*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi heo sinh sản (PHẦN 3)


KỸ THUẬT NUÔI HEO SINH SẢN

PHẦN 3. THỨC ĂN VÀ NƯỚC UỐNG

1. Nhu cầu dinh dưỡng

Nhu cầu dinh dưỡng của heo gồm nhiều chất và có hàm lượng khác nhau; tuy nhiên, yêu cầu chung là cần đầy đủ và cân đối. Nguồn dinh dưỡng được cấp qua khẩu phần hàng ngày và một số chất bổ sung trộn thêm vào thức ăn, pha trong nước uống hoặc tiêm. Có thể phân loại thức ăn theo chức năng dinh dưỡng như sau:

1.1. Phân loại thức ăn

1.1.1. Loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường

Chức năng chính là cung cấp năng lượng để heo hoạt động và một phần để tạo mỡ. Gạo, tấm, bắp, khoai mì, khoai lang, cám,... là các loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường. Trong khẩu phần, chất bột đường chiếm tỷ trọng cao nhất; từ 70 - 80% tùy giai đoạn tăng trưởng, sinh sản của heo.

1.1.2. Loại thức ăn chứa nhiều chất đạm

Chức năng chính là giúp heo tăng trưởng và sinh sản. Thức ăn chứa nhiều đạm được phân thành 2 loại: Loại có nguồn gốc từ động vật như bột cá, cá khô, cá tươi, tép, còng, ruốc, bột thịt công nghiệp,… Loại có nguồn gốc từ thực vật như đậu xanh, đậu nành, các loại bánh dầu đậu phộng, đậu nành, dừa,… Trong khẩu phần, chất đạm cần khoảng 12 - 23% tùy giai đoạn tăng trưởng, sinh sản của heo.

1.1.3. Loại thức ăn chứa nhiều chất béo

Chức năng chính là tham gia vào việc chuyển hóa thức ăn và cung cấp một phần năng lượng. Các loại thức ăn có nhiều đạm thông thường có hàm lượng chất béo đủ cho nhu cầu của gà; do đó, việc sử dụng chất đạm đúng tỷ lệ cùng lúc đảm bảo nhu cầu chất béo trong khẩu phần cho gà chỉ cần khoảng 3 - 4%.

1.1.4. Loại thức ăn chứa nhiều chất xơ

Chức năng chính là giúp heo dễ tiêu hóa và cung cấp thêm môt số vitamin và chất khoáng. Các loại rau, quả, bèo, cỏ chứa nhiều chất xơ. Tỷ lệ xơ trong khẩu phần thường chỉ cần khoảng 3 - 5%.

1.1.5.  Loại thức ăn cung cấp các chất dinh dưỡng bổ sung

Các chất dinh dưỡng bổ sung bao gồm các loại vitamin như A, D, E, K, B1, B6, B12, PP,… các loại khoáng như vôi (Ca), lân (P), muối (NaCl), đồng (Cu), kẽm (Zn), sắt (Fe), măng-găng (Mn), ma-nhê (Mg), men tiêu hóa, a-xít a-min, a-xít béo,… Tuy chiếm tỷ lệ rất thấp trong khẩu phần nhưng rất cần thiết vì liên quan đến toàn bộ quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng khác, giúp cho heo sinh trưởng, sinh sản điều hòa và có sức đề kháng tốt. Thức ăn bổ sung cần khoảng 1 - 3% trong khẩu phần.

Các loại thức ăn có nhiều các yếu tố dinh dưỡng bổ sung như bột vỏ sò, bột xương (cung cấp nhiều chất vôi, lân), các chế phẩm tổng hợp (thường gọi chung là prémix) cung cấp các loại khoáng, vitamin, a-xít a-min,…

1.2. Các dạng thức ăn

1.2.1. Thức ăn tự phối trộn

Là cách sử dụng các loại thực liệu đơn để tự phối trộn thành thức ăn hỗn hợp. Thức ăn tự trộn có lợi điểm là chi phí thấp nhưng bất lợi là tốn công lao động mua và trộn, khó kiểm soát chất lượng, thời gian bảo quản trước và sau khi trộn đều ngắn.

Có nhiều công thức dùng để phối trộn thức ăn tùy theo nguồn thực liệu. Có thể tham khảo một số công thức thức ăn tự trộn như sau:

Thức ăn cho heo nái giai đoạn mang thai và nuôi con

                                                (tính trên 100 kg thức ăn)

Thành phần

Giai đoạn mang thai

Giai đoạn nuôi con

Bắp hoặc tấm

55

54

Cám

28,5

26,5

Bột đậu nành rang

5

8

Bánh dầu đậu phộng

4

4

Bột cá lạt

6

6

Premix khoáng

1

1

Premix vitamin

0,5

0,5

 

Thức ăn cho heo thịt

(tính trên 100 kg thức ăn)

Thành phần

Dưới 30 kg

từ 30 - 60 kg

trên 60 kg

Bắp hoặc Tấm

44

45

51

Cám

30

35,5

35,5

Bột đậu nành rang

15

10

5

Bánh dầu đậu phộng

2

2

1

Bột cá lạt

7

6

8

Prémix khoáng

1

1

1

Prémix vitamin

1

0,5

0,5

 

1.2.2. Thức ăn hỗn hợp chế biến công nghiệp

Là loại thức ăn đã được các nơi chuyên sản xuất thức ăn tổ hợp, phối trộn và đóng bao theo từng nhóm thích hợp với nhu cầu dinh dưỡng của heo ở các giai đoạn sinh trưởng. Ưu điểm của loại thức ăn này là thành phần dinh dưỡng được tính toán cân đối từ các nguồn thực liệu được kiểm soát, xử lý chặt chẽ nên chất lượng, độ an toàn và thời gian bảo quản đều cao hơn thức ăn tự trộn. Chi phí thức ăn bao cao hơn thức ăn tự trộn; tuy nhiên, tiện dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và trung bình do giảm công lao động mua gom thực liệu để tự trộn.

Thức ăn công nghiệp thường có hai dạng: dạng bột mịn và dạng viên. Hai dạng này không có sự khác biệt lớn về giá trị dinh dưỡng mà chủ yếu là cấu trúc dạng thức ăn dựa trên tính phù hợp với đặc điểm tiêu thụ của heo trong từng giai đoạn sinh trưởng. Tùy theo quy mô chăn nuôi để tự phối trộn hay sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, ít nhất vẫn nên sử dụng loại thức ăn công nghiệp chuyên dùng ở các giai đoạn heo con tập ăn, heo cai sữa để đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng rất quan trọng cho heo ở các giai đoạn này.

Các loại thức ăn công nghiệp thường có ghi rõ trên bao bì thành phần các chất dinh dưỡng cơ bản như: năng lượng trao đổi, tỷ lệ % đạm, xơ, béo, can-xi, phốt-pho,... tương ứng với nhu cầu dinh dưỡng ở các giai đoạn tăng trưởng, sinh sản của heo. Do đó, cần xem kỹ thông tin này để chọn đúng loại thức ăn phù hợp.

1.2.3. Thức ăn đậm đặc chế biến công nghiệp

Tính chất tương tự như thức ăn hỗn hợp toàn phần; tuy nhiên, nơi sản xuất chỉ phối trộn các loại thực liệu chứa nhiều chất đạm, chất xơ và các chất vi dinh dưỡng để cơ sở chăn nuôi trộn thêm các loại thức ăn có nhiều chất bột đường dễ có tại địa phương như tấm, gạo, bắp, cám, khoai,… theo tỷ lệ hướng dẫn của nơi sản xuất.

Thức ăn đậm đặc cũng được chế biến theo công thức thích hợp cho từng giai đoạn tăng trưởng của heo. Các loại thức ăn đậm đặc thường có một số khác biệt về thành phần thực liệu sử dụng và tỷ lệ trộn thêm các loại thức ăn chứa nhiều bột đường; do đó, cần chú ý yếu tố này khi chọn mua, sử dụng.

Ưu điểm của loại thức ăn đậm đặc là phù hợp với điều kiện chăn nuôi quy mô nhỏ, trung bình ở vùng nông thôn thường có sẳn hoặc dễ tìm các loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường (cám, tấm, bắp,...) nên giúp giảm một phần chi phí so với khi mua loại thức ăn hỗn hợp toàn phần; đồng thời, cũng tiện dụng hơn khi chuyên chở.

1.2.4. Thức ăn bổ sung

Ngoại trừ các loại thực liệu như bột vỏ sò, bột xương,... phần lớn thức ăn bổ sung được chế biến sẳn ở dạng các chế phẩm hỗn hợp (premix) để trộn thêm vào thức ăn hoặc pha trong nước uống. Các loại chế phẩm bổ sung thường chứa các loại vitamin, khoáng, men, một số a-xít a-min, có hoặc không có một lượng thuốc kháng sinh nhất định có tác dụng phòng bệnh. Các chế phẩm có hàm lượng, thành phần các chất dinh dưỡng và tỷ lệ pha, trộn khác nhau; vì vậy, cần xem kỹ thông tin ghi trên nhãn để sử dụng đúng. Thông thường khi đã sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc có chất lượng tốt thì có thể hạn chế sử dụng các loại thức ăn bổ sung.

1.3. Lưu ý trong cách sử dụng thức ăn

- Nếu tự pha trộn thức ăn, cần lựa chọn nguồn thực liệu mới, có mùi thơm đặc trưng, không bị ẩm mốc,… và chọn nơi cung cấp đảm bảo chất lượng tốt, ổn định.

- Khi sử dụng thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc cần lưu ý thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu bảo quản và không nên tự gia giảm hay bổ sung thêm thức ăn khác ngoài hướng dẫn của nơi sản xuất.

- Cần duy trì ổn định loại thức ăn sử dụng và cách cho ăn. Nguyên tắc chung là nên hạn chế thay đổi thức ăn; nếu phải đổi thức ăn thì cần chuyển dần từ ít đến nhiều, tránh đổi đột ngột có thể làm heo bị rối loạn tiêu hóa.

- Nhu cầu số lượng thức ăn cho heo theo lứa tuổi, thể trọng có thể tham khảo theo bảng tổng quát sau:

Giai đoạn tuổi

Trọng lượng heo (kg)

Nhu cầu TA (kg/con/ngày)

Heo con tập ăn

1,5 - 6

0,02 - 0,05

Heo con cai sữa

6 - 15

0,05 - 0,08

Heo lứa

15 - 30

0,8 - 1,5

Heo choai

30 - 60

1,5 - 2,5

Heo vỗ béo

60 trở lên

2,5 - 3

 

- Tập quán chăn nuôi heo ở nhiều nơi cho ăn khá nhiều rau là không cần thiết, nhất là khi nuôi các giống heo cao sản vì rau có giá trị dinh dưỡng thấp, chủ yếu chứa nhiều chất xơ và nước. Nếu cho ăn rau xanh, chỉ nên cho ăn ở lượng thấp. Heo 2 - 3 tháng tuổi từ 0,2 - 0,3 kg/con/ngày. Heo 3 - 5 tháng tuổi từ 0,4 - 0,6 kg/con/ngày. Heo nái: 0,5 kg - 0,8 kg/con / ngày. Ngoài rau xanh, tập quán cho heo ăn hèm nhiều và thường xuyên cũng không thực sự có hiệu quả cao, nhất là đối với heo sinh sản vì hèm có thể gây ảnh hưởng xấu cho bào thai.

- Nên cho heo ăn dạng thức ăn khô hoặc sệt, không nên cho ăn thức ăn lỏng, nấu chín vì vừa tốn công và nhiên liệu vừa không cung cấp đủ số lượng, chất dinh dưỡng theo nhu cầu của heo (do phần nước nhiều làm heo mau no nhưng chưa đủ nhu cầu chất khô). Nên cấp nước uống bằng núm uống tự chảy vì phù hợp với nhu cầu uống nước theo sinh lý tự nhiên của heo, thuận tiện khi cần pha thuốc phòng trị bệnh hoặc các chế phẩm đúng liều lượng theo thể trọng đàn heo và giúp môi trường chuồng nuôi khô ráo. Cho ăn khô kết hợp dùng núm uống tự chảy sẽ giúp giảm bớt số lần tắm heo do khi dội nước sẽ kích thích heo tăng sinh nhiệt làm tích lũy mỡ dưới da.

- Trong quá trình chăn nuôi, việc theo dõi trọng lượng heo là rất cần thiết để đánh giá sức sinh trưởng nhằm tăng giảm khẩu phần, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng và để định lượng thuốc, chế phẩm khi cần trộn thêm vào thức ăn, pha trong nước uống. Dùng cân để biết trọng lượng là chính xác nhất; tuy nhiên, trong thực tế chăn nuôi phổ biến ở nông hộ thì có thể sử dụng một số cách đo rồi quy chiếu ra trọng lượng như sau:

Dùng thước dây đơn vị cm đo vòng ngực (đo vòng qua ngực sát nách 2 chân trước) và chiều dài thân thẳng (từ điểm giữa 2 tai heo kéo dài dọc theo xương sống đến đốt xương cùng khấu đuôi) của heo rồi tính trọng lượng theo công thức:

Đối với heo nái: Trọng lượng (kg) = [vòng ngực x vòng ngực x chiều dài thân thẳng] chia cho 15.600 rồi cộng 5 - 10 kg tùy theo quan sát mức độ heo mập hoặc trừ bớt 5 -10 kg tùy theo quan sát mức độ heo ốm.

Đối với heo thịt: Trọng lượng (kg) = [vòng ngực x vòng ngực x chiều dài thân thẳng] chia cho 14.400 rồi cộng 5 - 10 kg tùy theo quan sát mức độ heo mập hoặc trừ bớt 5 -10 kg tùy theo quan sát mức độ heo ốm.

(CÒN TIẾP)



Các tin khác: