*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng xoài (Phần cuối)


6. QUẢN LÝ DỊCH HẠI

Cây xoài có nhiều loài sâu bệnh hại tấn công nhất là trong điều kiện mùa mưa, xoài là cây cao to, bộ lá xanh quanh năm; do đó không trồng xoài quá dày, đặc biệt chú ý đến biện pháp tỉa cành, tạo tán để thuận tiện trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại. Sâu bệnh tấn công gây thiệt hại nặng nhất ở giai đoạn cây ra đọt non và lúc xoài trổ bông. Vì vậy, cần có biện pháp phòng trừ cụ thể nhất là đối với những loài sâu bệnh hại nguy hiểm.

  6.1. Sâu hại

Trên cây xoài có nhiều loài sâu hại, dựa trên tính chất gây hại mà chia sâu hại thành 04 nhóm chính như: Nhóm sâu hại ngọn non, hoa, quả: ruồi đục trái, sâu đục cành non, sâu đục trái, sâu ăn bông, bọ trĩ;  Nhóm sâu ăn lá như bọ cắt lá, câu cấu xanh, câu cấu xám, các loại bù rầy ăn lá; Nhóm côn trùng chích hút như rầy bông xoài, ghẻ xoài, các loài rệp sáp giả; Nhóm sâu đục ngọn cây và thân cành như sâu đục cành non, các loài xén tóc, mối gốc. Trong đó, một số loài sâu hại phổ biến ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và phẩm chất trái của cây cần đặc biệt lưu ý như sau:

6.1.1.  Ruồi đục trái (Bactrocera sp.)

Loài ruồi này có nhiều loài gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau như xoài, nhãn, mận, ổi,… Đây là đối tượng trong kiểm dịch thực vật khi xuất nhập khẩu của các loại trái cây.

Ruồi trưởng thành dài 7 mm giống ruồi nhà, ngực có màu nâu đỏ, cánh trong suốt, lưng bụng có sọc đen, chân màu vàng. Trứng hình quả chuối dài 1 mm có màu trắng ngà sau chuyển sang màu vàng nhạt. Ấu trùng thuộc dạng dòi không chân. Khi trưởng thành dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất quanh gốc cây hóa nhộng, nhộng có màu đỏ nâu, sau đó vũ hóa chui lên mặt đất.

Triệu chứng và cách gây hại

Loài ruồi này thường hoạt động vào ban ngày, đẻ trứng lên trái phần tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả, dòi nở ra đục vào trong ăn phần thịt trái, vỏ trái, nơi ruồi đục vào có màu đen, mềm, ứ nhựa, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công làm thối trái và có thể bị rụng hoặc trái vẫn đeo trên cây. Trái xoài bị ruồi đục làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng và không xuất khẩu được. 

 Biện pháp phòng trừ

- Áp dụng biện pháp bao trái; đây là biện pháp cho hiệu quả cao trong phòng ngừa ruồi đục trái hiện nay.

- Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây.

- Vệ sinh vườn, thu gom toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây đem tiêu hủy vì là nơi dòi còn lưu tồn trong trái.

- Dùng bẩy dẫn dụ có chất Methyl Eugenol hoặc phun bả mồi Protein thủy phân trộn với thuốc hóa học có hoạt chất Lambda-cyhalothrin (Karate 2.5EC, Katedapha 25EC,…),… để dẫn dụ và diệt ruồi trước khi con ruồi cái đẻ trứng lên trái, chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây để dẫn dụ, nên phun vào khoảng 8 - 10 giờ sáng.

Hoặc có thể phun thuốc có hoạt chất Cyromazine (Roninda 400SL, Trigard 100SL,…), hay phun dầu khoáng Petroleum spray oil (SK Enspray 99EC Citrole 96.3EC, …). Nên phun làm 2 lần trong giai đoạn cho trái, lưu ý thời gian cách ly in trên bao bì.

6.1.2.  Sâu đục trái (Deanolis albizonalis)

Đây là loài có thể gây hại ở mọi giai đoạn phát triển của trái. Bướm có màu nâu đỏ, thân có những khoang trắng đỏ xen kẻ nhau. Trứng có hình bầu dục, màu sắc có thể thay đổi từ trắng đến nâu nhạt và trở nên sậm khi sắp nở. Sâu mới nở dài khoảng 3 - 5 mm, có những khoang trắng đỏ trên lưng. Nhộng dài từ 11 - 12 mm lúc đầu có màu vàng lợt, dần chuyển sang màu nâu.

Triệu chứng và cách gây hại

Bướm đẻ trứng trên trái xoài non giai đoạn từ 30 - 45 ngày sau khi đậu trái, ở phần đít trái, sâu non sau khi nở đục một lổ nhỏ và chui vào trong ăn phần thịt trái, sâu lớn tấn công vào ăn hạt xoài, làm trái bị biến dạng. Trái bị đục vào có vết nứt tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập làm thối trái, trái non rụng nhiều, khi cắt trái xoài sẽ thấy có sâu nằm bên trong.

Biện pháp phòng trừ

- Áp dụng biện pháp bao trái từ khi trái còn nhỏ.

- Vệ sinh vườn, thu gom những trái bị hại đem tiêu hủy để loại bỏ nguồn sâu trong trái.

- Cần phát hiện sớm và phun thuốc kịp thời, nhằm diệt sâu khi mới chui vào trái. Có thể dùng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Lambda-cyhalothrin (Karate 2.5EC, Katedapha 25EC,…), Cartap (Padan 95SP, Supertar 950SP,…),… để phun xịt sâu hại.

6.1.3.  Rầy bông xoài (Idioscopus spp.)

Là côn trùng gây hại phổ biến khi xoài ở giai đoạn ra bông và trái non. Thành trùng có màu xanh nâu hay xanh nhạt. Trứng được đẻ thành từng đám trong nụ bông, gân lá, phiến lá, mới đẻ có màu trắng, sau đó màu trắng sữa. Ấu trùng có màu sắc biến đổi từ trắng đến xanh hoặc vàng đen. Mật số rầy gia tăng khi bắt đầu trổ bông và đạt cao nhất lúc hoa nở, sau đó giảm dần. Khi trái đã lớn cở ngón tay cái thì không còn rầy nữa.

 Triệu chứng và cách gây hại

Gây hại trên các bộ phận non như bông, đọt, lá và trái non; rầy chích hút làm lá không phát triển, lá bị cong, rìa lá khô, phát bông bị khô, trái không phát triển và rụng đi. Rầy còn tiết ra mật đường làm cho nấm bồ hóng phát triển mạnh gây đen bông và trái. Khi vào vườn xoài có rầy hiện diện sẽ nghe những tiếng động nhỏ do rầy di chuyển nên rất dễ phát hiện.

Biện pháp phòng trừ

- Sau khi thu hoạch trái cần tỉa cành tạo điều kiện cho vườn thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy.

- Một số loài thiên địch của rầy bông xoài như: bọ xít ăn thịt (Revudiidae), ong ký sinh và nấm Verticellium lecaniiHirsutella sp.,…

- Những vùng thường xuyên bị rầy, cần phun ngừa lúc xoài vừa ra nụ hoa, khi phát hiện có rầy trên lá. Có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Buprofezin (Applaud 25WG, Map-Judo 25WG,….), Thiamethoxam (Actara 25WG, Fortaras 25WG,…), Pymetrozine (Chess 50WG, Cheestar 50WG,…),... để phun xịt rầy.

6.1.4.  Rệp sáp (Pseudoccoccus sp.)

Có nhiều loài rệp sáp gây hại trên Xoài nhưng quan trọng là loài gây hại trên trái vì chúng gây ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và giá trị của trái. Rệp sáp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, gây hại nặng trong mùa khô hanh khi cây bị thiếu nước do rệp tập trung phá hại ở phía gốc cây và cuống trái.

Rệp sáp có hình bầu dục, có nhiều sợi sáp màu trắng. Nếu gạt lớp bột sáp ra cơ thể có màu vàng nhạt. Rệp cái không có cánh, rệp đực nhỏ hơn có cánh. Trứng có màu trắng trong, được đẻ thành bọc, phía ngoài bọc có lớp sáp bông trắng bao phủ. Rệp non lúc mới nở có màu xám. Rệp sáp sinh sản rất nhanh. Rệp cái đẻ trứng thành từng ổ, một con cái đẻ khoảng 300 - 400 trứng, tỷ lệ nở của trứng khá cao khoảng 80% trở lên. Rệp sáp đẻ trứng sớm, từ khi bắt đầu đẻ đến lúc ngưng đẻ và chết là khoảng 20 - 30 ngày.

Rệp sáp ở mặt dưới lá, chích hút nhựa lá non, cuống trái, chất thải của rệp tạo điều kiện nấm bồ hống phát triển làm cho trái chậm lớn. Rệp sáp ít di chuyển, phần lớn nhờ vào một số loài kiến tha đi (kiến hôi, kiến cao cẳng,…).

Biện pháp phòng trừ

 - Cắt tỉa tiêu hủy cành lá bị hại và tạo điều kiện cho vườn thông thoáng.

- Bảo vệ và tạo điều kiện thích hợp để một số loài thiên địch phát triển như: ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa,... để hạn chế rệp sáp.

- Có thể dùng các loại thuốc hóa học có hoạt chất như Imidacloprid (Confidor 200SL, Conphai 100SL,…), Carbosulfan (Marshal 200SC, Vifu-super 5GR,…), Thiamethoxam (Actara 25WG, Fortaras 25WG,…),… để trừ rệp sáp, hoặc sử dụng dầu khoáng Petroleum spray oil (Citrole 96.3EC, DK-Annong Super 909EC,…) để làm ngạt thở hoặc làm giảm khả năng đẻ trứng của con cái.

6.1.5. Bọ cắt lá (Deporaus marginatus): 

Thường gây hại nặng trong vườn ươm cây con hoặc ở vườn xoài mới ra đọt non vào mùa khô. Thành trùng là bọ cánh cứng màu nâu vàng, đầu và ngực màu đỏ cam, miệng là cái vòi dài. Trứng được đẻ rải rác ở mặt dưới lá, dưới lớp biểu bì gần gân lá, trứng nở trong 2 ngày, ấu trùng có 3 ngày tuổi sống trong đường hầm trên lá trong 7 ngày, sau đó hóa nhộng dưới đất.

Triệu chứng và cách gây hại

Thành trùng thường đẻ trứng trên bìa lá non vào ban đêm, sau đó bọ cắn lá như cắt ngang chừa 1/3 lá trên cây, trứng sẽ theo 2/3 lá cắt rơi xuống đất, sau 2 ngày ấu trùng sẽ nở ra, ăn phần lá rơi. Bọ cắt lá gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và ra hoa rất lớn, do làm giảm diện tích lá trên chồi nhất là giai đoạn cây ra đọt non.

Biện pháp phòng trừ

- Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt.

- Thu dọn các lá bị hại trong vườn đem tiêu hủy. Với vườn bị nhiễm nặng nên cày đất dưới tán cây, phun thuốc diệt nhộng.

- Có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất để diệt bọ trưởng thành như Emamectin benzoate (Map Winner 5WG, Proclaim 1.9EC,…), Lambda-cyhalothrin Karate 2.5EC), Cypermethrin (Sherpa 25EC, Secsaigon 25EC,…),…. để phun  xịt.

 6. 1.6.  Bọ trĩ (Bù lạch) (Scirtothrips dorsalis Hood)

Bọ trĩ đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới lá. Trứng hình bầu dục có màu vàng nhạt. Ấu trùng tuổi 1 có cơ thể trong suốt, sang tuổi 2 ấu trùng đã có kích thước của thành trùng. Nhộng có màu vàng sậm. Con trưởng thành có kích thước rất nhỏ 0,1-0,2 mm, khó nhìn thấy bằng mắt thường, màu vàng cam. Bọ trĩ phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng và sinh sản rất nhanh nên rất mau kháng thuốc.

Con trưởng thành và ấu trùng đều tập trung ở bộ phận non của cây như đọt non, lá non, hoa và trái để chích hút nhựa. Trên lá non làm lá thâm đen và cong queo, mép lá cụp xuống, trên trái tạo thành vùng da cám xung quanh cuống trái và tạo vết thương giúp vi khuẩn xâm nhập gây bệnh xì mủ trái, gây hại nặng có thể làm cho cả hoa xoài cháy khô, toàn bộ lá bị rụng.

Biện pháp phòng trừ

 - Dùng vòi nước áp lực cao phun phía dưới mặt lá có thể hạn chế sự phát triển của Bù lạch.

- Dùng dầu khoáng kết hợp với các loại thuốc có hoạt chất như Imidacloprid (Confidor 200SL, conphai 100SL,…), Thiamethoxam (Actara 25WG, Fortaras 25WG,…), Pymetrozine (Chess 50WG, Cheestar 50WG,…),… phun lúc cây ra đọt và lá non để trị bọ trĩ đồng thời giúp ngừa được cả rầy bông xoài và sâu đục đọt xoài, không phun dầu khoáng giai đọan hoa đang nở. Phun đồng loạt trên khu vực rộng sẽ có hiệu quả cao hơn.

Lưu ý: cần phải thường xuyên luân phiên các hoạt chất thuốc với nhau để ngăn chặn hiện tượng kháng thuốc.

6.1.7.  Xén tóc hại thân cành (bù xòe)

Có hai loại phổ biến: xén tóc lớn (Plocaederus ruficoruis) và xén tóc nhỏ (Niphonoclea  albata).

+ Xén tóc lớn: Trưởng thành có thân mình cứng, màu nâu sậm, dài khoảng 30-35mm. Chân và râu màu nâu đỏ, râu cứng và dài hơn cơ thể. Con cái đẻ trứng vào các vết nứt của cây hoặc ngay chảng cây. Ấu trùng màu trắng, dài khoảng 50 - 60 mm, đầu rất nhỏ so với mình. Ấu trùng đủ lớn chui ra làm nhộng ngay ở dưới vỏ cây. Nhộng được bao bọc bởi một kén trắng to, có cấu tạo bằng calcium rất cứng.

Triệu chứng và cách gây hại

Loài này gây hại trên thân chính hoặc nhánh lớn thường làm chết nhánh hoặc suy yếu cả cây. Ấu trùng khi nở ra chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm trong thân cây và cành cây, ăn phá ở đó. Giai đoạn ấu trùng kéo dài thì sức phá hại của chúng rất lớn và trong một cây có thể có nhiều con gây hại cùng một lúc. Loài này thường tấn công cây lớn khoảng 10 năm tuổi. Rất khó để phát hiện triệu chứng gây hại vì loài này trong quá trình ăn không thải phân ra ngoài, thường chỉ phát hiện khi ấu trùng đã vũ hóa và qua sự hiện diện của các lổ đục. Trên cành bị đục có nhiều lổ nhỏ từ đó mủ chảy ra.

+ Xén tóc nhỏ: Trưởng thành có thân mình dài khoảng 20 mm, màu nâu đen. Loài này thường đẻ trứng vào đầu mùa nắng, trên các đọt vừa già, chuẩn bị ra bông hoặc lá non. Ấu trùng có màu trắng, đầu tròn. Sâu non hoá nhộng trong một bao nằm bên trong lớp vỏ cây.

Triệu chứng và cách gây hại

Con trưởng thành dùng hàm cắn vòng chung quanh đầu cành, cách chồi khoảng 40 - 50 mm rồi đẻ trứng vào đó. Sâu non đục vào đầu cành làm đoạn cành này rụng lá và khô chết. Triệu chứng để nhận biết loài này là đọt xoài bị khô héo và có đường đục ở bên trong. Loài sâu này thường gây hại trên xoài tơ.

Biện pháp phòng trừ

Rất khó để phòng trị các loài xén tóc vì ấu trùng ở sâu bên trong. Có thể phòng ngừa bằng cách sau:

+ Hạn chế chặt hoặc lột vỏ gốc cây để kích thích cây ra hoa, vì đó là điều kiện cho xén tóc đẻ trứng trên thân cây.

+ Xén tóc rất thích ánh đèn vì thế có thể dùng bẩy đèn để bắt trưởng thành vào đầu mùa mưa.

+ Khi phát hiện lổ đục trong cành, thân có thể dùng dây kẽm soi lổ đục, dùng bông gòn thấm thuốc nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại. Nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi như: Carbosulfan (Marshal 200SC, Vifu-super 5GR,…), Diafenthiuron (Pegasus 500SC, Pesieu 500SC,…). Sau khi nhét bông thuốc vào lổ đục trên cành hoặc thân nên quét thuốc gốc đồng như Copper Oxychloride + Zineb (Zincopper 50WP), Cuprous Oxide (Norshield 86.2WG),… để phòng các loại bệnh tấn công qua lổ đục.

6.1.8. Vòi voi hại ngọn và cành non (Sybulus sp.)

Trong vườn xoài, loài này có thể tấn công đến 100% số cây trong vườn và 80% số chồi trên cây, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đậu trái và năng suất xoài. Thành trùng có thân hình bầu dục tròn, dài 4 - 5 mm, màu nâu, lưng cong, vòi dài rất cong làm thành một góc 45 - 50o so với bề ngang của đầu. Ấu trùng màu trắng, đầu màu nâu vàng, không chân.

Triệu chứng và cách gây hại

Con cái đẻ trứng trên các chảng ba của cây hoặc trong các khe nứt trên thân cây. Sau khi nở ấu trùng đục vào trong thân cây, chủ yếu chỗ phân nhánh, tại vị trí có thể phát hiện 1 - 3 con. Khi bị tấn công, mạch dẫn nhựa bị phá hủy dẫn đến cành và lá sau đó sẽ khô và chết.

 Biện pháp phòng trừ

Thăm vườn thường xuyên nhất là giai đoạn xoài ra đọt non, phát hiện kịp thời sâu hại, có thể tách vỏ nơi ấu trùng đục và bắt ấu trùng giết. Nếu cây bị hại nặng thì nên cắt những cành bị bọ vòi voi gây hại, thu gom tiêu hủy để diệt ấu trùng.

Khi phát hiện ở chảng ba cành non có bọ trưởng thành có thể dùng các loại thuốc lưu dẫn như Permethrin (Permecide 50EC, Map-Permethrin 50EC,…), Cypermethrin (Cyperan 10EC, Cyperkill 25EC,…),…. để phun xịt.

6.2. Bệnh hại xoài

Trên cây xoài có nhiều bệnh hại như bệnh thán thư, bệnh thối trái khô đọt, bệnh đốm da ếch vỏ trái, bệnh phấn trắng, bệnh nấm hồng, bệnh xì mủ trái, bệnh đốm rong,…Trong đó, một số bệnh chính cần lưu ý như sau:

6.2.1. Bệnh thán thư

Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa, những ngày có sương mù hoặc có mưa nhỏ kéo dài nhất là mưa đêm. Bệnh gây hại trên lá, cành non, phát hoa và tất cả các giai đoạn phát triển của trái. Trên lá non, vết bệnh ban đầu như mũi kim màu xanh đậm; sau chuyển nâu, to dần, ở giữa bị khô và rách, có thể làm lá bị biến dạng. Hoa, trái non bị đen sau đó khô và rụng. Trái lớn có những vết đen lõm tạo thành những vòng đồng tâm.

Biện pháp phòng trừ

 - Vệ sinh, tạo thông thoáng cho vườn tránh sự lây lan của bệnh. Xử lý cho cây ra đọt non đồng loạt để dễ dàng phòng trị. Trong các đợt cây ra đọt non, bông, trái non cần chú ý đến bệnh; đặc biệt trong mùa mưa nếu thấy bệnh xuất hiện cần phun thuốc để phòng trừ.

- Cắt tỉa và tiêu hủy các lá, cành, trái bị bệnh. Không nên tưới nước lên tán cây khi cây bị bệnh. Sau giai đoạn rụng sinh lý của trái, có thể áp dụng biện pháp bao trái.

- Khi phát hiện bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như: Azoxystrobin (Amistar 250SC, Envio 250SC,…), Metalaxyl (Metaxyl 500WP, Vilaxyl 35WP,…), Mandipropamid + Chlorothalonil (Revus Opti 440SC),… để phòng trừ bệnh.

6.2.2.  Bệnh thối trái, khô đọt

Do nấm Diplodia natalensis gây ra. Bệnh gây hại trong điều kiện nóng ẩm, nhất là trong mùa mưa, ở phần đọt có những đốm nhỏ sậm màu, lan dần ra các cành non, cuống lá biến thành màu nâu, phiến lá cong lên; cành khô và đôi khi có hiện tượng chảy nhựa. Chẻ dọc cành bị bệnh có thể thấy bên trong có các sọc nâu do các mạch dẫn nhựa bị hư. Trên trái, bệnh tấn công vào giai đoạn thu hoạch và tồn trữ, làm thịt trái bị chai sượng, bên trong thịt trái ta thấy những sọc đen chạy dọc theo trái.

Biện pháp phòng trừ

- Khi thu hoạch nên chừa cuống trái khoảng 5 cm, không làm xay xát trái trong khi thu hoạch cũng như lúc vận chuyển. Không thu hoạch trái lúc sáng sớm hoặc sau mưa.

- Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Mandipropamide + Chlorothalonil (Revus Opti 440SC), Mancozeb (Dithane M-45 80WP, Manozeb 80WP, …),… để phun phòng khi cây ra đọt non. Dùng Bordeaux phun định kỳ lúc phát hiện bệnh.

6.2.3.  Bệnh đốm da ếch vỏ trái

Do nấm Chaetothyrium sp. gây ra. Bệnh thường gây hại trên Xoài Bưởi, Xoài cát Hoà lộc, Xoài thơm,... bệnh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao. Bệnh nhiễm rất sớm khi trái còn non, thường bắt đầu từ cuống trái và lan dần xuống bên dưới. Vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ màu đen, tròn, sau đó lan dần ra và tạo thành các đốm màu đen rải rác trên vỏ trái Xoài. Bệnh thường không làm hư trái mà làm giảm giá trị thương phẩm, bệnh nặng sẽ làm hư vỏ trái.

Biện pháp phòng trừ

- Áp dụng biện pháp bao trái và vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn. 

- Phun thuốc có hoạt chất: Mandipropamid + Chlorothalonil (Revus Opti 440SC)  ở 15 ngày trước khi thu hoạch.

6. 2.4. Bệnh phấn trắng

Do nấm Oidium mangiferae gây ra. Nấm bệnh phát triển tạo thành lớp phấn trắng trên lá non, phát hoa và trái non. Bệnh thường phát triển từ ngọn của phát hoa, lan dần đến cuống hoa, trái non, lá non và cành. Thường hoa bị nhiễm bệnh trước khi thụ phấn và trái bị nhiễm bệnh sẽ bị biến dạng, méo mó, nhạt màu, bị khô và rụng sớm. Bệnh gây thiệt hại nặng nhất trong giai đoạn trổ hoa đến đậu trái, trong điều kiện nóng ẩm và có sương đêm, bệnh sẽ bộc phát và lây lan nhanh. 

Biện pháp phòng trừ

- Cắt tỉa cành, tạo tán cho cây phát triển mạnh, cung cấp phân bón đầy đủ. Thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện bệnh trong giai đoạn cây ra bông và đậu trái non.            

- Có thể bao trái khi xoài hết giai đoạn rụng sinh lý để phòng ngừa nấm bệnh.    

- Khi phát hiện bệnh có thể sử dụng thuốc có hoạt chất như Metalaxyl (Metaxyl 500WP, Vilaxyl 35WP,…), Mandipropamid + Chlorothalonil (Revus Opti 440SC),… để phun trừ bệnh.   

6.2.5.  Bệnh nấm hồng

Do nấm Corticium salmonicolor gây ra. Bệnh gây hại trên thân, cành, nhánh. Đầu tiên trên mặt vỏ thân hay nhánh có tơ nấm trắng, sau đó tạo thành những mảng màu hồng. Đôi khi không thấy mảng màu hồng mà chỉ thấy các gai nấm màu hồng phát triển từ các vết ở vỏ thân hay nhánh. Khi nấm tấn công làm cho nhánh và thân bị mất dinh dưỡng, bệnh nặng làm nhánh khô và chết. Bệnh thường phát triển trên những cây có tán lá rậm rạp và che khuất nhau, nhất là vào những tháng mưa nhiều.

Biện pháp phòng trừ

  • Vệ sinh, tạo thông thoáng cho vườn xoài. Cắt bỏ và tiêu hủy toàn bộ các cành nhánh bị nhiễm bệnh. Dùng thuốc có gốc đồng quét lên thân cây 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa để ngừa bệnh này.
  • Hiện nay có dòng nấm Trico-ĐHCT phòng trị bệnh mốc hồng rất hiệu quả.
  • Thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh sớm, khi cây bị bệnh dùng một trong các loại thuốc hóa học có hoạt chất như Validamycin (Validacin 5SL, Vanicide 5SL, Vali 5SL,…) , Iprodione (Rovral 50WP,  Rora 750WP,…), Cyproconazole (Bonanza 100SL),… để phun trị bệnh.

6. 2.6.  Bệnh xì mủ trái

Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Mangiferae gây ra. Bệnh có thể gây hại cả trái và lá. Trên trái, có nhiều vết nứt ngả màu đen, có mủ rịn ra mang theo vi khuẩn. Trên lá, tạo ra các đốm đen có hình dạng bất định, tâm hơi xám, viền đen hơi gồ lên. Vi khuẩn lây lan qua đường nước nên trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Vi khuẩn xâm nhập vào trái qua các vết thương, vết chích của côn trùng (bù lạch, nhện đỏ, ruồi đục trái,…). 

Biện pháp Phòng trừ

 - Áp dụng biện pháp bao trái. Không nên phun nước lên lá xoài khi cây bị bệnh để tránh lây lan bệnh ra cả vườn. Bảo tồn các loài thiên địch để hạn chế môi giới truyền bệnh là Nhện đỏ và Bù lạch.

- Khi phát hiện bệnh có thể phun thuốc hóa học phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper Oxychloride (Curenox oc 85WP), Copper Oxychloride 45% + Kasugamycin (5%) (Kasuran 50WP), Cuprous Oxide (Norshield 86.2 WG),…

7. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

7.1.  Thu hoạch

Thu hoạch phải đúng độ chín, nhằm đảm bảo chất lượng trái và bảo quản trái sau thu hoạch được lâu hơn. Nên thu hoạch lúc trời mát, không thu hoạch sau mưa hoặc có sương mù nhiều vì trái dễ bị thối khi tồn trữ. Lúc thu hoạch trái nên để cuống dài từ 5 - 10 cm để tránh không bị chảy nhựa làm tăng giá trị thương phẩm.

 7.2. Bảo quản

Ở nhiệt độ bình thường, chỉ có thể giữ trái được khoảng 5 - 7 ngày. Để kéo dài thời gian bảo quản nên giữ trái trong điều kiện nhiệt độ là 120C và ẩm độ khoảng 90%. Trong quá trình bảo quản nên thông gió thường xuyên và chú ý tạo đối lưu đồng đều trong kho.  Ngoài ra, nếu bảo quản ở nhiệt độ 10 - 130C trong bao PE chuyên dùng thì thời gian tồn trữ có thể lên đến 22 ngày.

Trái không để tiếp xúc trực tiếp với đất, tránh chất thành đống và phải còn nguyên cuống, quay ngược đầu lại để cho khô nhựa trước khi bao giấy đưa vào thùng./.



Các tin khác: