KỸ THUẬT TRỒNG XOÀI
Cây xoài (Mangifera indica L.) là loại cây ăn trái nhiệt đới quan trọng, có giá trị kinh tế cao, ngoài việc lấy trái ăn tươi hay chế biến thực phẩm, xoài được trồng để lấy gỗ, làm cây bóng mát, cây cảnh và cây che phủ đất, chống xói mòn. Cây xoài có nguồn gốc từ Ấn Độ chạy dài đến Miến Điện và được trồng hơn 4.000 năm nay, được xếp vào nhóm cây chủ lực ở nước ta và một số nước trên thế giới. Cây xoài được trồng phổ biến khắp nơi trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, diện tích trồng tập trung ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Bến Tre, Long An,… chiếm trên 50% so với diện tích xoài cả nước với nhiều giống xoài khác nhau.
Về mặt dinh dưỡng xoài là loại trái cây có nhiều chất dinh dưỡng cần cho con người, nhất là nguồn vitamin A và C. Trái xoài khi chín có màu sắc hấp dẫn, ăn ngọt, mùi thơm ngon và được nhiều người ưa thích.
Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là trên nền đất lúa, người dân cũng đã chú ý phát triển đến cây xoài vì đây là loại cây trồng có khả năng chịu hạn và thích nghi với nhiều loại đất ở vùng gò đồi, đất cát, đất xám bạc màu nghèo dinh dưỡng,… cây xoài vẫn phát triển tốt, cho năng xuất cao và đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.
1. ĐẶC TÍNH SINH THÁI
Khí hậu và đất đai là hai yếu tố quan trọng cho việc canh tác xoài, vì nó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của xoài.
1.1. Nhiệt độ
Xoài là cây trồng ưa nhiệt độ cao, khô nhưng không chịu được lạnh. Cây xoài phát triển tốt ở nhiệt độ từ 18 - 35oC; trong đó, nhiệt độ lý tưởng và thuận lợi nhất để xoài phát triển và đậu trái là 24 - 27oC. Nhiệt độ có ảnh hưởng đến sự ra hoa và chất lượng trái. Khi nhiệt độ cao (46oC) hay nhiệt độ thấp (5 - 10oC) cây xoài vẫn có thể sống được. Tuy nhiên, khi thời gian lạnh kéo dài cây bị ảnh hưởng như rụng lá, rụng hoa, ảnh hưởng đến sự phát triển của trái, nếu nhiệt độ dưới 0oC cây sẽ bị chết.
1.2. Lượng mưa và ẩm độ
Cây xoài chịu hạn tốt nhưng để thu được sản lượng cao cần lượng nước cung cấp cho cây xoài đầy đủ. Đối với những vùng có mùa khô kéo dài với điều kiện có đủ nước tưới thì trái xoài có phẩm chất ngon hơn và năng suất cũng cao hơn.
Lượng mưa và ẩm độ cao là điều kiện để nấm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh xì mủ trái và thán thư. Tỷ lệ đậu trái trên cây bị ảnh hưởng nếu mưa đúng vào lúc hoa nở, vì mưa nhiều làm giảm sự hoạt động của côn trùng thụ phấn. Vì vậy, mùa khô là thời điểm ra hoa tốt nhất đối với cây xoài.
1.3. Gió
Gió là nguyên nhân gây nên rụng hoa, rụng trái, vì vậy khi thu hoạch vườn chuyên canh xoài cần lưu ý đến điều này. Vùng trồng xoài phải chọn nơi tránh ảnh hưởng trực tiếp của bão, lốc xoáy, gió mạnh trên cấp 4, đặc biệt trong khoảng thời gian cây đang mang trái. Nơi chịu ảnh hưởng của gió to theo các đợt gió mùa hàng năm thì phải bố trí hệ thống cây chắn gió hợp lý trước khi trồng. Độ cao của vùng trồng xoài không được vượt quá 600 m so với mực nước biển.
1.4. Đất trồng
Cây xoài phát triển tốt trên đất sét pha cát hay đất thịt thoát nước tốt. So với những loại cây ăn trái khác thì xoài là loại cây ăn trái chịu úng tốt nhất, do nhờ vào bộ rễ kí sinh trên thân ngay chổ mặt nước ngập. Cây xoài chịu được phèn (phèn nhôm) trong đất tương đối khá, nhiều giống xoài mọc tốt ở đất phèn vùng Đồng Tháp Mười của ĐBSCL như giống xoài Bưởi, xoài Thanh Ca, xoài Cát Hòa Lộc,… Tuy nhiên, mặn trong đất là một yếu tố giới hạn sự phát triển của cây xoài nhất là những vùng ven biển. Mực thuỷ cấp không sâu quá 2,5 m, pH từ 5,5 - 7,0 và cần có đê bao chống lũ triệt để cho vườn Xoài.
1.5. Nước
Nhu cầu tổng lượng nước trung bình cung cấp cho 01 ha xoài trên 01 năm khoảng 11.000 m3 bao gồm cả lượng mưa. Sau khi thu hoạch, tưới nước thường xuyên để duy trì độ ẩm cho đất, tưới nước đủ ẩm để rễ dễ phát triển và hạn chế rụng trái non vào mùa khô.
2. GIỐNG VÀ NHÂN GIỐNG
2.1. Giống
Giống xoài rất phong phú và đa dạng, một số giống xoài phát triển tại vùng ĐBSCL và trồng phổ biến như xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Thanh Ca, Xoài Bưởi, xoài thơm,…
- Xoài Cát Hòa Lộc
Đây là giống xoài có nguồn gốc tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang và huyện Cái Mơn tỉnh Bến Tre, được trồng nhiều ở các tỉnh nhưng tập trung nhiều nhất ở Tiền Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Cây sinh trưởng trung bình, cành mọc xiên, tán cây dạng hình tháp. Lá hình lưỡi mác thuôn dài, đuôi lá nhọn, mép lá gợn sóng. Cây được trồng bằng cách tháp nên phát triển khỏe và khá đồng nhất, sau 3 - 4 năm trồng cây cho trái. Thời gian từ trổ hoa đến trái chín từ 3,5 - 4 tháng. So với các giống xoài khác thì xoài Cát Hòa Lộc khó ra hoa và ra hoa không tập trung, dẫn đến số lượng trái trên cây ít và không đồng đều. Do đó, ở các vườn trên 5 năm tuổi người dân sử dụng hóa chất để điều khiển xoài ra hoa theo ý muốn. Đây là giống có phẩm chất trái ngon nhất, khi chín vỏ trái có màu vàng tươi; có phần thịt trái dày, màu vàng, mịn, chắc, hạt nhỏ, không xơ, thơm, độ ngọt cao (độ Brix 20 - 22%), cỡ trái khá to (400 - 500 gram). Tuy nhiên, trái có vỏ mỏng nên khó vận chuyển và xuất khẩu vì dễ bị dập nếu vận chuyển không cẩn thận.
- Xoài Cát Chu
Là giống địa phương có nguồn gốc tại huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, được trồng nhiều ở Đồng Tháp, Tiền Giang và rải rác một số tỉnh khác.
Cây sinh trưởng khỏe, có tán dạng tròn, đâm cành ngang, tán lá dày. Lá thuôn hình lưỡi mác, phẳng, đuôi lá hơi cụt, ngắn, mép lá hơi gợn sóng. Theo màu vỏ trái xoài được phân làm hai giống xoài Cát Chu Trắng và Cát Chu Đen. Giống này dễ ra hoa đậu trái nên có khả năng cho năng suất cao và ổn định. Thời gian từ trổ hoa đến trái chín từ 3,5 - 4 tháng. Sau trồng khoảng 3 - 3,5 năm cây cho trái. Xoài có cỡ trái trung bình (300 - 400 gram), phần thịt trái dày, hạt nhỏ, hương vị thơm, độ ngọt (độ Brix khoảng 14,4%).
- Xoài Bưởi (xoài ghép)
Giống xoài Bưởi có xuất xứ từ huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang, được trồng phổ biến ở tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, nhất là vùng tiếp giáp với Đồng Tháp Mười. Xoài Bưởi thường trồng bằng hạt và cho trái sau 3 năm trồng nên còn có tên là xoài 3 mùa mưa.
Do được trồng bằng hạt nên cây sinh trưởng khỏe, cành mọc xiên, tán cây hình dù. Lá rộng và dài, phiến lá mỏng, đuôi lá hơi cụt. Trái hình thuôn dài, đuôi trái hơi nhọn. Vỏ trái rất dày nên có thể vận chuyển xa. Xoài có phẩm chất không cao nhưng do đặc tính dễ ra hoa đậu trái, thích nghi được ở vùng đất phèn và chịu úng tốt nên diện tích trồng tăng trong những năm gần đây. Xoài có cỡ trái trung bình (300 - 350 gram), thịt trái mỏng và nhão, hạt to, độ ngọt (độ Brix khoảng 12,5%), có mùi nhựa thông ở phần gần vỏ. Cây cho trái rất sớm khoảng 2,5 - 3 năm kể từ khi trồng, cho năng suất cao và ổn định.
- Xoài Thanh Ca
Là giống rất lâu đời, trồng nhiều nhất ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, được trồng xen trong vườn cây ăn quả và vườn xoài ở các tỉnh ĐBSCL.
Cây sinh trưởng trunh bình, cành mọc ngang, tán cây tròn. Lá hẹp và dài, phiến lá dày. Có phẩm chất không cao nhưng có đặc tính thích nghi cao với điều kiện thời tiết và môi trường, xoài dễ ra hoa đậu trái nên năng suất cao hơn các giống xoài khác, đặc biệt là cây có nhiều đợt ra trái trái vụ trong năm. Trái hình trứng dài, có cỡ trái trung bình từ 250 - 300 gram, vỏ trái màu vàng tươi, bóng, thịt trái màu vàng đỏ, ít xơ, thịt trái mịn, có mùi thơm, có độ ngọt hơn giống xoài Bưởi (độ Brix khoảng 13,3 %).
- Xoài thơm
Xoài Thơm có nguồn gốc ở huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Có 2 loại là xoài Thơm Đen có vỏ màu xanh đậm và xoài Thơm Trắng có vỏ xanh nhạt.
Cây sinh trưởng mạnh, cành mọc xiên, tán cây hình dù, lá dày, đuôi lá nhọn. Thời gian từ khi trổ hoa đến khi trái chín khá sớm khoảng 2,5 tháng. Cây sau khi trồng từ 3,5 - 4 năm cây cho trái, giống xoài này cho năng suất khá cao. Trái to, cỡ trái trung bình từ 400 - 500 gram. Thịt trái vàng, thơm, ngọt, dày, dẽ. Trái có phẩm chất thơm ngon nhưng hơi khó vận chuyển và xuất khẩu.
- Xoài Đài Loan
Là giống xoài ăn xanh, có nguồn gốc Đài Loan, rất dễ trồng, thích nghi rộng, cho năng suất cao. Nếu chăm sóc tốt thì sau 2 năm cây cho trái và ra trái rất đều, không cách năm. Cây không ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái cao. Trái khá lớn, trọng lượng trung bình đạt từ 1,2 - 1,5 kg/trái, thịt trái dày, chắc, rất ngọt khi ăn sống và có hạt nhỏ.
2.2. Nhân giống
Hiện nay, các biện pháp nhân giống được áp dụng để sản xuất giống cây xoài là gieo hạt, ghép cành và ghép mắt.
- Nhân giống bằng hạt: đây là phương pháp dễ làm, ít tốn kém, cây có bộ rễ cọc thích hợp với những vùng có mực nước ngầm sâu, vùng nhiều gió. Tuy nhiên, nhược điểm của việc nhân giống bằng hạt là cây con có nhiều đặc điểm khác với cây mẹ, cây không đồng đều về hình dáng và kích thước, cây trồng từ hạt có kích thước lớn về chiều cao và tán cây, thời gian sinh trưởng dài và lâu cho trái hơn cây ghép (ngoại trừ giống xoài Bưởi). Hiện nay, biện pháp này không phổ biến mà hạt được dùng để gieo làm gốc ghép.
- Nhân giống bằng phương pháp ghép: phương pháp này có ưu điểm là cây ghép sinh trưởng phát triển tốt nhờ sự phát triển, hoạt động tốt của bộ rễ gốc ghép; giữ được đặc tính tốt của cây mẹ; cây ra hoa, quả sớm; khả năng cho năng suất cao; trong thời gian ngắn có thể sản xuất được nhiều cây giống; làm cho cây lùn đi hay cao lớn hơn tùy thuộc vào giống làm gốc ghép; lợi dụng các đặc tính tốt của gốc ghép như khả năng chống chịu phèn, mặn, chịu hạn, úng, chống chịu sâu, bệnh,… Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là cây xoài có tuổi thọ ngắn hơn so với cây xoài được gieo từ hạt và giá thành cây giống cao.
Hiện nay, một số cách ghép phổ biến là ghép cành bằng cách chẻ gốc, ghép nối đơn giản, ghép cành chữ U; ghép mắt chữ U và ghép mắt chữ H.
* Yêu cầu của giống xoài làm gốc ghép:
Gốc ghép có vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây xoài ghép. Chọn giống làm gốc ghép phải đạt các yêu cầu sau:
+ Phải sinh trưởng khỏe, nhanh, có khả năng thích ứng rộng với điều kiện địa phương.
+ Có khả năng tiếp hợp tốt với cành ghép.
+ Có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận và sâu bệnh hại.
Lưu ý: Khi ghép cần chọn gốc ghép có đặc điểm thân thẳng, cổ rễ thẳng, đường kính khoảng 1,2 - 1,5 cm và gốc ghép phải có vỏ tróc thật tốt.
* Cách chọn cành, mắt ghép tốt: cành ghép, mắt ghép lấy từ vườn chuyên lấy cành ghép, mắt ghép được chứng nhận và đảm bảo đặc tính giống cây mẹ. Chọn cành lấy mắt ghép nên cắt lá trước một hai tuần để mắt u lên. Chọn những cành có lá thành thục, khoảng 3 - 4 tháng tuổi, cành khỏe không bị sâu bệnh hại tấn công, vỏ cành tróc tốt. Cành ghép được chọn có đường kính tương đương với gốc ghép, cành có màu xanh thành thục và được tỉa bỏ hết lá.
(CÒN TIẾP)