*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chính sách

Hướng dẫn thực hiện quy định điều kiện chăn nuôi


Hồng Châu/Phòng Kỹ thuật

Nhằm thực hiện quy định về điều kiện chăn nuôi; quy định về bảo vệ môi trường và quy định cấp phép đối với việc xây dựng nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Long An; ngày 19/3/2021, Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường - Xây dựng có công văn số 1262/HDLS-NN và PTNT-TNMT-XD hướng dẫn thực hiện các quy định này trên địa bàn tỉnh Long An, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về điều kiện chăn nuôi; tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã các loại vật nuôi, thời hạn kê khai từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo mẫu quy định. Trong đó, mức bắt buộc phải đăng ký kê khai đối với một số loại vật nuôi phổ biến như: trâu, bò, ngựa, heo nái, heo đực giống, đà điểu, chó, mèo là 01 con; dê, cừu, heo thịt là 05 con; thỏ là 25 con; gà, vịt, ngan, ngỗng, vịt trời là 20 con; bồ câu 30 con; chim cút 100 con; yến là 01 nhà.

Thứ hai, khu vực không được phép chăn nuôi. Bao gồm khu vực: các phường của thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và thị trấn thuộc các huyện còn lại của tỉnh Long An; khu, cụm, tuyến dân cư hiện hữu hoặc có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện quy định bao gồm: vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.

Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Theo đó, khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 150 mét; khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200 mét; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 300 mét; khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 mét và khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50 mét.

Thứ tư, đối với chăn nuôi nông hộ quy định chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Theo quy định chăn nuôi trang trại quy mô lớn là từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên; chăn nuôi trang trại quy mô vừa từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi; chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi và chăn nuôi nông hộ là dưới 10 đơn vị vật nuôi. Trong đó, đơn vị vật nuôi = hệ số vật nuôi (khối lượng hơi trung bình của 1 vật nuôi/500) x số con.

Thứ năm, khu vực không được phép nuôi chim yến cũng quy định tương tự như khu vực không được phép chăn nuôi nêu trên; nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300 m tính từ ranh giới hành chính của khu vực quy định không được phép nuôi. Tổ chức, cá nhân có nhà nuôi chim yến phải đáp ứng vị trí theo quy định và một số quy định về bảo vệ môi trường như nhà nuôi chim yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến; có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến; sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày; không săn bắt; không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học./.



Các tin khác: