằng song sắt.

4. Nhu cầu diện tích và kích thước ngăn chuồng

Độ sâu của mỗi ngăn chuồng từ 2,5 - 4 m (tính từ vách phía ngoài cửa đến vách trong đối diện) là khoảng cách thuận tiện cho việc chăm sóc. Về cơ bản, nhu cầu diện tích cho heo các lứa tuổi như sau: heo cái hậu bị cần 2 - 3 m2/con; heo nái đang mang thai cần 6 m2/con; heo nái nuôi con cần 8 - 10 m2/con (tính cả phần diện tích chuồng úm dành cho heo con khoảng 1 - 1,5 m2/ bầy). Nếu không xây chuồng úm cố định cho heo con thì có thể dùng thùng cây, giỏ tre lót rơm hay lá chuối khô đặt bên trong chuồng. Đối với heo nuôi thịt, heo từ 2 - 3 tháng tuổi cần khoảng 0,5 m2/con; heo từ 3 tháng tuổi đến lúc xuất chuồng cần 0,8 - 1 m2/con.

Tùy khả năng đầu tư và quy mô nuôi để xây dựng chuồng kiểu 1 dãy với 1 hành lang chăm sóc và 1 đường mương thoát chất thải ở phía sau hoặc kiểu 2 dãy gồm 1 hành làng chăm sóc ở giữa và 2 đường mương thoát bên ngoài chạy dọc theo hai dãy chuồng.

5. Chuồng lồng

Là kiểu chuồng nuôi cải tiến theo hướng chăn nuôi công nghiệp nhằm tận dụng triệt để diện tích và thuận tiện chăm sóc. Chuồng lồng không chỉ thích hợp đối với các trang trại lớn mà trong điều kiện nuôi heo quy mô nhỏ vẫn có thể áp dụng; tuy nhiên, cần có cách thiết kế, lắp đặt phù hợp với điều kiện diện tích cụ thể ở từng nơi.

Quy cách các loại chuồng lồng bằng sắt, inox thường được thiết kế sẳn dựa vào đặc điểm sinh trưởng, sinh sản của heo ở các giai đoạn nái mang thai, nái đẻ nuôi con, heo con lẻ bầy. Dựa trên quy mô và cách lắp đặt chuồng lồng để thiết kế hệ thống mương thoát nước, chất thải theo kiểu mương nổi tương tự như kiểu mương của chuồng xây hoặc mương ngầm nhận nước thải từ các lỗ thoát ngay trên phần nền chuồng. Tùy theo cách bố trí các dãy chuồng lồng để thiết kế 1 hoặc 2 dãy hành lang chăm sóc.

6. Mái chuồng

Trong điều kiện môi trường nóng ẩm nên lợp mái chuồng bằng lá, tranh là thích hợp vì chi phí thấp và tạo môi trường thoáng mát cho heo. Nên xây kiểu chuồng 1 mái hoặc 2 mái với độ cao mái chuồng khoảng 3 m. Nếu lợp bằng tôn kẽm, tôn fibro, tôn nhựa tổng hợp thì nên tăng thêm độ cao mái chuồng để giảm bớt nóng. Nên lắp đặt hệ thống ống phun sương, quạt thông gió trong chuồng; ngoài ra, trong các tháng nắng nóng có thể phun nước trên mái chuồng để giúp giảm nhiệt.

7. Dụng cụ cấp thức ăn, nước uống

Tùy theo điều kiện riêng và quy mô chăn nuôi, có thể sử dụng các loại máng ăn bằng sành, gỗ, xi-măng, nhựa trơ hoặc các loại hợp kim ít bị ăn mòn, không chứa chì, asen. Tiện lợi hơn hết là sử dụng các loại máng ăn bán tự động để tiết kiệm công lao động. Việc bố trí số lượng và điểm đặt máng ăn cần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật đối với lứa tuổi, giai đoạn sinh trưởng của heo. Đối với các loại chuồng lồng, máng ăn và núm uống thường được lắp đặt sẳn theo chuồng.

Về cách cấp nước cho heo, tốt nhất là sử dụng các loại núm uống tự chảy vì đây là cách cung cấp nước thích hợp với nhu cầu uống nước tự nhiên của heo khi khát nên giúp heo sinh trưởng tốt; đồng thời còn giúp tiết kiệm nước, giảm tình trạng nền chuồng bị ẩm thấp, giảm công lao động, thuận tiện pha thuốc hoặc các chất bổ sung dinh dưỡng đúng liều lượng. Nếu nuôi heo trong chuồng xây thì núm uống được lắp đặt ở độ cao cách nền chuồng từ 25 - 40 cm, mỗi núm uống có thể sử dụng chung cho 5 - 7 heo.

8. Các loại vật dụng khác

- Trang phục bảo hộ lao động: Cần cất giữ cố định một nơi và nên trang bị 2 phần: phần dành cho người chăm sóc thường xuyên và phần cho người ngoài. Về cơ bản, trang phục bảo hộ gồm có: ủng nhựa, áo, quần, khẩu trang, găng tay, mũ.

- Phương tiện tạo thông thoáng, giảm nhiệt: Nên trang bị và bố trí quạt gió theo hướng tạo gió kết hợp với hệ thống ống phun nước màng sương hoặc hệ thống ống nước tưới mái chuồng,… và vận hành vào những lúc nắng nóng.

- Các loại đèn chiếu sáng, đèn úm: Các loại đèn đều cần mũ chụp và trang bị đầy đủ theo yêu cầu thắp sáng và úm heo con.

- Dụng cụ vệ sinh, vận chuyển (chổi, thùng chứa nước, thùng rác, cuốc, xẻng, xe rùa,…) được cất giữ cố định ở một nơi riêng và định kỳ sát trùng.

(CÒN TIẾP)



Các tin khác: