3. KỸ THUẬT TRỒNG
3.1. Thời vụ trồng
Nên trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 5 - 7 dương lịch; tuy nhiên, cũng có thể trồng bất cứ lúc nào trong năm nếu có đủ tưới nước và che mát cho cây.
3.2. Kỹ thuật lên liếp trồng xoài
Có nhiều cách lên liếp khác nhau như:
- Lên liếp theo cách cuốn chiếu (hình 1): Những vùng có lớp đất mặt tốt và lớp đất dưới không xấu lắm thì kỹ thuật lên liếp theo cách "cuốn chiếu" được áp dụng. Đào lớp đất mặt mương để làm chân liếp, sau đó trải lớp đất sâu làm mặt liếp. Cách làm này đỡ tốn chi phí. Tuy nhiên sau đó cần làm mô bằng đất tốt (dùng đất mặt ruộng, bãi sông, bùn mương phơi khô hay đất vườn cũ) để trồng cây. Cũng có thể trồng một vài vụ chuối, cây phân xanh trước khi trồng cây trồng chính.
- Lên liếp theo cách kê đất: Ở những vùng có lớp đất mặt mỏng, lớp đất dưới không tốt, có phèn,... thì có thể lên liếp theo cách kê đất. Đào lớp đất mặt ở mương thứ nhất đưa qua liếp thứ nhất bên trái, sau đó đưa lớp sâu của mương thứ nhất trải lên làm chân liếp thứ hai bên phải, tiếp đến lấy lớp đất mặt ở mương thứ hai trải lên làm mặt liếp thứ hai. Lấy lớp đất sâu của mương thứ hai trải làm chân liếp thứ ba và đào lớp đất mặt mương thứ ba trải lên làm mặt liếp thứ ba; tiếp tục như vậy cho đến liếp cuối cùng.
- Lên liếp theo băng: Đào lớp đất mặt ở mương trải dài thành một băng ở giữa chạy dọc theo liếp, sau đó đào lớp đất sâu của mương ốp vào hai bên băng. Cây được trồng ngay trên băng giữa liếp. Cần lưu ý đắp lớp đất ở hai bên băng luôn luôn thấp hơn mặt băng, để có thể rửa được các độc chất khi mưa, không thấm vào băng.
- Đắp mô: Trong trường hợp đắp thành mô thì lớp đất mặt được tập trung đắp thành các mô để trồng cây ngay sau khi thiết kế (kích thước, khoảng cách tùy theo loại cây trồng), phần đất xấu của mương được đắp vào phần còn lại của liếp và thấp hơn mặt mô.
Điểm quan trọng cần lưu ý khi đào mương lên liếp là không nên đào mương sâu, quá tầng sinh phèn (lớp đất sét màu xám xanh) vì sẽ đưa phèn lên mặt gây độc cho cây. Chiều cao liếp tùy thuộc vào độ ngập sâu nhất trong năm, thường thì chiều cao liếp khoảng 30 cm, kích thước mương phụ thuộc vào địa hình cao hay thấp, tầng phèn sâu hay cạn, thường chiều sâu của mương từ 1 - 1,2 m. Đối với những vùng đất phèn thường chọn kích thước liếp 4 - 5 m, tỷ lệ liếp:mương là 1:1 để thuận lợi cho việc rửa phèn.
3.3. Mật độ và khoảng cách trồng
Tùy theo từng loại đất, giống, phương pháp nhân giống mà khoảng cách cây trồng có thể thay đổi khác nhau cho phù hợp, thuận lợi cho sự phát triển tốt nhất cho cây xoài. Khoảng cách 4 x 5 m/cây hoặc 5 x 6 m/cây tương đương mật độ trồng từ 330 - 500 cây/ha. Vì xoài là cây ưa sáng và có trái ở chồi ngoài tán cây nên không nên trồng quá dày. Nếu trồng dày phải có biện pháp cắt tỉa, tạo hình ngay từ đầu tránh cây giao tán sẽ ra trái ít và sâu bệnh nhiều, việc tỉa cành tạo tán giúp cây xoài nhận được ánh sáng tốt nhất, mới cho năng suất cao.
3.4. Chuẩn bị cây con
Cây con khi đem trồng phải đảm bảo tiêu chuẩn về đường kính cành ghép khoảng trên 1 cm, chiều cao cành ghép khoảng 40 - 50 cm, sạch bệnh, bộ lá trên cây đã thành thục có từ 2 - 3 đợt lộc, lá cây xanh đậm, không có lộc non. Sau khi ghép khoảng 5 - 6 tháng, cây con cao khoảng 60 - 100 cm là có thể đem trồng. Nên chọn cây giống có nhãn hoặc giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của các cơ quan chức năng.
3.5. Chuẩn bị đất trồng và cách trồng
3.5.1. Chuẩn bị đất trồng
Ở những vùng đất thấp trước khi trồng phải lên liếp cao, sao cho mực nước tại thời điểm cao nhất cách gốc ít nhất 1 m. Liếp cao từ 0,5 - 0,8 m, rộng 6 - 7 m. Đối với vùng ĐBSCL đất thấp có nhiều đất sét dễ bị úng nước, nên thiết kế trồng cây trên mô, đường kính mô từ 60 - 80 cm, cao từ 30 - 60 cm. Đất dùng làm mô có thể là đất mặt ruộng, đất mặt vườn cây ăn trái để phơi khô trộn với phân chuồng, tro trấu theo tỷ lệ 2 đất + 1 phân chuồng + 1 tro trấu (phân chuồng hoai mục tối thiểu 20 kg/cây). Tưới nước cho đất mô ổn định vài tuần trước khi đặt cây con. Ngoài ra, nên bón lót thêm từ 200 - 300 gram phân NPK 16-16-8; 0,5 kg lân nung chảy, 1 kg vôi bột ở dưới mỗi hốc và xung quanh bầu cây. Sau đó mỗi năm đắp mô rộng thêm ra theo sự phát triển của bộ rễ.
3.5.2. Cách trồng
Trước khi đặt cây giống cần đào một lỗ nhỏ ở giữa mô, rạch bỏ túi nylon ở đáy bầu đất. Đặt cây giống thẳng đứng vào lỗ trống, rút bầu nylon ra khỏi lỗ, ém đất chặt vừa phải. Sau đó cắm 2 cọc chéo chữ X vào cây và buộc chặt tránh gió lung lay ảnh hưởng đến bộ rễ và làm chết cây. Trồng xong phải tưới nước đủ cho cây, có thể tủ gốc cho cây con trong vài tháng đầu. Sau trồng khoảng 2 tháng, cây ổn định, rạch nylon ở vết ghép để cây sinh trưởng phát triển bình thường.
4. KỸ THUẬT CHĂM SÓC
4.1. Quản lý cỏ dại
Xoài sau khi trồng xong cần phải dùng rơm rạ, cỏ khô tủ một lớp mỏng trên mô giúp cây giữ ẩm, không bị rửa trôi đất, phân bón hữu cơ và hạn chế cỏ dại. Cây còn nhỏ nên làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.
Chú ý: khi tủ nên chừa cách gốc khoảng 10 cm để hạn chế các loại nấm bệnh tấn công gốc. Bên ngoài tán cây, có thể trồng hoa màu để tăng thêm thu nhập hoặc trồng các loại cỏ thích hợp như cỏ Kudzu (cỏ họ đậu cố định được đạm), cỏ Ruzi (cỏ cao sản chịu rợp tốt có thể sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi), cỏ rau trai,… Việc trồng cỏ có nhiều lợi ích như hạn chế sự rửa trôi lớp đất mặt, rễ cỏ còn làm đất thông thoáng vào mùa mưa, tạo điều kiện cho vi sinh vật và trùn đất phát triển, bảo vệ rễ cây trồng. Khi cỏ cao 30 - 40 cm, cần cắt hạ chỉ chừa lại phần gốc cao 3 - 5 cm, cỏ sau khi cắt được phủ lại dưới tán cây hoặc trải đều trên liếp làm phân xanh cung cấp hữu cơ cho cây xoài. Tránh sử dụng thuốc hóa học để diệt cỏ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón phân hóa học phải cân đối.
4.2. Quản lý nước
Mặc dù là cây chịu hạn nhưng nước có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng và cho ra lá non.
Sau khi trồng nên tủ rơm rạ, cỏ khô xung quanh gốc để giữ ẩm và hạn chế bị xói mòn đất khi tưới. Trong mùa nắng tưới 1 - 2 lần/tuần, từ 20 - 40 lít nước trên cây trong một lần tưới.
Cây cần có thời gian ngưng tưới nước giữ đất khô từ 2 - 3 tháng để cây phân hóa mầm hoa. Sau thời kỳ khô hạn cây lại cần nước để ra hoa, trái phát triển nên cần tưới nước liên tục, vào thời điểm này lượng nước cũng góp phần quyết định đến phẩm chất và năng suất trái. Trước khi thu hoạch cần ngưng tưới nước 2 tuần và sau khi thu hoạch phải tưới nước thường xuyên để duy trì ẩm độ đất khoảng 50 - 60% độ ẩm bảo hòa.
4.3. Tỉa cành, tạo tán
Tỉa cành, tạo tán là khâu chăm sóc không thể thiếu trong canh tác xoài hàng hóa, cần phải thực hiện sớm và làm ngay từ đầu. Việc cắt, tỉa phải được thực hiện thường xuyên hàng năm. Dùng kéo cắt cành nhỏ và dùng cưa tỉa cành lớn. Cắt tỉa sẽ tạo cành ngắn lý tưởng, cho cây có dáng thấp dễ điều khiển và nhất là cây thông thoáng ít sâu bệnh. Cách tỉa cành, tạo tán được thực hiện qua các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn kiết thiết cơ bản:
+ Bước 1: Khoảng 1 - 3 tháng sau khi trồng (Khi cây có dấu hiệu bắt đầu đâm chồi mới) cắt ngọn cây cách mặt đất từ 60 - 70 cm. Khi chồi mới hình thành, nên loại bỏ bớt chỉ để lại 3 - 4 chồi khoẻ mạnh, phân bố đều trên cây gọi là cành cấp 1.
+ Bước 2: Khi chiều cao cành 1 từ 60 - 70 cm, cắt ngọn mỗi cành cấp 1 như bước 1. Chỉ để lại 3 - 4 chồi mạnh khoẻ, phân bố đều trên cành cấp 1 và hướng ra phía ngoài tán gọi là cành cấp 2.
+ Bước 3: tương tự như bước 2 để hình thành bộ cành cấp 3.
- Giai đoạn kinh doanh: Việc tỉa cành tạo tán trong thời kỳ kinh doanh thực hiện sau mỗi lần thu hoạch bằng cách tỉa bỏ các phát hoa cũ, cành vượt, cành sâu bệnh, cành ốm yếu,…
Lưu ý: Đối với một số giống có cành mọc thẳng đứng, buộc vật nặng treo trên cành, làm cho cành mọc ngang ra. Khi cành ngang có khoảng 2 - 3 lần đọt, tiếp tục bấm ngọn cành này, giữ lại từ 3 - 4 chồi mọc ra các hướng tạo cân đối cho tán cây. Vị trí phân cành của 3 cành không ở cùng một điểm xuất phát từ thân chính là tốt nhất.
Dụng cụ dùng trong tỉa cành, tạo tán phải được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh qua cây khác.
4.4. Xử lý ra hoa
Do cây xoài chỉ hình thành mầm hoa tự nhiên khi có điều kiện nhiệt độ thấp nên sự ra hoa và tỷ lệ ra hoa của cây xoài phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Ở phía Nam xoài thường ra hoa vào tháng 10 và kết thúc vào tháng 3 dương lịch năm sau. Do đó, để điều khiển cho cây xoài ra hoa ở những thời điểm thích hợp trong năm là biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm điều tiết sản lượng xoài, tránh hiện tượng được mùa rớt giá nhằm ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng xoài.
4.4.1. Các yếu tố ảnh hưởng lên sự ra hoa
- Yếu tố môi trường: là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ra hoa và là bước đầu tiên để đạt được khả năng cho năng suất cao.
+ Nhiệt độ: giữ vai trò rất quan trọng quyết định kích thích sự ra hoa xoài. Nhiệt độ thấp có thể làm phá vở giai đoạn ngủ nghỉ của mầm hoa và làm cho cây xoài trổ bông, những năm không lạnh cây sẽ ra hoa ít và thời gian ra hoa kéo dài.
+ Tạo sự ngập úng: là một yếu tố gây “sốc” kích thích sự ra hoa trên cây xoài. Những vùng bị ảnh hưởng của lũ, cây xoài thường ra hoa sớm và dễ kích thích xoài ra hoa hơn các vùng khác.
+ Tạo sự khô hạn: biện pháp “xiết nước” để gây “sốc” cho cây ra hoa, nhưng trên cây xoài ảnh hưởng này không cao hơn so với biện pháp tạo sự ngập úng.
- Giống: Sự ra hoa của xoài phụ thuộc nhiều vào đặc tính giống. Các giống xoài như: xoài Bưởi, xoài Cát Chu dễ kích thích ra hoa hơn xoài Cát Hòa Lộc.
- Tuổi cây, cành: cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây xoài. Tùy theo tuổi cây mà áp dụng biện pháp kích thích ra hoa khác nhau vì cây xoài tơ ra hoa chưa ổn định nên khi xử lý ra hoa thì tỷ lệ ra hoa sẽ thấp và không cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với tuổi cành thì cành còn non kích thích xoài sẽ ra đọt, trái lại cành già (lớn hơn 10 tháng tuổi do hình thành từ năm trước) thì miên trạng rất sâu nên khó kích thích ra hoa. Xoài cát Hòa Lộc kích thích ra hoa đạt hiệu quả cao khi cành 1,5 - 2 tháng tuổi lúc lá chuyển từ màu xanh nhạt sang màu xanh, lá còn dẻo. Đối với xoài Cát Chu, xoài Bưởi, xoài Thơm có thể kích thích ra hoa khoảng 4 - 5 tháng tuổi khi lá đang chuyển sang màu xanh đậm.
- Tình trạng sinh trưởng và năng suất năm trước của cây: có ảnh huởng rất lớn lên sự ra hoa của cây xoài.
+ Cây xoài bị kiệt sức do đậu trái quá nhiều hoặc cho năng suất cao trong năm trước sẽ làm giảm khả năng đâm chồi và phân hóa mầm hoa ở năm tiếp theo. Do đó, những năm cây đậu trái quá nhiều cần phải tỉa bớt trái và phải bón phân nhiều hơn để cây không bị suy kiệt ở năm tiếp theo.
+ Đối với cây cho trái ít ở năm trước hoặc cây đang phát triển thân lá mạnh rất khó xử lý ra hoa, nên hạn chế bón lượng phân đạm, kết hợp với phương pháp tạo sự khô hạn và sử dụng Uniconazole giúp cho cây xoài ra hoa tốt hơn.
4.4.2. Các biện pháp xử lý ra hoa
Có nhiều cách để xử lý ra hoa xoài như sau:
- Biện pháp khoanh nhánh (hay thân) tạo vết thương trên thân. Khoanh trên thân 60 - 75 ngày trước khi phun Nitrat kali sẽ làm tăng tỷ lệ ra hoa và thu hoạch sớm hơn cây không xử lý 23 ngày. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này thì làm sự phát triển thân, lá của cây sẽ yếu hơn so với cây bình thường và dịch hại dễ tấn công.
- Biện pháp xử lý hóa chất: sử dụng hóa chất Uniconazole kích thích xoài tạo mầm hoa, sau đó kích thích xoài trổ hoa bằng hóa chất có tác dụng phá miên trạng mầm hoa như nitrate kali, đồng thời chất này cũng được dùng để kích thích cây xoài ra chồi đồng loạt.
4.5. Bao trái
Bao trái là biện pháp cho hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự tấn công của các loài côn trùng, nấm bệnh gây hại như sâu đục trái, ruồi đục trái, rệp sáp, bệnh thán thư, bệnh nứt trái xì mủ,… đặc biệt là ruồi đục trái. Đồng thời việc bao trái giúp ngăn cản sự tổn thương do va chạm giữa các trái với nhau và tránh sự tác động trực tiếp của mưa, gió mạnh, nhằm giữ cho trái xoài đẹp không bị khuyết tật.
Trước khi bao trái cần tiến hành tỉa trái, loại bỏ những trái đèo, trái bị sâu, bệnh tấn công,… nên chọn những trái phát triển đều đặn để tiến hành bao trái, để 2 - 4 trái/cuống. Việc bao trái được tiến hành vào giai đoạn 30 - 45 ngày sau khi đậu trái. Khi bao trái xếp miệng bao gọn gàng, kín và tạo thành hình mái nhà để không cho nước vào tiếp xúc với trái xoài.
Bao trái sẽ hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 - 7 lần/vụ, giúp hạn chế tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên trái và giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời bao trái còn giúp vỏ trái bóng đẹp, có chất lượng, bán được giá cao, góp phần đưa trái xoài nước ta xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.
5. PHÂN BÓN VÀ CÁCH BÓN PHÂN
5.1. Vai trò của các loại phân bón đối với cây xoài
- Đạm: đạm là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy phát triển thân, lá; rất cần cho sự ra hoa và đậu trái của xoài; quyết định kích thước và phẩm chất trái xoài. Việc bón đạm cho xoài qua đất dưới sự hấp thu của rễ cũng thúc đẩy sự ra hoa nhưng không tập trung như phun qua lá.
- Lân: hàm lượng chất lân trong chồi cao sẽ thúc đẩy sự phân hóa mầm hoa, nhưng nếu nồng độ chất lân thấp sẽ không thúc đẩy sự ra hoa.
- Kali: là yếu tố quan trọng thứ hai sau đạm ảnh hưởng lên sự ra hoa của xoài. Bón đạm kết hợp với kali sẽ giúp cải thiện đáng kể sự ra hoa, khả năng đậu trái và phẩm chất trái xoài.
- Canxi: cần thiết cho sự phát triển vách tế bào thực vật, điều hòa pH đất tại vùng rễ, giúp các chồi non phát triển tốt, nâng cao năng suất, phẩm chất và hạn chế nứt trái. Canxi còn giúp cây giải độc, tăng khả năng chống chịu phèn mặn; kích thích hoạt động của vi sinh vật; giúp cây dễ hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Ngoài ra xoài còn cần thêm một số chất khác như: Magiê, Kẽm, Đồng, Sắt, Mangan, Bo và Molipden,...
- Phân hữu cơ: ngoài cung cấp dinh dưỡng thì phân hữu cơ còn giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm tốt. Từ đó giúp rễ cây dễ phát triển, giúp hấp thu tốt các phân hoá học và tạo môi trường thuận lợi cho nhiều vi sinh vật có ích phát triển đối kháng với nấm bệnh. Nên bón phân hữu cơ một năm 02 lần vào đầu mùa mưa và bón mép ngoài của mô cùng với thời điểm bồi đắp mô trồng, bón từ 20 - 30 kg/gốc/năm. Có nhiều loại phân hữu cơ như phân chuồng đã ủ hoai (phân bò, phân gà,…) hoặc các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh do các công ty sản xuất.
5.2. Kỹ thuật bón phân
Phân bón là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc cho trái cách năm của cây xoài. Sau năm xoài cho năng suất cao nếu bón thiếu phân và nước tưới trong mùa khô, xoài sẽ ra hoa ít và rụng nhiều vào năm sau. Lượng phân bón tùy thuộc vào tuổi cây, độ màu mỡ của đất đai và tình trạng sinh trưởng của cây. Cách bón phân cho cây xoài như sau:
Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây xoài chưa cho trái): đào 4 - 5 lỗ xung quanh gốc và cách gốc theo hình chiếu của tán cây, bón phân và lấp phân, số lần bón được chia làm 2 đợt bón trong năm (tháng 4 - 5 và tháng 11 dương lịch) với lượng phân bón trung bình cho 1 cây trên 1 năm: 20 - 30 kg phân hữu cơ kết hợp với khoảng 200 - 300 gram phân NPK 16-16-8 và 100 - 200 gram phân urea hoặc hòa tan 01 muỗng canh phân NPK 16-16-8 và nửa muỗng urea cho 01 thùng 10 lít nước, tưới vào 5,6 gốc cây, định kỳ 30 ngày tưới 01 lần.
Thời kỳ kinh doanh (Cây xoài cho trái ổn định): Bón phân theo công thức 1,09 N - 0,9 P2O5 - 0,96 K2O (kg NPK/ cây/ năm) được chia cụ thể như sau:
- Giai đoạn sau khi thu hoạch bón theo công thức: 0,55 N - 0,3 P2O5 - 0,24 K2O (kg NPK/ cây/ năm) (tương đương phân urea 1,2 kg/cây/năm; lân nung chảy 2,3 kg/cây/năm; phân kali Clorua 0,4 kg/cây/năm)
- Trước khi xử lý ra hoa 30 ngày, bón theo công thức: 0,18 N - 0,3 P2O5 - 0,24 K2O (kg NPK/ cây/ năm) (tương đương phân urea là 0,4 kg/cây/năm; lân nung chảy là 2,3 kg/cây/năm; phân kali Clorua là 0,4 kg/cây/năm).
- Sau khi đậu trái 2 tuần, bón phân theo công thức: 0,36 N - 0,3 P2O5 - 0,48 K2O (kg NPK/ cây/ năm) (tương đương phân NPK 20-20-15 là 1,5 kg/cây/năm; phân urea là 0,13 kg/cây/năm; phân kali Clorua là 0,425 kg/cây/năm).
Lưu ý: Liều lượng phân bón này có thể thay đổi tùy vào tuổi cây, độ màu mỡ của đất và tình trạng sinh trưởng phát triển của cây xoài mà gia giảm lượng phân cho phù hợp, năm cây xoài cho năng suất cao thì phải bón nhiều hơn năm cây cho năng suất thấp, đặc biệt là phải bón đầy đủ ở giai đoạn sau khi thu hoạch.
5.3. Cách bón phân
Để giúp cây hấp thu tốt hơn và tránh bị rửa trôi nên đào hốc, rãnh bón phân đều xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây cách gốc 0,5 m và tưới nước đủ ẩm, nếu đất quanh rễ bị nén dẽ có thể dùng cào xới nhẹ trước khi bón phân. Sau khi bón và lấp phân xong cần tưới nước và tủ cỏ giữ ẩm hạn chế sự thất thoát phân do nước mưa và nắng nóng.
(Còn tiếp)