*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng bưởi (PHẦN CUỐI)


KỸ THUẬT TRỒNG BƯỞI

 

5.2 Nhóm Nhện (nhện đỏ, nhện vàng, nhện trắng)

- Nhện đỏ (Panonychus citri): Nhện trưởng thành có màu đỏ sậm, dài khoảng 0,3 mm. Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt. Trứng rất nhỏ, màu đỏ.

- Nhện vàng (Phyllocoptruta oleivora): Nhện trưởng thành có màu vàng tươi, cơ thể dẹp, hình dạng như củ cà rốt, dài khoảng 0,1 mm. Nhện vàng có 2 cặp chân. Trứng rất nhỏ, màu trắng. Ấu trùng nhện vàng màu vàng nhạt, 2 cặp chân ngắn đưa ra trước đầu.

- Nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus): Nhện trưởng thành có màu trắng, dài 0,16 mm. Ấu trùng rất nhỏ có hình trái lê, thường tập trung gần vỏ trái. Trứng hình bầu dục, trong suốt.

- Triệu chứng và cách gây hại: Nhóm nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong phần lõm của trái. Nhện chích hút trên lá non, cành non và trái non. Nhện chích hút lớp biểu bì trên lá tạo thành những chấm nhỏ li ti màu vàng như bụi bám và rụng sớm; trên trái làm vỏ da bị nám sần sùi (gây triệu chứng da cám, da lu), do quá trình chích hút làm vỡ các túi tinh dầu tạo điều kiện cho nấm hoại sinh và vi khuẩn xâm nhập gây hại.

 - Biện pháp phòng trừ:

+ Phun tưới nước lên trên tán cây.

+ Nuôi kiến vàng.

+ Vệ sinh vườn và tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng.

+ Phát hiện thật sớm khi vừa đậu trái và phun luân phiên các loại thuốc trừ nhện như Dầu khoáng (SK Enspray 99EC, DS 98.8EC), Abamectin (Abagro 1.8EC, Visober 88.3EC), nhóm Propargite (Comite 73EC), nhóm Sulfur (Sulox 80WP), Fenpyroximate (Ortus 5SC).

5.3. Tuyến trùng hại rễ

- Là loài giun có kích thước rất nhỏ không màu dài 1 - 2 cm.Tuyến trùng thường phát triển mạnh vào mùa khô. Khả năng di chuyển hẹp. Sự di chuyển của tuyến trùng chủ yếu do tác nhân cơ giới.

- Triệu chứng và cách gây hại:  Khi rễ cây bị tuyến trùng gây hại, rễ trở nên cứng hơn và có nhiều khối u, khả năng hút nước và các chất dinh dưỡng của rễ yếu, dẫn đến cây sinh trưởng kém. Vết thương do tuyến trùng gây hại tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm làm cho rễ bị thối và chết.

- Biện pháp phòng trị:

+ Nên trồng xen một số loại cây có khả năng xua đuổi tuyến trùng như cây lục lạc (Crotalaria juncea), Vạn thọ (Tagetes patula).

+ Sử dụng các loại nấm đối kháng như nấm tím (Paecilomyces sp.), nấm Trichoderma sp. có trong chế phẩm Điền Trang NEMA, Palila 500WP có khả năng phòng trừ tuyến trùng.

+ Xử lý cây giống trong vườn ươm và đất trước khi trồng, xử lý lặp lại định kỳ mỗi 6 tháng/lần sau khi trồng bằng  thuốc  hoạt chất Clinoptilolite (Map Logic 90WP).

5.4. Bệnh hại

5.4.1. Bệnh Tristeza

- Bệnh do vi-rút gây ra.

- Triệu chứng và cách gây hại: Bệnh Tristeza do vi-rút làm hư mạch dẫn nhựa từ trong thân cây xuống rễ; làm rụng lá, chết đọt, lùn cây và làm cho bộ rễ bị thoái hóa. Bệnh lây lan qua mắt ghép hoặc do môi giới là các loài rầy mềm như: rầy mềm nâu, rầy mềm đen hoặc rầy mềm bông chích hút nhựa cây và lây truyền vi-rút gây bệnh.

- Biện pháp phòng trị: Trồng giống sạch bệnh, phòng trừ các loại rầy mềm bằng các loại thuốc trừ rầy rệp vào các đợt ra đọt, lá non để tránh lan truyền mầm bệnh.

5.4.2. Bệnh Vàng lá thối rễ

- Bệnh do nấm Fusarium solani tấn công vào rễ non và làm thối rễ. Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc sau khi tưới nước ra hoa hay khi trái đã lớn.

- Triệu chứng và cách gây hại: Cây bị bệnh lá vẫn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng xanh và sau đó rụng đi. Ban đầu chỉ có một vài nhánh biểu hiện vàng, rụng lá, nhưng sau đó toàn cây sẽ bị rụng lá. Cây bị bệnh cho nhiều chồi ngắn, lá nhỏ, nhiều hoa, trái, trái chua và cuối cùng cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy phía cành rụng lá rễ bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Bệnh nặng tất cả rễ bị thối và cây chết.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Lên mô hoặc trồng nơi đất cao, thoát nước tốt, nếu vườn thấp phải làm bờ bao ngăn nước xâm nhập. Bón vôi khử chua, hạn chế mầm bệnh trong đất.

+ Phát hiện bệnh sớm, cắt bỏ rễ bị thối, tưới thuốc vào vết cắt.

+ Bón phân chuồng hoai mục kết hợp tưới chế phẩm Trichoderma liều lượng 7 - 10 gram/gốc (Cách ly với các loại thuốc trừ bệnh khác từ 15 - 20 ngày tùy loại).

+ Bón thêm phân lân, ka-li hoặc tưới MKP để kích thích cây ra rễ và phục hồi nhanh hơn.

+ Cây mới chớm bệnh tưới thuốc nhóm Metalaxyl (Ridomil 72WP, Mataxyl 25WP), nhóm Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG, Vialphos 80SP, Alpine 80WG).

5.4.3. Bệnh Thối gốc chảy nhựa

- Bệnh do nấm Phytophthora spp. gây ra

- Triệu chứng và cách gây hại: nấm gây bệnh thường tấn công ở những vườn trồng dầy, độ ẩm cao. Lúc đầu nấm tấn công làm cho vỏ thân cây ở vùng gốc bị sũng nước, thối nâu thành những dạng bất định. Sau đó, vỏ khô, nứt dọc, chảy nhựa ra có màu nâu đen rất hôi. Cây bệnh có ít rễ, vỏ rễ bị thối nhất là ở các rễ non, vỏ rễ dễ tuột khỏi lõi. Trên lá làm cho lá nâu vàng và rụng đi, cành chết ngược, nhảy nhiều tược, tán xơ xác, trên trái làm cho trái bị thối nhất là những trái gần mặt đất.

- Biện pháp phòng trị:

+ Trồng với mật độ hợp lý để làm giảm ẩm độ trong vườn.

+ Mô trồng phải khô ráo không để ngập úng.

+ Không nên ủ cỏ sát gốc vào mùa mưa (cách gốc 20 - 30 cm).

+ Phun lên thân cành và mặt liếp các chế phẩm hỗn hợp nấm trichoderma với nấm xanh hoặc nấm tím kết hợp với bón phân chuồng hoai mục 2 - 3 lần trong mùa mưa để khống chế bệnh phát sinh kết hợp phòng trừ tuyến trùng và các loại côn trùng hại rễ.

+ Sử dụng một trong các loại thuốc Metalaxyl + Mancozeb (Macolaxyl 72WP), Dimethomorph + Mancozeb (Acrobat MZ 90/600WP), Streptomyces lydicus WYEC 108 (Activate 1SP) phun lên toàn bộ tán cây và vùng rễ, kết hợp cạo sạch vết bệnh rồi quét thuốc đậm đặc lên vết bệnh 2 - 3 lần cách nhau 7 ngày/lần.
5.4.4. Bệnh loét

- Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestric pv. citri gây ra.

- Triệu chứng và cách gây hại: bệnh thường gây hại trên lá, trái và cành cây. Triệu chứng dễ thấy nhất là trên lá bị cháy những đốm tròn xung quanh có quầng vàng cam nhưng lá không bị biến dạng. Trên lá và trái, vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng nước màu xanh đậm sau đó biến thành màu nâu nhạt mọc nhô lên mặt lá hay vỏ quả làm cho lá giảm khả năng quang hợp và trái bị thối nhũn. Bệnh lây lan rất nhanh qua nước tưới, trời mưa và sương mù; gây hại nặng ở những vườn bị sâu vẽ bùa tấn công và trên những vườn ươm giống. Bệnh nặng làm rụng lá, chết cành và trái sượng không phát triển hoặc rụng.

- Biện pháp phòng trị:

+ Cắt tỉa và tiêu hủy cành, lá, trái bị bệnh.

+ Hạn chế tối đa việc làm xây xát lá và trái, đặc biệt là phòng trị sâu vẽ bùa.

+ Những vườn bị bệnh không nên tưới nước lên tán cây vào buổi chiều mát, chỉ tưới vào gốc cây và không tưới thừa nước. Tăng cường bón thêm phân ka-li cho vườn cây bị bệnh.

+ Phun ngừa bằng các loại thuốc có gốc đồng như Copper Oxychlorid + Streptomycin (Batocide 12WP), Copper Oxychloride + Zineb (Zincopper 50WP) hay vôi (Clorin 0,3 - 0,5%) trong giai đoạn cây ra hoa và tược non.

+ Phun trị bệnh bằng các loại thuốc nhóm Kasugamysin (Kasuran 50WP, New Kasuran 16,6WP) hay các loại thuốc có gốc đồng.

5.4.5. Bệnh vàng lá Greening (bệnh vàng lá gân xanh)

- Bệnh do vi khuẩn (Liberobacterium asiaticum) gây ra và do rầy chổng cánh làm môi giới truyền bệnh.

- Triệu chứng và cách gây hại: lá có những đốm vàng, gân lá vẫn còn xanh, lá nhỏ và hẹp rụng sớm, nhánh bị khô, trái nhỏ, lệch tâm méo mó, dễ rụng, hạt bị thui đen, ra hoa nhiều đợt trên cùng một cây.

- Biện pháp phòng trị:

+ Trồng cây sạch bệnh. Khử trùng dao kéo khi thu hoạch hay cắt tỉa cành. Cắt bỏ các cành bị bệnh kết hợp bổ sung phân bón lá giàu kẽm (Fetrilon combi, Sulfat kẽm,…).

+ Phun các loại thuốc trừ rầy: Thiamethoxam (Actara 25WP), Buprofezin (Applaud 10WP, Butal 10WP).

6. Thu hoạch

Giai đoạn cây cho ra hoa và đơm trái cũng cần có nhiều điều phải lưu ý. Bà con cần phải bảo vệ trái tốt trong thời gian này.

6.1. Bao trái

Trái bưởi khi phát triển cần phải bao trái sớm để giữ sự ổn định. Khi trái bưởi bằng quả trứng vịt thì bà con cần tiến hành thực hiện bao trái. Sử dụng túi ny-lông, có đường kính 20 - 40 cm, và chiều dài 30 - 60 cm thủng hai đầu.

Bao trái từ phần cuống xuống theo phương thẳng đứng, dùng dây buộc chặt phần trên chỗ cuống trái và để hở phần bên dưới. Mục đích của việc này là để bảo vệ trái khỏi sâu bọ tấn công.

Sử dụng túi ny-lông trắng, nên quá trình quang hợp của trái không bị ảnh hưởng. Trái sẽ phát triển bình thường, không bị sâu bọ tấn công dẫn đến năng suất và chất lượng trái tăng cao rõ hơn khi không được bao trái.

6.2. Thu hoạch

Sau khi ra hoa và đậu trái một thời gian, trái sẽ dần dần trưởng thành và chín. Khi trái bưởi có hiện tượng căng lên, da sáng hơn là lúc trái bưởi bắt đầu chín. Bà con sử dụng kéo cắt cây hoặc dao để cắt cả cuống lẫn trái.

Nên thu hoạch vào lúc trái vừa chín tới, tránh thu hoạch quá sớm khi chưa chín hoặc đã chín quá. Lúc đó trái sẽ không đạt mức độ tươi ngon nhất. Nên thu hoạch vào lúc trời mát và nhẹ tay (tránh lúc nắng gắt làm các tế bào tinh dầu căng dễ vỡ), không nên thu trái sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì trái dễ bị ẩm thối khi tồn trữ./.

(Hết)



Các tin khác: