*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng bưởi (PHẦN 4)


KỸ THUẬT TRỒNG BƯỞI

5. Quản lý dịch hại

5.1. Sâu hại

5.1.1. Sâu vẽ bùa (phyllocnistis citrella S.)

Con trưởng thành của sâu là một loại bướm rất nhỏ, dài khoảng 2 mm, màu vàng nhạt hoặc nâu sáng có ánh bạc, hoạt động mạnh vào lúc chiều tối. Trứng được đẻ vào ban đêm rãi rác ở mặt dưới của lá gần gân chính. Sâu hóa nhộng ngay trong đường đục trên lá, gần rìa lá, phía dưới mép lá đã được cuốn lại. Thời gian phát triển vòng đời của sâu vẽ bùa khoảng 19 - 38 ngày.

- Triệu chứng và cách gây hại: Sâu gây hại trên lá non, cành non và trái non. Sâu đục thành những đường hầm ngoằn ngèo ở dưới lớp biểu bì của phiến lá làm cho biểu bì lá phồng lên. Sâu gây hại trên lá non làm cho lá không phát triển và biến dạng, giảm quang hợp, cây sinh trưởng và phát triển kém, nhất là giai đoạn cây còn nhỏ; ở cây lớn làm hoa và trái dễ bị rụng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập qua vết thương do sâu vẽ bùa gây ra.

- Biện pháp phòng trừ:

 + Trong tự nhiên có nhiều loài ong ký sinh thuộc họ Encyrtidae Enlophidae ký sinh trên trứng, nhộng và sâu non của sâu vẽ bùa. Khả năng ký sinh cao ở giai đoạn nhộng của sâu.

+ Ngoài ra kiến vàng cũng là thiên địch bắt mồi có tác dụng khống chế sự phát triển gây hại của sâu vẽ bùa.

+ Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, bón thúc đúng kỹ thuật cho cây ra lộc non tập trung hạn chế sự phá hại của sâu.

+ Phun thuốc ngay khi lá non vừa có triệu chứng bằng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Abamectin hoặc Imidacloprid, Spinetoram, dầu khoáng hoặc thuốc trừ sâu sinh học Bacillus thuringiensis,… khi chồi non dài khoảng 1 - 2 cm.

5.1.2. Rầy chổng cánh (Diaphorina citri K.)

Rầy chổng cánh trưởng thành là một loại rầy nhỏ, dài khoảng 2 - 3 mm, cánh dài màu nâu đậm với vệt trắng chạy từ gốc cánh đến đỉnh. Lúc đậu cánh nhô cao hơn đầu. Ấu trùng có hình bầu dục, dẹp màu xanh lục ngả màu vàng ở các tuổi nhỏ. Rầy non có 5 tuổi, di chuyển chậm, chúng sống và gây hại tập trung trên các chồi và lá non của cây. Vòng đời của rầy chổng cánh có thể kéo dài đến 3 tuần và thành trùng có thể sống được cả tháng.

- Triệu chứng và cách gây hại: Rầy chổng cánh trưởng thành và rầy non thường chích và hút dinh dưỡng của lá và đọt non làm cho đọt non bị chùn lại, sần sùi, lá non bị hại có phiến lá nhỏ và xoăn, lá bị hại sẽ bị khô, rụng và gây hiện tượng khô cành ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Rầy chổng cánh là loại sâu gây hại phổ biến trên cây họ cam quýt và là một trong những loài sâu hại rất nguy hiểm vì chúng là môi giới truyền bệnh vàng lá Greening trên cây cam quýt trong đó có cây bưởi.

 - Biện pháp phòng trừ:

+ Trồng giống cây sạch bệnh, không nên trồng các cây cảnh họ Citri như Nguyệt quới, Cần thăng, Kim quýt,… trong hoặc gần vườn cây vì đây là những cây ký chủ phụ của Rầy chổng cánh.

+ Cắt bỏ chồi bệnh mang ra khỏi vườn tiêu hủy.

+ Điều khiển cây ra đọt non tập trung để hạn chế sự phát triển gây hại của rầy chổng cánh.

+ Sử dụng bẫy màu vàng hay màu vàng nâu để theo dõi và phát hiện rầy vào các đợt ra đọt non, cứ 5 cây/hàng đặt 1 bẫy để bắt và kiểm tra mật độ rầy. Khi phát hiện rầy ở mật độ cao thì dùng thuốc sinh học hoặc dầu khoáng Petrleum Spray Oil nồng độ 0,5%, hay SK Enspray Oil 99EC.

+ Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch trong vườn cây phát triển như ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa, nhện,... bằng biện pháp phun thuốc hợp lý.

+ Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi thật cần thiết, có thể sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm Fenobucarb (Bassa), Thiamethoxam (Actara 25WP), hoặc Buprofezin (Applaud 10WP, Butal 10WP),… để phun xịt.

5.1.3. Rầy mềm hay Aphid (Toxoptera citricidus)

Rầy trưởng thành có hình trái lê, màu nâu đen hoặc nâu đỏ, dài khoảng 2 mm. Con cái có 2 dạng không cánh và có cánh. Con đực luôn có cánh, ấu trùng màu vàng nâu. Vòng đời khoảng 12 - 15 ngày.

- Triệu chứng và cách gây hại: thành trùng và ấu trùng chích hút nhựa của đọt non, tập trung chủ yếu mặt dưới lá, làm đọt non không phát triển, bị biến dạng, lá cong queo, còi cọc. Rầy mềm còn thải ra chất dịch có nhiều chất đường mật kích thích nấm bồ hóng phát triển trên lá làm giảm khả năng quang hợp. Rầy mềm còn là môi giới truyền virus gây bệnh “Tristeza”.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Cắt tỉa cành và bón phân hợp lý để cây ra đọt non tập trung.

+ Nuôi kiến vàng; bảo vệ thiên địch ngoài tự nhiên như bọ rùa, ruồi ăn rầy, ong ký sinh,…

+ Khi mật số rầy cao, sử dụng các loại thuốc hóa học như nhóm Buprofezin (Butyl 10WP, Applaud 10WP), nhóm Fenobucarb (Bassa 50ND), Thiamethoxam (Actara 25WG, Vithoxam 350SC, Thiamax 25WDG), dầu khoáng,…

5.1.4. Sâu đục vỏ trái bưởi (Prays citri)

Con trưởng thành là một loại bướm có kích thước rất nhỏ, màu xám hơi nâu, dài khoảng 4 - 5 mm. Trứng dẹp màu xanh trong, được đẻ rải rác trên vỏ trái. Sâu non rất nhỏ, dài khoảng 3 - 5 mm, lúc mới nở có màu vàng nhạt, sau chuyển sang màu xanh. Sâu đục vỏ trái thường gây hại nhiều trong những tháng nửa đầu mùa mưa.

- Triệu chứng và cách gây hại: Sâu chủ yếu gây hại phần vỏ trái, ăn phần vỏ xốp không ăn vào phần múi của trái làm cho vỏ trái bị nổi lên các khối u. Sâu có thể gây hại từ khi trái còn rất nhỏ cho đến khi lớn. Nếu sâu tấn công sớm và trái bị hại nặng có thể bị rụng, nếu bị hại trễ hơn khi trái đã lớn thì trái vẫn có thể phát triển bình thường nhưng sẽ bị biến dạng do những khối u đã phát triển lớn, làm trái xấu xí, giảm phẩm chất trái.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Thu gom các trái bị sâu đục tiêu huỷ bằng cách đào hố chôn có rải vôi hoặc ngâm trong nước vôi 1% để diệt sâu còn ở bên trong trái. Cắt tỉa cành tạo vườn thông thoáng.

+ Nên hái bỏ những trái còn sót lại ở cuối vụ để hạn chế số lượng sâu cho các vụ trái sau.

+ Nuôi kiến vàng.

+ Bao trái: khoảng 1 tháng sau khi đậu trái (túi bao trái lưới mùng), nên phun thuốc trừ rệp (dính, sáp) trước khi bao trái.

+ Thả ong mắt đỏ (Trichogramma sp., thuộc họ Trichogrammatidae; bộ  Hymenoptera) trong mùa nắng tạo điều kiện thuận lợi giúp ong nhân nhanh mật số hạn chế được sự gây hại của sâu đục trái.

+ Sử dụng chất dẫn dụ phái tính (sex pheromone) để diệt bướm.

+ Khi cây vừa tượng trái non sử dụng thuốc sinh học chọn lọc để phòng trị, phun liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày. Về thuốc có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc như: Dầu khoáng SK Enspray 99EC, Abamectin + Bacillus thuringiensis var. kurstaki (Kuraba WP), Cypermethrin (Sherpa 10EC hoặc 25EC), Alpha Cypermethrin (Visca 5EC),…

5.1.5. Bọ trĩ (bù lạch) (Scirtothrips dorsalis Hood)

Con trưởng thành có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 1 mm, thường có màu vàng nhạt đến màu vàng đậm. Trứng hình bầu dục, màu vàng nhạt, được đẻ trong mô mềm ở các bộ phận non của cây. Bọ trĩ non thân rất nhỏ, màu vàng nhạt thường sống và gây hại chung với bọ trĩ trưởng thành.

- Triệu chứng và cách gây hại: Cả bọ trĩ non và trưởng thành đều gây hại bằng cách chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây như đọt non, lá non, nụ hoa và trái non. Bị bọ trĩ gây hại, lá non khi nở ra thường bị dị dạng, nhăn nhúm, hoa thường bị thui chột, nhanh tàn, cánh hoa rụng sớm, giảm tỷ lệ đậu trái; trên trái thì bọ trĩ tạo ra những mảng xám hoặc những phần lồi màu bạc trên vỏ trái, nếu bị nặng trái non rất dễ rụng làm giảm năng suất và phẩm chất trái.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Dùng bẫy màu vàng đặt trong vườn khi cây ra hoa cứ 5 cây/hàng đặt 1 bẫy để kiểm tra mật số bọ trĩ.

+ Nuôi kiến vàng.

+ Phun nước lên tán cây.

+ Phun thuốc trừ bọ trĩ trước khi hoa nở và sau khi đậu trái non bằng các loại thuốc như: Dầu khoáng (SK Enspray 99EC, DS 98.8EC), Abamectin (Abagro 1.8EC, Vibamec 3.6EC, Visober 88.3EC), nhóm Artemisinin (Visit 5EC), nhóm Dimethoate (Fenbis 25EC). Nên sử dụng luân phiên các nhóm thuốc BVTV.

5.1.6. Rệp sáp (Planococcus citri Sp)

Con trưởng thành có màu hồng cam hoặc hồng sậm, được phủ bởi bột sáp trắng, không cánh, dài khoảng 3 mm, có 3 giai đoạn phát dục là trứng, rệp non và trưởng thành. Rệp đực có thêm giai đoạn nhộng, có một cặp cánh, có màu đỏ sậm và dài khoảng 4 mm.

Rệp sống và hút nhựa trên chồi non, lá và trái làm lá héo vàng, chồi và trái chậm phát triển, có thể cành khô chết. Rệp sáp tiết ra mật tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp. Rệp sáp xuất hiện quanh năm và thường gây hại mạnh trong mùa nắng. Hầu hết các vườn có sự bộc phát của rệp sáp là những vườn thiếu chăm sóc, ẩm độ cao, không thoáng mát hoặc trên những vườn đã sử dụng nhiều thuốc trừ sâu.

Rệp sáp có nhiều loài thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh và nấm ký sinh Paecilomyces sp.

Biện pháp quản lý:

  • Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ những cành đã bị nhiễm rệp sáp.
  • Xử lý cho cây ra hoa tập trung, đồng loạt. Hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu,…
  • Phun hoặc tưới (nếu rệp sáp dưới rễ) nấm ký sinh Paecilomyces sp (liều lượng 40 gram chế phẩm/10 lít nước)
  • Phun nước vào tán cây bằng vòi phun áp lực cao để rửa bột sáp, tách bột sáp ra khỏi cơ thể rệp sẽ dễ hấp thụ thuốc
  • Quản lý kiến bằng chế phẩm Sofri-trừ kiến
  • Khi mật số rệp sáp cao cần phòng trị bằng cách sử dụng thuốc chứa các hoạt chất: Clothianidin (Dantotsu), Spirotetramat (movento), dầu khoáng (SK Enspray 99EC, DS 98.8EC),...

(CÒN TIẾP)



Các tin khác: