Hiếu Dân/Phòng TTHL
Tính đến đầu tháng 7/2021, cả nước có 1.419 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) chưa qua 21 ngày tại 27 tỉnh, thành phố với 48.465 con gia súc mắc bệnh trong đó có 7.027 con gia súc chết và tiêu hủy. Tại Long An, vào đầu tháng 7/2021, bệnh VDNC đã được phát hiện tại 02 hộ trên địa bàn xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ với tổng đàn là 16 con bò thịt ở nhiều độ tuổi. Đây là lần đầu tiên bệnh VDNC được phát hiện trong địa bàn tỉnh và là bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan rất nhanh; do đó, để chủ động ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 6200/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 về việc ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Long An năm 2021.
Theo quyết định này, các nội dung có liên quan đến người chăn nuôi đại gia súc bao gồm việc tiêm phòng và cách xử lý khi gia súc có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh. Cụ thể, người chăn nuôi đại gia súc sẽ được hỗ trợ về vắc-xin phòng bệnh VDNC, dự kiến sẽ triển khai thực hiện 1 lần/năm và thực hiện tiêm từ tháng 7 - 8/2021 để kịp thời chủ động ngăn không cho bệnh VDNC trên trâu bò xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Long An. Loại vắc-xin sử dụng tiêm phòng trong đợt này là vắc-xin Lumpyvac (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Mevac LSD (Ai Cập). Đối tượng được nhận hỗ trợ bao gồm các hộ chăn nuôi trâu, bò, bò sữa có quy mô từ 20 con trở xuống và toàn bộ đàn gia súc là các mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP thuộc các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Thủ Thừa. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ vắc-xin miễn phí, chủ hộ chi trả công tiêm phòng. Các hộ chăn nuôi ngoài đối tượng nêu trên thì phải tự mua vắc-xin tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành thú y.
Khi đàn trâu, bò, bò sữa chết có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh như sốt cao, xuất hiện các nốt sần gây tổn thương da, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu thì nhanh chóng báo ngay cho cơ quan thú y địa phương gần nhất để được lấy mẫu xét nghiệm bệnh VDNC. Đồng thời, địa phương sẽ tiêu hủy số trâu, bò, bò sữa đã chết theo đúng quy trình để không làm phát tán mầm bệnh ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm; chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu hủy do bệnh VDNC (hoặc chết do sốc vắc-xin sau khi tiêm phòng) được hỗ trợ với định mức và điều kiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (hoặc khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành).
Ngoài ra, để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò, bò sữa thì các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trâu, bò, bò sữa thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi dưỡng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện tiêu độc, khử trùng định kỳ,... Đặc biệt là tuân thủ yêu cầu tiêm phòng bắt buộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bệnh VDNC./.