*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng bưởi (PHẦN 3)


KỸ THUẬT TRỒNG BƯỞI

3.6 Xử lý ra hoa nghịch vụ

3.6.1 Xử lý ra hoa bằng cách tạo khô hạn

Bưởi cần thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để bưởi ra hoa đồng loạt. Tạo khô hạn vào tháng 12 đến tháng 01 dương lịch, thu hoạch trái vào tết Trung thu; hoặc tạo khô hạn ở tháng 3 - 4 dương lịch thu hoạch trái vào Tết Nguyên đán.

Vào thời điểm mưa nhiều thì có thể dùng bạt ny-lon hoặc màng phủ nông nghiệp che phủ chung quanh gốc tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa. Yêu cầu là phải phủ kín mô hoặc đánh rãnh thoát nước xung quanh nhằm đảm bảo vùng rễ cây phải khô ráo không tiếp xúc nước.

Muốn thu hoạch trái vào tháng 11 - 12 dương lịch, có thể thực hiện như sau:

- Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc và bón phân cho cây. Cây được bón phân lần 2 trước khi xử lý ra hoa.

- Đầu tháng 3 dương lịch ngưng tưới nước cho tới 20/3 dương lịch (20 ngày) thì tưới nước trở lại 2 - 3 lần/ngày và tưới liên tục 3 ngày. Nếu cây ra chồi non, dùng các loại phân như: MKP (0-52-34) = 150 gram + GA3 10 % (Progibb 10SP) = 1gram/bình 8lít, hoặc 200 - 350 gram KNO3/bình 8 lít phun lên cây để giúp lá non mau thành thục, kích thích ra hoa.

- Đến ngày thứ tư sau khi phun các loại phân bón qua lá vừa nêu trên, thì tiến hành tưới nước 1lần/ngày, sau 7 - 15 ngày cây sẽ ra hoa, lúc này cách một ngày tưới nước một lần, sau khi cây trổ hoa 10 - 15 ngày thì hoa rụng cánh và đậu trái.

3.6.2. Xử lý ra hoa bằng cách lặt lá cành mang trái

Phương pháp này có thể giúp ra hoa rải vụ, nhưng chỉ có kết quả chủ yếu trên cây mới cho trái trong vài năm đầu, khi cây đã phát triển có cành mang trái nhiều thì kỹ thuật trên ít hiệu quả.

Với điều kiện không thể làm khô hạn cho cây, chọn cành già không có tược non, cành có khả năng mang trái để lặt lá. Sau khi đã cắt tỉa cành vượt, cành sâu bệnh, lặt bỏ tất cả các lá già của những cành nhánh nhện trong thân, bón phân tưới nước đầy đủ. Sau thời gian từ 10 - 20 ngày, cây sẽ ra lá non và hoa.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản nhưng tốn nhiều công, tùy tình trạng dinh dưỡng của cây mà có kết quả tốt hay không, nên chọn cây có cành ngang nhiều sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Từ khi ra hoa cho đến khi thu hoạch trái của cây bưởi thường phải mất 7 - 8 tháng, vì thế muốn có trái thu hoạch vào thời gian nào thì chỉ việc tính ngược trở lại để quyết định thời gian xử lí là sẽ đạt kết quả theo ý muốn. Sau khi đã ấn định thời gian xử lý thì tiến hành lặt bỏ hết lá già ở phía dưới (lá già là những lá khi bóp thấy giòn), chỉ chừa lại những lá già ở phía trên ngọn và những lá non, lá bánh tẻ (cách làm này nếu được tiến hành vào mùa khô hoặc thời điểm gặp hạn trong mùa mưa thì sẽ cho kết quả cao hơn).

Sau khi lặt lá, bón cho mỗi cây (cây 4 - 5 tuổi) khoảng 01 kg phân NPK (20-20-15) rồi tưới nước giữ ẩm thường xuyên, khoảng 15 ngày sau thì cây bắt đầu ra tược non và ra hoa.

Nếu mùa mưa bắt đầu vào khoảng tháng 4 âm lịch thì không cần xử lý mà cây bưởi vẫn cho trái bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng khi mùa mưa đến sớm vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch thì sẽ thu hoạch trái vào tháng 10 - 11 âm lịch, trong trường hợp này vẫn để cho cây ra hoa kết trái bình thường. Khi trái lớn gần bằng nắm tay thì lặt bỏ hết, sau đó tiếp tục chăm sóc bình thường, đến đầu tháng 4 âm lịch thì bón một đợt phân kali với  lượng bón khoảng gần 1 kg/cây (5 - 6 năm tuổi) bằng cách hòa phân vào nước để tưới hoặc rải đều trên mặt vườn, sau đó tưới nước cho phân ngấm dần xuống đất. Đồng thời với việc bón phân thì phun KClO3 với lượng 20 gram/bình xịt 8 lít lên lá để kích thích ra hoa (xịt 2 lần cách nhau khoảng 01 tuần). Đến đầu tháng 5 âm lịch cây sẽ ra hoa và cho trái bán đúng dịp tết Nguyên đán.

3.7. Tỉa trái

Khi trái có đường kính 2 - 4 cm thì tiến hành tỉa trái; tỉa bỏ tất cả các trái đèo, dị dạng, trái ngoài đầu cành chính. Trên mỗi chùm trái chỉ nên giữ lại tối đa là 02 trái, tốt nhất là 01 trái không bị sâu bệnh. Các trái đậu trong thời gian cây còn nhỏ cũng cần được tỉa bỏ. Nên để trái thu hoạch khi tuổi cây tính từ lúc trồng phải được ít nhất là 36 tháng.

4. Phân bón

4.1. Các loại phân bón

Bưởi cần được bón phân đầy đủ, cân đối các chất đa, trung, vi lượng và phân hữu cơ để đảm bảo năng suất, chất lượng và sự bền vững của vườn cây.

- Phân hữu cơ: Bất kỳ loại cây ăn trái nào cũng có nhu cầu phân hữu cơ rất cao, có thể dùng phân chuồng ủ hoai hoặc phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để cung cấp cho cây mỗi năm từ 2 - 3 đợt, nhu cầu ở cây 1 - 2 năm tuổi từ 15 - 30 kg/cây/năm chia 2 lần bón, nếu dùng hữu cơ sinh học có thể bón từ 5 - 10 kg/cây/năm.

- Phân bón vô cơ: Có thể dùng phân đơn hay phân hỗn hợp hoặc phân bón phức hợp để bón cho cây bưởi, đặc biệt là phân bón phức hợp hoặc hỗn hợp đều có chứa TE (chứa chất trung vi lượng) rất cần cho cây có múi nhất là vùng đất nghèo vi lượng.

4.2. Kỹ thuật bón phân

Tùy theo đất tốt hay xấu, tình trạng sinh trưởng và phát triển của cây bưởi mà quyết định việc bón phân sao cho thích hợp, cân đối. Có thể được chia ra làm 2 thời kỳ bón như sau:

- Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây chưa cho trái):

+ Sau khi trồng nên dùng phân DAP với liều lượng 40 gram hòa tan trong 10 lít nước để tưới cho 01 gốc bưởi (2 tháng/lần), có thể bổ sung thêm vi lượng bằng các loại phân bón qua lá.

+ Khi cây chưa có trái khoảng 3 - 4 năm đầu cần cân đối lượng N, P, K để giúp cây phát triển cành nhánh, nếu trong thời kỳ này có hoa quả thì nên tỉa bớt. Chú ý cần bón phân qua gốc để giúp cho cây phát triển mạnh. Lượng phân bón (gram/gốc/năm) được trình bày ở bảng 1.

Bảng 1: Lượng phân bón thúc cho cây bưởi

           Tuổi cây 

 Loại phân

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Urê (46% N)

200

400

600

800

Lân (16% P2O5)

600

1200

1800

2000

Kali (60% K2O)

160

320

480

640

+ Lượng phân bón (bảng 1) được chia làm 5 - 6 đợt bón cho cây. (sau lượng phân bón ở năm thứ 4, những năm tiếp theo cần tăng 15 - 20% số lượng phân bón mỗi năm). Bổ sung bón định kỳ 6 tháng /lần với 0,5 kg lân nung chảy + 10 - 20 kg phân hữu cơ hoai mục.

+ Phương pháp bón: để giúp cây hấp thu tốt hơn và tránh bị rửa trôi nên đào hốc, rãnh bón đều xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây cách gốc 0,5 m và tưới nước đủ ẩm, nếu đất quanh rễ bị nén dẽ có thể dùng cào xới nhẹ trước khi bón phân.

- Thời kỳ kinh doanh (cây cho trái ổn định)

+ Vôi bột: sử dụng từ 300 - 500 kg/ha/năm.

+ Phân hữu cơ: sử dụng từ 20 - 30 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 40 - 60 kg phân chuồng hoai/cây/năm.

+ Cách sử dụng vôi bột và phân hữu cơ: chia làm 2 lần bón trên năm, vào đầu và cuối mùa mưa. Cụ thể cách bón trên tổng lượng phân bón cho cây bưởi giai đoạn 6 năm tuổi là: 1,2 kg urê + 3 kg lân supper lân nung chảy + 1,2 kg Kali (KCl), chia làm 6 lần bón trên năm như sau:

* Lần 1: sau khi thu hoạch, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 3:2:1 gồm 0,25 kg urê + 0,5 kg lân + 0,1 kg Kali clorua (KCl), tương đương 0,65 kg NPK (18-12-8).

* Lần 2: Trước khi ra hoa, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 2:4:3 gồm 0,17 kg urê + 1 kg lân + 0,2 kg Kali clorua (KCl).

* Lần 3: Sau khi đậu trái 1 tháng, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 2:2:1 gồm 0,25 kg urê + 0,7 kg lân + 0,1 kg  Kali clorua (KCl) hoặc 0,7 kg phân N,P,K 16-16-8.

* Lần 4: Sau khi đậu trái 2,5 tháng, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 2:1:2 gồm 0,33 kg urê + 0,5 kg lân + 0,25 kg Kali clorua (KCl) hoặc 0,75 kg phân N,P,K 20-10-20.

* Lần 5: Sau khi đậu trái 4 tháng, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 1,5:1:2 gồm 0,2 kg urê + 0,3 kg lân + 0,25 kg Kali clorua (KCl) hoặc 0,6 kg phân N,P,K 15-10-20.

* Lần 6: Trước khi thu hoạch 1,5 - 2 tháng, bón 0,3 kg Kali sunfat (K2SO4) hoặc Kali clorua (KCl).

Lưu ý: cần bổ sung từ 0,5 - 0,75 kg phân Nitra-bor/cây/năm tùy theo tuổi cây, để góp phần hạn chế nứt trái, giúp cải thiện phẩm chất và thời gian tồn trữ sau thu hoạch.Việc bổ sung các loại phân Humic, hữu cơ vi sinh ở mỗi lần bón phân cũng có tác dụng tốt khi cây bị suy yếu.

Ngoài ra, có thể tham khảo sử dụng các loại phân bón hỗn hợp N,P,K chuyên dùng cho cây ăn trái theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, lượng phân bón dựa theo độ tuổi của cây, năng suất của vụ trước và khuyến cáo của nhà sản xuất.

(CÒN TIẾP)



Các tin khác: