*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi heo sinh sản (PHẦN CUỐI)


KỸ THUẬT NUÔI HEO SINH SẢN (TT)

10. Ký sinh trùng

Ký sinh trùng phổ biến ở heo là giun, lãi ở đường ruột và phổi, ghẻ da. Ký sinh trùng làm heo còi cọc, chậm lớn và gây tiêu chảy nhẹ kéo dài. Trong thực tế rất khó ngăn heo không bị nhiễm ký sinh trùng; do đó, cần dùng thuốc tẩy giun, lãi theo định kỳ. Nên dùng các loại thuốc tiêm có tác dụng diệt cả ký sinh trùng ở ruột và phổi như Tetramisol (còn có tên Anthelsil, Vinacor,...), Ivermectin, Dectomax,…. Nên tẩy ký sinh trùng khi heo vừa lẻ bầy rồi tiếp tục tẩy lần nữa sau đó 3 tháng. Đối với heo sinh sản nên định kỳ tẩy giun, lãi trước khi phối giống.

11. Hiện tượng bại liệt trước hoặc sau khi đẻ

Heo mang thai có nhu cầu chất vôi (Ca) và lân (P) rất cao để tạo khung xương cho bào thai, vì vậy hiện tượng thiếu vôi, lân hoặc mất cân đối vôi và lân rất dễ xảy ra ở giai đoạn này. Về tự nhiên, khi thiếu vôi, lân trong khẩu phần buộc heo mẹ phải chuyển vôi, lân từ xương để cấp cho bào thai nên dẫn đến hiện tượng xương heo mẹ bị mềm nên làm bộ chân yếu. Thông thường, biểu hiện yếu bại xuất hiện ở 2 chân sau và khi nặng hơn thì đến 2 chân trước. Hiện tượng yếu chân, bại liệt có thể xuất hiện lúc đang mang thai hoặc sau khi đẻ.

Cách ngăn ngừa là cung cấp đầy đủ vôi và lân trong khẩu phần heo mang thai. Nếu dùng thức ăn tự trộn thì cần tăng tỷ lệ bột vỏ sò, bột xương, bột cá, premix khoáng và  vitamin A, D. Tốt nhất là nên sử dụng các loại thức ăn chuyên dùng cho nái mang thai, nái nuôi con vì nơi sản xuất đã bổ sung vôi, lân cao hơn thông thường.

Khi thấy heo nái có hiện tượng yếu chân, cần xử lý ngay bằng cách tiêm mạch hoặc tiêm thịt Gluconat Calci hoặc Calbiron với liều 40 cc/con/ngày cho đến khi hiện tượng yếu chân không còn. Trong quá trình điều trị, cần bổ sung thêm vitamin A, D và trong các trường hợp nặng có thể tiêm Strychnin (liều 3 mg/con/ngày không quá 3 ngày) để kích thích vận động phục hồi; tuy nhiên chỉ nên sử dụng Strychnin khi heo đã đẻ, không sử dụng khi heo đang mang thai vì có thể ảnh hưởng xấu đến thai.

12. Hiện tượng đẻ khó

Thông thường, quá 1 - 2 giờ sau khi đã vỡ ối mà heo mẹ vẫn không đẻ hoặc chỉ đẻ được vài con rồi không thể tiếp tục rặn đẻ là dấu hiệu đẻ khó. Có nhiều nguyên nhân gây đẻ khó như: heo quá mập, thiếu vận động, bại liệt do thiếu vôi - lân, do xương chậu hẹp, do thiếu kích thích tố giúp tử cung co bóp rặn đẻ, do tư thế heo con nằm nghịch hoặc thai quá lớn,... Vì vậy, để hạn chế tối đa các rủi ro heo đẻ khó tốt nhất là có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng giai đoạn heo mang thai thật ổn định và đầy đủ, không dùng quá nhiều thức ăn bột đường, không để heo nái thiếu vôi, lân. Dù sao, vẫn luôn chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết để ứng phó kịp thời khi heo đẻ khó.

Khi xác định heo đẻ khó bắt buộc phải can thiệp bằng tay, khi dùng tay thăm dò qua âm đạo thấy xương chậu hẹp thì nên nhờ nhân viên thú y giải phẩu. Chú ý phải sát trùng tay bằng xà-bông rồi rửa lại bằng cồn, xoa trơn tay bằng dầu phộng hay dầu dừa đã được nấu chín trước khi đưa tay vào âm đạo heo. Nếu thai nằm nghịch, sửa lại nhẹ nhàng, sau đó phụ kéo heo con ra theo nhịp rặn của heo mẹ. Nếu không do thai nằm ngược mà do nái rặn yếu thì dùng thuốc giục đẻ như Oxytocin với liều 20 - 30 UI/con, sau đó khoảng 30 phút, tiêm một lần nữa.

Thông thường, khi đã có can thiệp bằng tay, khó tránh khỏi nhiễm trùng và nái cũng bị suy yếu nhiều; vì vậy, cần xử lý sớm các bệnh hậu sản bằng cách tiêm thuốc trợ lực cho heo mẹ (như Camphora 10% với liều 3 ống/con/ngày) liên tục cho đến khi heo khỏe hẳn và bổ sung thêm các loại vitamin C, B complex. Đồng thời, bơm vào tử cung dung dịch 2 gram Ampicilline + 30 ml sinh lý mặn/lần, liên tục 2 - 3 lần/ngày trong vòng 2 - 3 ngày hoặc đặt thuốc viên Aureomycin 1 viên/con/ngày, liên tục 3 ngày. Việc ngưng hay tiếp tục dùng thuốc dựa vào quan sát bệnh trạng của heo mẹ ở các ngày tiếp sau.

Heo con của nái đẻ khó thường dễ bị ngộp và yếu, cần nhanh chóng lau, móc sạch nhớt trong miệng, mũi rồi đưa ngay vào ngăn úm và cho bú sớm.

13. Sót nhau

Sau khi đẻ xong đến hơn 5 giờ mà nhau vẫn không ra hay ra không hết là hiện tượng sót nhau. Nguyên nhân gây sót nhau thường do nái rặn yếu hoặc đã có can thiệp bằng tay do heo đẻ khó và cũng có thể vì thể trạng heo mẹ quá kém do suy dinh dưỡng. Heo nái bị sót nhau sau khi đã đẻ xong vẫn còn biểu hiện rặn. Sau đó 1 - 2 ngày thì bắt đầu sốt, bỏ ăn, âm hộ chảy dịch màu đỏ bầm, lợn cợn mảnh đen, nâu và có mùi rất tanh.

Khi xác định có sót nhau, cần phụ lực đẩy của tử cung bằng cách chích thuốc giục Oxytocin và bơm rửa tử cung bằng 2 - 3 lít dung dịch nước muối 0,9 % hoặc thuốc tím 0,1 % (1 gram thuốc tím pha với 1 lít nước chín), bơm rửa 2 lần/ngày và liên tục 2 - 3 ngày. Đồng thời, cần tiêm kháng sinh để ngừa nhiễm trùng, có thể dùng một trong các loại kháng sinh như Ampicilline, Clamoxyl, Terramycin,…

14. Viêm tử cung

Thường xuất hiện triệu chứng sau khi đẻ 1 - 2 ngày, viêm tử cung thường bắt nguồn từ tình trạng sót nhau trước đó hoặc nhiễm trùng lúc can thiệp heo đẻ khó hoặc do chuồng nuôi dơ bẩn. Biểu hiện thường thấy là âm hộ chảy dịch đục có lợn cợn, mùi tanh, heo sốt, bỏ ăn.

Nên ngăn ngừa viêm tử cung bằng cách vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, chuồng đẻ, thực hiện quy trình chăm sóc, dinh dưỡng ổn định lúc heo mang thai và thực hiện thao tác đỡ đẻ hay can thiệp lúc đẻ đúng kỹ thuật. Điều trị viêm tử cung bằng các biện pháp kết hợp bơm rửa, đặt thuốc tử cung và chích thuốc kháng sinh trị toàn thân tương tự như khi bị sót nhau.

15. Viêm vú

Thường xảy ra trong tuần lễ đầu sau khi đẻ, có thể do kế phát từ viêm tử cung, do vú bị nhiễm trùng hoặc do quá căng sữa (sữa nhiều không tiêu thụ hết hay một số vú heo con không bú được vì bị che lấp).

Phần vú viêm, trước tiên thấy sưng đỏ, có phản ứng đau, nếu để kéo dài chuyển sang nhiễm trùng rộng hơn sẽ gây sốt. Khi vú sưng đau, heo mẹ sẽ không chịu cho con bú, sữa phần vú viêm bị vón cục và heo con bú sữa nhiễm trùng rất dễ bị tiêu chảy.

Cần ngăn ngừa viêm vú bằng các biện pháp vệ sinh trong chăm sóc trước, trong và sau khi đẻ, nhất là ở phần vú. Heo nái đẻ xong cần được lau rửa bầu vú bằng nước ấm sạch. Heo con sau khi cắt răng, giữ ấm cho bú ngay để giảm căng sữa.

Heo bị viêm vú cần điều trị kết hợp kháng sinh và thuốc kháng viêm; có thể dùng các loại kháng sinh như: Penicilline (1.000.000 UI) + Streptomycine (1 gram) hay Ampicilline (1 gram) chích thẳng vào 4 gốc của mỗi vú bị viêm. Khi có nhiều vú bị viêm thì cần phải điều trị toàn thân bằng các loại kháng sinh như: Ampicilline, Clamoxyl, Terramycine LA, Ampiseptryl, Tiamulin hay Septotryl kết hợp với tiêm thuốc kháng viêm. Cùng lúc với quá trình điều trị bằng thuốc, nên chườm nước đá luân phiên với chườm nước ấm ở vú bị viêm.

Thường sau khi điều trị xong viêm vú thì lượng sữa cũng bị giảm nên cần bổ sung cho heo các chất kích thích tiết sữa như Thyroxin hay Bromolactogen; có thể dùng liên tiếp trong 5 ngày kèm theo thuốc trợ lực.

16. Hiện tượng mất sữa

Heo mẹ đột ngột có hiện tượng giảm dần tiết sữa rồi mất hẳn. Thường do kế phát sau khi nái bị viêm tử cung, viêm vú hoặc do thiếu dinh dưỡng, thiếu kích thích tố tiết sữa. Nếu do thể trạng heo mẹ kém thì cần bổ sung thêm chất đạm, viatamin,... và các loại thức ăn giúp tăng tiết sữa như rau lang, bí rợ, chuối sứ,... trong khẩu phần kết hợp sử dụng các chất kích thích tiết sữa như Thyroxin, Bromolactogen, Iopocase. Nếu do kế phát từ viêm tử cung, viêm vú thì phải điều trị các bệnh này dứt hẳn rồi sau đó mới nên dùng các chất kích thích tiết sữa cùng với chế độ dinh dưỡng tốt để phục hồi khả năng sinh sữa của heo mẹ.

Viêm tử cung, viêm vú, mất sữa thường có liên quan với nhau (hội chứng MMA); do đó, ngoài việc thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai, lúc đẻ và sau khi đẻ thì biện pháp tiêm kháng sinh với liều phòng (Terramycin LA, Multibio, ...) ngay sau khi sanh cũng có tác dụng chủ động phòng các bệnh này.

17. Viêm phổi do Mycoplasma (suyễn, hen)

Bệnh do Mycoplasma gây ra (M.suispneumoniaM.hyopneumonia) và tấn công chủ yếu trên đường hô hấp. Heo con 3 - 4 tháng tuổi dễ nhiễm và thường mắc bệnh vào các thời điểm trời lạnh và ẩm.

Biểu hiện chung của heo bệnh là thường tách đàn nằm ở góc chuồng, kém ăn, chậm lớn, da nhợt nhạt, thân nhiệt có thể không tăng hoặc chỉ tăng một ít (sốt nhẹ), heo hay hắt hơi từng hồi, chảy nước mũi, ho liên tiếp và kéo dài, sau đó chuyển sang trạng thái thở khó, thở nhanh, há hốc mồm để thở. Ở thể viêm phổi mãn tính, heo ho khan từng tiếng hay từng chuỗi dài vào lúc sáng sớm, buổi tối và sau cử ăn. Bệnh thường kéo dài dai dẳng làm giảm tăng trọng và sức đề kháng nên dễ mắc các bệnh khác.

Bệnh tích đặc trưng là phổi bị viêm kiểu gan hóa, trên mặt phổi xuất hiện các dạng sợi làm phổi dính vào lồng ngực. Màng phổi viêm nặng, khí quản, phế quản cũng bị viêm và có nhiều dịch nhầy, hạch lâm ba phổi sưng phù, tụ máu.

Tác dụng của thuốc kháng sinh (như Draxxin, Terramycin LA, Duranixin LA Excede, Tylan 200,…) tuy có hiệu quả với Mycoplasma nhưng cũng có giới hạn; do đó, cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp chăm sóc tốt, giữ ấm, vệ sinh kết hợp với sử dụng vắc-xin (vắc-xin Respisure tiêm 2 cc cho heo 21 ngày tuổi và tái chủng sau mỗi 6 tháng). Đồng thời, heo mới mua về cần nuôi cách ly, nếu không có bệnh mới cho nhập đàn.

18. Bệnh đóng dấu son

Bệnh do vi khuẩn Erysipelothrix rhusiopathiae gây ra, mầm bệnh tồn tại trong đất từ những nguồn nhiễm từ phân, nước tiểu của gia súc bệnh hay gia súc mang trùng có sẵn trong niêm mạc họng, a-mi-đan và mũi heo, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ trỗi dậy phát bệnh đặc biệt là thời tiết nắng nóng, oi bức, độ ẩm cao hay heo bị stress. Heo 3 tháng tuổi đến 3 năm tuổi rất nhạy cảm với bệnh, phổ biến ở heo từ 3 - 12 tháng tuổi.

Thể quá cấp tính: Sốt cao, mắt đỏ, bỏ ăn, điên cuồng lồng lộn. Heo thường chết nhanh trong vòng 2 - 3 giờ hoặc 12 - 24 giờ sau khi thân nhiệt hạ, do chết nhanh nên các dấu vết đỏ ngoài da chưa kịp xuất hiện.

Thể cấp tính: Thể này thường hay mắc, gây chết nhiều. Heo ủ rũ, mệt mỏi, lờ đờ, ăn kém hoặc không ăn, tai, đuôi không cử động và có thể hôn mê. Sốt cao, mình nóng, da khô, run rẩy 4 chân; táo bón, phân đóng cục, có màng bọc lầy nhầy, về sau tiêu chảy.  Kết mạc mắt viêm, mắt đỏ, chảy nước mắt, khó thở, nhịp thở tăng. Hai ba ngày sau trên da xuất hiện những vết đỏ nhất là ở tai, lưng, ngực, bụng, mặt trong chân, đùi.  Những vết đỏ dần tập trung lại thành mảng hình vuông, hình quả trám, bầu dục, hình thoi, lúc đầu màu đỏ tươi sau biến thành đỏ thẫm hay tím bầm. Bệnh tiến triển từ 3 - 5 ngày, vật yếu dần, thở khó, thân nhiệt hạ thấp nhanh. Tỷ lệ chết thường từ 50 - 60%. Nếu bệnh kéo dài hơn 1 tuần thì bệnh chuyển sang thể thứ cấp hay thể mãn tính. Trên da nổi những vết đỏ hình vuông, tròn, hình quả trám.

Thể mãn tính: Heo ăn uống kém, gầy còm, thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt, thân nhiệt bình thường hoặc sốt nhẹ, viêm các khớp chân, đi lại khó khăn, da sưng đỏ, lan rộng, khô dần và bong ra từng mảng. Ngoài ra còn thấy triệu chứng tiêu chảy kéo dài, rụng lông, niêm mạc lợi bị loét. Bệnh có thể kéo dài 3 - 4 tháng, con vật có thể khỏi hoặc chết do gầy mòn, kiệt sức.

Bệnh tích: Thể quá cấp tính vật chết nhanh đột ngột, bệnh tích không rõ, chỉ thấy thận viêm, sưng, có những đám tụ máu xuất huyết. Thể cấp tính: Xuất huyết các cơ quan như niêm mạc dạ dày, da, phổi, gan sung huyết, lách và thận có thể bị nhồi máu, da bị tổn thương,…; Thể mãn tính: Sưng khớp, tổn thương khớp và dây chằng, dịch khớp mất tính nhầy, thận bị xuất huyết lấm tấm ở vỏ và tủy thận có thể bị hoại tử. Da bị hoại tử bong tróc ra. Lách sưng sẩm màu, viêm cơ tim và van tim phát triển thành hình súp lơ, màng tim và cơ tim có nhiều điểm xuất huyết.

Phòng bệnh: Dùng vắc-xin định kỳ tiêm phòng là biện pháp rất có hiệu quả. Đối với heo 2 tháng tuổi bắt đầu dùng vắc-xin đóng dấu để tiêm phòng, 3 tháng sau tiêm nhắc lại kết hợp các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng tốt theo an toàn sinh học.

19. Bệnh còi cọc

Bệnh do virus thuộc họ Circoviridae gây ra. Circovirus gồm 2 chủng (2 type) được ký hiệu là PCV-1 và PCV-2, trong đó vai trò gây bệnh còi cọc chủ yếu do circovirus typ 2 (PCV-2); heo ở mọi lứa tuổi đều có khả năng nhiễm virus. Bệnh xảy ra quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ, khí hậu. Tuy nhiên, ở các đàn nái ngoại cao sản, heo được chăn nuôi công nghiệp thì bệnh xảy ra phổ biến hơn, tỷ lệ heo con mắc hội chứng còi cọc nhiều hơn so với các giống heo địa phương được chăn nuôi theo hướng phân tán, nhỏ lẻ.

Bệnh thường xuất hiện ở heo từ 5- 18 tuần tuổi (sau cai sữa và vỗ béo). Tỷ lệ mắc bệnh phổ biến từ 1- 5% trong đàn, nhưng cũng có những trại tỷ lệ mắc cao dao động tới 50%.

Triệu chứng điển hình nhất, dễ nhận thấy nhất là còi cọc, heo lớn chậm hơn rất nhiều so với các con khác cùng ổ hoặc cùng lứa tuổi. Bên cạnh hiện tượng còi cọc thì những heo này còn hay bị viêm phổi và tiêu chảy, hình dáng xấu xí, lông xù, trông già trước tuổi. Một số con có dấu hiệu lười vận động, da khô, nhăn nheo, có màu xanh, đôi khi có màu vàng, xanh vàng. Một số khác thấy viêm da vành tai và da phía sau đùi, dần dần lan tỏa ra toàn thân.

Thịt và mỡ có màu vàng (gần giống bệnh xoắn khuẩn). Hạch lâm ba sưng to, thấy rõ nhất là hạch bẹn. Lách sưng và cứng. Thận viêm phù nề, sưng to, trên bề mặt có nhiều nốt trắng. Phổi viêm tiết dịch. Các khoang ngực, khoang bụng chứ nhiều dịch thẩm xuất màu đỏ hồng. Ruột luôn bị viêm xuất huyết tăng sinh. Dạ dày có nhiều nốt viêm hoại tử, viêm loét. Trường hợp bị bội nhiễm thì ngoài các bệnh tích kể trên còn kèm theo các biến đổi cơ thể mỗi loại bệnh ghép (bệnh thứ phát).

Phòng bệnh bằng cách dùng vắc-xin.

LỊCH PHÒNG BỆNH TỔNG QUÁT CHO HEO

Độ tuổi

Bệnh cần phòng

Vắc-xin, thuốc thú y liên quan

GIAI ĐOẠN NUÔI HEO CON, HEO THỊT, HEO HẬU BỊ

3 ngày

Thiếu sắt

Tiêm chế phẩm sắt (Prolongal, Ferridex 100, Iron Dextran, Ferro 2000, Dexprol 200)

Cầu trùng

Uống thuốc ngừa cầu trùng(Baycox, Coccistop, Cocci-diostop,...)

 

Từ 14 - 21 ngày

 

Còi cọc trên heo con

 

Tiêm vắc-xin (Ingelvac Circo Flex,...)

 

Từ 14 - 30 ngày

 

Tai xanh (PRRS)

 

Tiêm vắc-xin (JXA1-R,...)

 

21 ngày

 

Viêm phổi do Mycoplasma

 

Tiêm vắc-xin (Respisure-One,...)

 

28 ngày

 

Dịch tả

 

Tiêm vắc-xin (Navetco, Pestiffa, Pestvac, Coglopest,...)

 

35 ngày

 

Phó thương hàn

 

Tiêm vắc-xin (Navetco,...)

 

40 - 45 ngày

 

Tụ huyết trùng (Toi)

 

Tiêm vắc-xin (Navetco,...)

 

50 ngày

 

Tẩy ký sinh trùng

 

Uống hoặc tiêm (Levamisol, Fencare, Ivermectin, Dectomax, Bio-Leva,...)

 

Từ 55 - 60 ngày

 

Tai xanh (PRRS)

 

Tiêm vắc-xin (JXA1-R, ...)

3 tháng

Dịch tả

Tiêm vắc-xin (Navetco, Pestiffa, Pestvac, Coglopest,...)

 

3,5 tháng

 

Tụ huyết trùng (Toi)

 

Tiêm vắc-xin (Navetco,...)

GIAI ĐOẠN NUÔI HEO SINH SẢN

Trước phối

30 ngày

Tẩy ký sinh trùng

Uống hoặc tiêm (Levamisol, Fencare, Ivermectin, Dectomax, Bio-Leva,...)

 

Trước phối

28 ngày

 

Lỡ mồm long móng, Tai xanh

 

Tiêm vắc-xin lỡ mồm long móng (Aftopor ...) + Tiêm vắc-xin tai xanh (JXA1-R,...)

 

Trước phối

21 ngày

 

Dịch tả, tụ huyết trùng

 

Tiêm vắc-xin Dịch tả (Navetco, Pestiffa, Pestvac ...) + Tiêm vắc-xin Toi (Navetco...)

 

Trước phối

14 ngày

 

Siêu vi Parvo

 

Tiêm vắc-xin (Parvovax, Parvo Shield,...) – Cái tơ tiêm mũi thứ 2 sau đó 2 tuần.

       


(HẾT)



Các tin khác: