*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi heo sinh sản (PHẦN 5)


KỸ THUẬT CHĂN NUÔI HEO SINH SẢN

PHẦN 5. CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP

1. Lở mồm long móng (FMD)

Thuộc bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn gây ra (Aphthovirus, họ Picornavisidae). FMD lây lan rất nhanh, rộng. Bệnh thường gây chết cho heo tơ, ít gây chết trên heo lớn nhưng làm giảm sức tăng trọng và làm giảm giá trị chất lượng thịt. Đối với heo nái chửa dễ gây sẩy thai.

Khi nhiễm bệnh, heo trải qua giai đoạn nung bệnh từ 2 - 3 ngày (một số trường hợp lên đến 10 ngày) chưa có triệu chứng. Sau đó có hiện tượng bỏ ăn, sốt cao, run rẩy, mụn nước mọc ở nướu răng, lưỡi, vành miệng, phần tiếp giáp giữa móng và chân, bầu vú heo. Sau vài ngày, các mụn nầy vỡ ra tạo thành vết loét, dễ nhiễm trùng sinh lở, mủ làm heo không thể ăn uống, đi lại và khi lở loét nặng có thể gây sút cả móng. Do các vết loét trong miệng nên heo chảy nước dãi rất nhiều, lưỡi cứng và thè ra ngoài.

Bệnh tích điển hình là miệng có nhiều vết lở loét ở lợi, chân răng, hầu, thực quản, lưỡi. Phổi có thể bị viêm, tim mềm, có vết xám hay các chấm xám nhạt, lách sưng đen, móng bị long ra hoặc sút hẳn.

Do siêu vi khuẩn gây bệnh nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có thể dùng kháng sinh chữa các mụn loét ở miệng, móng và vú hoặc dùng chanh hay khế chà xát vào các vết loét. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát, không diệt được siêu vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, biện pháp hiệu quả nhất là bắt buộc tiêm phòng vắc-xin kết hợp cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Vắc-xin FMD tiêm lần đầu cho heo lúc 2 tháng tuổi, nếu ở nơi đang có nguy cơ đe dọa dịch thì cần tiêm sớm hơn vào lúc 2 tuần tuổi. Lần tiêm thứ 2 cách lần đầu 30 ngày, còn các lần kế tiếp cách khoảng 5 tháng. Do tính chất nguy hiểm của bệnh, nên khi phát hiện heo bệnh tuyệt đối không được giết mổ hoặc bán chạy mà phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

2. Hội chứng rối loạn sinh sản hô hấp (PRRS)

Là bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn gây ra (PRRSV, 2 type chính Châu Âu và Bắc Mỹ). PRRS lây lan mạnh và gây thiệt hại lớn. Bệnh có thể lây truyền qua đường không khí, vật dụng và tiếp xúc trực tiếp.

Triệu chứng của heo bệnh ít nhiều có khác nhau tùy thuộc chủng siêu vi khuẩn gây bệnh và khả năng miễn dịch của cá thể heo. Biểu hiện ban đầu là bỏ ăn, lừ đừ, sốt, khó thở, xung huyết dưới da, đặc biệt ở phần tai xuất hiện sắc tố xanh không bền (nên còn gọi là bệnh tai xanh). Thời gian nung bệnh có thể từ 3 - 7 ngày. Heo nái mắc bệnh thường có hiện tượng rối loạn sinh sản như chậm lên giống, không đậu thai, dễ sẩy thai vào giai đoạn cuối, heo sơ sinh yếu, trọng lượng heo con không đồng đều, dị dạng hoặc khô thai.

Ngoài ra, heo còn có thể có các triệu chứng thần kinh như rối loạn vận động, quay vòng, té ngã. Heo nọc có biểu hiện lờ đờ, tái xanh ở tai, giảm khả năng sinh dục và chất lượng tinh. Heo con theo mẹ bị chết nhiều ở giai đoạn trước và sau cai sữa, viêm kết mạc mắt, phù thủng mí mắt, tiêu chảy kéo dài, thở khó, ít hoặc không ho, lông xù, khô và có thể bị chảy máu ở rốn. Heo cai sữa và heo thịt thường có biểu hiện rối loạn hô hấp, giảm tăng trọng.

Do siêu vi khuẩn gây bệnh nên không có thuốc điều trị. Vì vậy, chủ yếu là áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Riêng vắc-xin thì cần chọn chủng loại và lịch trình tiêm theo hướng dẫn của nơi sản xuất vắc-xin và cơ quan thú y địa phương để phù hợp với chủng siêu vi gây bệnh.

3. Dịch tả heo (Dịch tả heo cổ điển)

Thuộc bệnh truyền nhiễm gây ra do một loại siêu vi khuẩn (Pestivirus, họ Flavoviridae). Dịch tả lây lan mạnh trên heo ở mọi lứa tuổi và thường dễ bộc phát trong những tháng giao mùa, nhất là vào cuối mùa mưa.

Khi heo nhiễm bệnh, khởi đầu có hiện tượng bỏ ăn, sốt, đi phân bón, mắt đỏ có ghèn, sau 1 - 2 ngày chuyển sang tiêu chảy nặng, phân thối khắm. Heo kiệt sức rất nhanh và trên da xuất hiện những điểm lấm tấm đỏ do xuất huyết, tỷ lệ chết rất cao. Bệnh tích điển hình là lách nhồi huyết ở phần rìa và có hình răng cưa, thận cũng xuất huyết rất rõ và thành trong ruột bị loét có dạng hình cúc áo.

Do siêu vi khuẩn gây bệnh nên không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Biện pháp dùng kháng huyết thanh dịch tả ngay khi phát hiện tuy có hiệu quả nhưng trong thực tế ít có khả năng ứng dụng rộng rãi (nếu có sử dụng thì dùng liều 3 cc kháng huyết thanh/kg thể trọng/ngày và dùng liên tiếp 3 ngày). Do vậy, cần tập trung vào việc phòng bệnh bằng vắc-xin và áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Vắc-xin dịch tả tiêm phòng lần đầu lúc heo được 28 - 30 ngày tuổi, còn heo con dưới 15 ngày tuổi chỉ nên tiêm khi có dịch bộc phát tại khu vực chăn nuôi. Lần chủng thứ hai sau lần đầu 2 tháng, còn các lần kế tiếp cách khoảng 4 tháng. Đối với heo nuôi sinh sản, cần tính toán điều chỉnh sao cho lần tái chủng rơi vào thời điểm heo cái hậu bị trước lúc phối giống khoảng 2 tuần để sau khi đẻ, nuôi con đến lẻ bầy thì đúng lúc tiêm phòng trở lại trước khi phối giống tiếp.

4. Bệnh Liên cầu khuẩn

Bệnh do vi khuẩn dạng chuổi cầu gây ra (Streptococcus suis). Vi khuẩn tập trung tấn công ở hạch hạnh nhân và đường sinh dục. Thực tế, vi khuẩn này thường hiện diện sẳn ở môi trường chăn nuôi và có thể có ngay trên heo khỏe mạnh nên luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng chực chờ bộc phát khi có sự thay đổi bất lợi cho heo về môi trường nuôi; nhất là ở các nơi chăn nuôi kém vệ sinh, kém dinh dưỡng hoặc khi vận chuyển heo không đúng cách. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết từ heo bệnh sang heo khỏe.

Heo bệnh thường có triệu chứng sốt cao, ủ rũ, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, có thể có biểu hiện thần kinh như run rẫy, đứng không vững, liệt, sẩy thai và chết đột ngột. Bệnh tích đặc trưng là viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm khí quản, viêm phổi, viêm khớp, bại huyết, các hạch bạch huyết sưng và sung huyết, dịch não tủy bị đục, nội cơ tim, van tim bị viêm sùi giống như bông cải.

Biện pháp điều trị là sử dụng kháng sinh (như Ampicilline, Cephalosprin, Trimethoprim,…) kết hợp thuốc kháng viêm, thuốc trợ lực; tuy nhiên, cần phát hiện và điều trị sớm. Do đó, tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách chỉ mua heo giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch sạch bệnh và trong quá trình nuôi luôn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

5. Bệnh sẩy thai do siêu vi khuẩn Parvo

Do một loại siêu vi khuẩn (Parvo virus) gây ra, thường không có triệu chứng rỏ rệt mà chỉ lập lại hiện tượng heo nái sẩy thai, đẻ non, đẻ ít con, nhiều thai bị khô hoặc chết, heo sơ sinh yếu, heo mẹ phối nhiều lần không đậu thai, chậm lên giống, thời gian mang thai kéo dài hơn bình thường.

Do siêu vi khuẩn gây bệnh nên không có thuốc điều trị; vì vậy, cần áp dụng tích cực các biện pháp phòng bệnh là chỉ sử dụng nguồn nọc giống đã được kiểm tra không mang bệnh parvo, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho heo cái hậu bị 2 lần; lần đầu vào khoảng 30 - 38 ngày trước khi phối và lần hai sau lần đầu khoảng 2 - 3 tuần. Đối với heo nái đã đẻ thì chỉ cần tiêm một liều vào lúc cho cai sữa heo con. Đối với heo nọc, định kỳ 6 tháng tiêm một lần.

6. Dịch tả heo Châu Phi

Là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Asfarviridae, xuất hiện lần đầu trên heo rừng ở Châu Phi. Bệnh xảy ra trên heo ở mọi lứa tuổi, có triệu chứng tương tự như bệnh dịch tả heo cổ điển. Dịch tả heo Châu Phi lây lan nhanh, gây chết 100% trong đàn và hiện nay chưa có vắc-xin để phòng bệnh.

Virus lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa heo bệnh và heo khỏe, ngoài ra con đường lây lan gián tiếp thông qua chất tiết, chất dịch của heo bệnh, vật dụng, phương tiện, con người, quần áo, thức ăn và côn trùng cũng là nguyên nhân làm cho bệnh lây lan nhanh và rộng.

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 5 - 15 ngày, triệu chứng tương tự như bệnh dịch tả heo cổ điển như heo lờ đờ, bỏ ăn, sốt cao, nôn mửa, xuất huyết da, tiêu chảy, tiêu chảy máu kèm theo triệu chứng suy hô hấp, chảy máu các lỗ tự nhiên (hậu môn, mũi,…). Vùng da xuất huyết nhanh chóng chuyển sang màu xanh tím. Nái mang thai có thể bị sẩy thai ở mọi giai đoạn. Ngoài ra nếu heo nhiễm chủng độc lực trung bình sẽ gây bệnh mãn tính với các triệu chứng như sốt thất thường, giảm trọng lượng, viêm khớp, viêm da mãn tính.

Mổ khám bệnh tích sẽ thấy dịch màu nâu tràn ra xoang ngực, xoang bụng, các cơ quan nội tạng, lách sưng to, nhồi huyết, thận, tim xuất huyết điểm, hạch bạch huyết sưng to, dạ dày, niêm mạc ruột xuất huyết, có thể có loét.

Virus có khả năng đề kháng ngoài môi trường tốt, đặc biệt là nhiệt độ lạnh. Trong thịt đông lạnh virus có thể tồn tại 1.000 ngày, trong bột thịt là 105 ngày. Trên 60oC virus sẽ bị diệt trong 30 phút, 50oC virus chết sau 2 giờ. Vì vậy, bệnh Dịch tả heo Châu Phi có nguy cơ bộc phát rất lớn ở các nơi đã xảy ra dịch nếu không làm tốt khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng. Các loại thuốc khử trùng có hiệu quả đối với virus này là Virkon`s, iodine, formalin,…

Do không có vắc-xin nên biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi heo.

7. Tụ huyết trùng (Toi)

Thuộc bệnh truyền nhiễm do một loại vi khuẩn gây ra (Pasteurella multocida). Tụ huyết trùng thường bộc phát và lây lan mạnh khi môi trường chăn nuôi thay đổi đột ngột về thời tiết hoặc lúc vận chuyển heo, chuyển chuồng mới,... Trong đó, bệnh dễ xảy ra ở nơi chăn nuôi thường xuyên thiếu vệ sinh, ẩm thấp, dinh dưỡng không đầy đủ hoặc do kế phát từ các bệnh truyền nhiễm khác. Heo trên 2 tháng tuổi dễ bị nhiễm hơn heo con.

Bệnh phát rất nhanh, khởi đầu với triệu chứng bỏ ăn, sốt, mũi miệng chảy nhớt, thở khó, ho, tim đập nhanh, mắt đỏ, lúc đầu đi phân bón rồi chuyển sang tiêu chảy nặng, trên da xuất huyết các điểm lấm tấm đỏ và khi chết thì toàn thân tím bầm, một số heo bị phù ở đầu và hàm. Bệnh tích điển hình là các vết tụ huyết nâu sẫm ở phổi, thận, lá lách bị sưng to.

Biện pháp phòng bệnh trước tiên là thực hiện yêu cầu thường xuyên vệ sinh và định kỳ sát trùng chuồng trại, giữ chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ổn định kết hợp với tiêm phòng vắc-xin lần đầu tiên cho heo vào lúc 45 ngày tuổi; sau đó tái chủng cách khoảng 4 tháng.

Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn nên có thể dùng kháng sinh để điều trị, tuy nhiên phải phát hiện và xử lý sớm. Có thể dùng một trong các loại thuốc kháng sinh như: Terramycine LA, Duranixin LA, Amoxysol LA, Septotryl, Baytril, Clamoxyl, Genta-Tylosin,… kết hợp sử dụng thuốc trợ lực, giảm sốt, bổ sung vitamin trong quá trình điều trị.

8. Phó thương hàn

Thuộc bệnh truyền nhiễm gây ra bởi 2 loại vi khuẩn (Salmonella choleraeSamonella typhisuis). Phó thương hàn thường xảy ra ở heo con giai đoạn lẻ bầy và heo lứa. Khi mới nhiễm bệnh, heo có triệu chứng bỏ ăn, xù lông, đi phân bón như phân dê và có màng nhày bao bọc phân. Sau vài ngày chuyển sang tiêu chảy, đặc trưng của bệnh này là biểu hiện sốt lúc cao, lúc thấp hoặc không sốt và kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh tích điển hình là thành trong ruột non có những chỗ bị loét, trên đó có phủ bựa vàng trắng, túi mật sưng, lách bị dai và sưng.

Nhiều loại kháng sinh có hiệu lực với vi trùng gây bệnh, tuy nhiên quá trình điều trị thường gặp khó khăn do việc dùng thuốc kéo dài cùng lúc phải có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng đặc biệt như cho heo ăn thức ăn nấu chín, loãng để tránh ảnh hưởng đến thành ruột bị vi trùng bào mòn. Vì vậy, trong thực tế việc điều trị bệnh phó thương hàn thường tốn kém và hiệu quả không cao. Tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Vắc-xin tiêm lần đầu cho heo 5 tuần tuổi; các lần sau cách khoảng 4 - 5 tháng.

Các loại kháng sinh thích hợp điều trị bệnh Phó thương hàn có: Spira-Colistin, Baytril Max, Amoxysol LA, Duranixin LA, Enro-Gentacol, Clamoxyl, Maxflo LA,… kết hợp với thuốc kháng viêm, giảm sốt, bổ sung các loại vitamin, chất điện giải để cân bằng điện giải trong máu do heo bị tiêu chảy nặng.

Trong thực tế, các bệnh truyền nhiễm Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn dễ có hiện tượng ghép 2 hoặc 3 bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị thường gặp khó khăn. Vì vậy, cần theo dõi kỹ trạng thái heo để khi vừa phát hiện nhanh chóng chuyển nuôi cách ly, dùng thuốc phối hợp theo hướng điều trị rộng lúc ban đầu, sau đó tiếp tục theo dõi để chẩn đoán loại trừ nhằm xác định bệnh chính xác. Dù vậy thì cách tốt nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm là sử dụng vắc-xin và áp dụng cách chăn nuôi an toàn sinh học.

9. Tiêu chảy phân trắng ở heo con

Thường xảy ra trên heo con theo mẹ và do nhiều nguyên nhân nên thực tế không dễ xác định. Tuy nhiên, hiện tượng heo con đi phân trắng thường có mối liên quan chặt chẽ với các yếu tố bất lợi về môi trường như chuồng trại dơ bẩn, ẩm thấp, thời tiết thay đổi đột ngột hoặc do cách chăm sóc không tốt như sữa mẹ thiếu dinh dưỡng, mẹ đang mắc bệnh hậu sản, heo con bị nhiễm trùng cuống rún, heo con thiếu sắt,… là điều kiện để các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn phát triển và gây bệnh.

Heo bệnh gầy sút rất nhanh, lông xù, đuôi cụp, run rẩy, đi lại khó khăn, tiêu chảy phân trắng, nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ chết có thể rất cao. Trong thực tế, heo sau khi điều trị khỏi bệnh cũng mất rất nhiều sức; do đó, tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp chính như sau: Cho heo con bú được sữa đầu, khẩu phần của heo mẹ phải đầy đủ dinh dưỡng, heo con được úm ở nơi sạch sẽ, không bị gió lùa, nếu heo mẹ mắc bệnh hậu sản (sót nhau, viêm tử cung, viêm vú,…) cần điều trị dứt sớm.

Heo con nhất thiết phải được tiêm bổ sung chất sắt như Ferro 2000, Dexprol 2000, Prolongal (liều 1 cc/con lúc 3 - 4 ngày tuổi) hoặc Ferridex 100, Ferropen 100 (liều 1 cc/ con lúc 3 - 4 ngày tuổi và 1 cc/con lúc 10 ngày tuổi).

Khi heo có triệu chứng đi phân trắng nên điều trị bằng các loại kháng sinh như: Ampidexalone (Ampicilline + Colistine + Dexamethasone), Terramycine, Sultriject, Neomycine, Codexin, Baytril Max,... Khi dùng kháng sinh nên phối hợp với các loại thuốc cầm tiêu chảy; nếu nhẹ có thể dùng nước sắc các loại lá, cỏ có chất chát (lá ổi, cỏ mực,...), than hoạt tính; nếu nặng thì cần tiêm thuốc cầm tiêu chảy (như Atropin với liều 0,2 - 0,5 cc/con). Ngoài ra, khi tiêu chảy heo con mất sức và mất nhiều nước nên cần cho uống nhiều nước pha Orésol hoặc dung dịch sinh lý tự tạo (1 lít nước + 8 muỗng cà phê đường + 1 muỗng cà phê muối ăn). Có thể cấp thẳng dung dịch sinh lý ngọt qua đường tiêm dưới da hay xoang bụng (40 cc/con/ngày).

(CÒN TIẾP)



Các tin khác: