*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Chính sách

Tìm hiểu mục tiêu, nội dung và chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Long An


Dương Văn Tuấn/PGĐ Trung tâm 

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2016 - 2020; trong giai đoạn 2021 - 2025 chương trình đặt ra những mục tiêu, nội dung và chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy, nâng cao chất chất lượng chương trình phát triển nông nghiệp UDCNC  nói chung và trên cây lúa nói riêng, cụ thể như sau:

Thứ nhất là, mục tiêu của chương trình đến năm 2025

Diện tích UDCNC, tiên tiến trên cây lúa là 60.000 ha. Xây dựng 07 vùng sản xuất lúa UDCNC đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các mô hình (MH) điểm, mô hình nhân rộng UDCNC; trong đó, đẩy mạnh việc sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,... vào các khâu trong sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra.

Phấn đấu lợi nhuận người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so ngoài vùng. Củng cố các THT, HTX hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện. Có ít nhất 50% HTX sản xuất nông nghiệp UDCNC hoạt động có hiệu quả. Thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Thứ hai là, địa bàn và quy mô thực hiện  

Chương trình được triển khai tại 06 huyện và 01 thị xã, cụ thể là: huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Thứ ba là, nội dung và chính sách hỗ trợ

Nội dung 1: Xây dựng vùng UDCNC trên cây lúa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo chuỗi giá trị

Xây dựng vùng lúa đạt tiêu chuẩn Châu Âu là 1.050 ha: Trong đó, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng mỗi huyện là 100 ha; Mộc Hóa (300 ha), Vĩnh Hưng (300 ha), Kiến Tường (50 ha).

Xây dựng vùng lúa đạt tiêu chuẩn SRP (với 450 ha): Trong đó, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Tân Hưng mỗi huyện 50 ha; Mộc Hóa, Vĩnh Hưng mỗi huyện là 100 ha.

Chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ 70% giá giống lúa từ cấp xác nhận trở lên nhưng không quá 1,2 triệu đồng/ha/vụ. Hỗ trợ 50% giá thuê máy móc thiết bị cơ giới, tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất, không quá 05 triệu đồng/ha/vụ; Hoặc hỗ trợ 40% chi phí mua máy móc thiết bị cơ giới , tự động hóa, công nghệ số,… phục vụ sản xuất, không quá 150 triệu đồng/máy hoặc thiết bị.

 Điều kiện hỗ trợ: Quy mô tối thiểu vùng là 100 ha; Giống lúa nằm trong danh mục được sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam. Danh mục thiết bị, công nghệ theo Quyết định số 130/QĐ-TTG ngày 27/01/2021. Có dự án hoặc hợp đồng tiêu thục, cam kết thu mua của doanh nghiệp về sản phẩm đầu ra.

Nội dung 2: Xây dựng mô hình điểm 2021 - 2025

Mô hình do tỉnh thực hiện (13 mô hình với diện tích là 650 ha): Trong đó, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng mỗ huyện thực hiện 2 mô hình với 100 ha/mô hình; Thủ Thừa thực hiện 1 mô hình với 50 ha/mô hình.

Mô hình do huyện thực hiện (78 mô hình với diện tích là 3.900 ha): Trong đó, Thạnh Hóa (18 MH với 900 ha), Tân Thạnh (36 MH với 1.800 ha), Kiến Tường (10 MH với 500 ha), Vĩnh Hưng (9 MH với 450 ha), Tân Hưng (5 MH với 250 ha).

 Chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ 3 năm liên tiếp thực hiện mô hình. Năm thứ nhất: Hỗ trợ 50% tổng chi phí (mua giống, vật tư; thiết kế, cải tạo ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, hiện đại,…) không quá 300 triệu đồng/MH. Năm thứ hai: Hỗ trợ 30% tổng chi phí (mua giống, vật tư; thiết kế, cải cải tạo ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, hiện đại,…) không quá 200 triệu đồng/MH. Năm thứ ba: Hỗ trợ 20% tổng chi phí (mua giống, vật tư; thiết kế, cải cải tạo ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, hiện đại,…) không quá 100 triệu đồng/MH.

 Điều kiện hỗ trợ: Quy mô tối thiểu của MH là 50 ha. Có phương án, kết hoạch sản xuất 03 năm liên tiếp và được phê duyệt. Duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 03 năm , trường hợp thanh lý trước thời hạn do thiên tai, dịch bệnh không thể duy trì kết quả hỗ trợ thì tổ chức cá nhân phải thông báo đến UBND cấp xã nơi thực hiện mô hình. Giống, phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam. Danh mục trang thiết bị, công nghệ,… nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021.

Nội dung 3 và 4: Duy trì mô hình UDCNC giai đoạn 2016 - 2020 và nhân rộng các mô hình UDCNC do huyện thực hiện

Trên nền tảng các MH có hiệu quả ở giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung tiếp tục hỗ trợ nhằm nâng cấp các MH này sản xuất theo hướng an toàn bền vững, trong đó tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống lúa xác nhận, hỗ trợ chi phí thuê, mua máy cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số,... phục vụ sản xuất.

Chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ 2 năm liên tiếp. Năm thứ nhất: Hỗ trợ 30% tổng chi phí (mua giống, vật tư; thiết kế, cải cải tạo ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, hiện đại,…) nhưng không quá 300 triệu đồng/MH. Năm thứ hai: Hỗ trợ 20% tổng chi phí (mua giống, vật tư; thiết kế, cải cải tạo ruộng; mua hoặc thuê thiết bị công nghệ cao, hiện đại,…) nhưng không quá 200 triệu đồng/MH.

Điều kiện hỗ trợ: Quy mô tối thiểu của MH là 50 ha. Có phương án, kế hoạch sản xuất 02 năm liên tiếp và được phê duyệt. Duy trì kết quả hỗ trợ ít nhất 03 năm, trường hợp thanh lý trước thời hạn do thiên tai, dịch bệnh không thể duy trì kết quả hỗ trợ thì tổ chức cá nhân phải thông báo đến UBND cấp xã nơi thực hiện MH. Giống, phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam. Danh mục trang thiết bị, công nghệ,… nằm trong danh mục khuyến khích ưu tiên hỗ trợ theo quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021./.



Các tin khác: