*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho vịt


Huyền Trân/Phòng Kỹ thuật

Nhằm thực hiện các nội dung trong kế hoạch hoạt động của dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 an toàn, hiệu quả" triển khai tại tỉnh Long An năm 2021, dự án có sự phối hợp thực hiện của 02 đơn vị là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) Long An và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA; TTDVNN Long An đã tổ chức 02 lớp tập huấn với nội dung "Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng vịt siêu thịt thương phẩm VSM6 và phòng trị bệnh trên vịt" tại Khách sạn Bông Sen, số 7A, đường Võ Công Tồn, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An (ngày 24 - 25/11/2021) và tại Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An (ngày 13 - 14/12/2021); với thời lượng tập huấn mỗi lớp là 02 ngày.

Tham dự các lớp tập huấn tổng cộng có 60 nông dân chăn nuôi vịt thịt thuộc các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa và thành phố Tân An. Lớp tập huấn do Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Châu vã Kỹ sư Võ Văn Thạnh thuộc TTDVNN Long An đảm trách.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Châu trình bày tại lớp tập huấn

Tại các lớp tập huấn, học viên được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết về biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đồng thời tiếp thu các nội dung về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong cách chăm sóc nuôi dưỡng vịt thương phẩm, nhất là giai đoạn úm vịt con từ 01 đến 07 ngày tuổi. Ngoài ra, cũng có những yêu cầu về chuồng trại, trang thiết bị, phương thức nuôi vịt trong nông hộ, cách sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi vịt, cách phòng và trị bệnh sao cho đạt hiệu quả tốt nhất,… Lớp tập huấn cũng đã tổ chức cho học viên tham quan mô hình thực tế tại các hộ tham gia thực hiện xây dựng mô hình để tìm hiểu kỹ hơn về tiêu chuẩn giống vịt siêu thịt thương phẩm VSM6, trao đổi kinh nghiệm thực tế với các hộ tham gia về quy trình nuôi, nguồn giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm,... trong quá trình thực hiện.

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân được nâng cao kiến thức về cách thức chăn nuôi an toàn và hiệu quả, đồng thời tiếp cận quy trình nuôi dưỡng, chủ động hơn trong phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là những bệnh vừa mới xảy ra trong chăn nuôi vịt tại địa phương trong thời gian gần đây như: bệnh viêm gan do virus, bệnh rụt mỏ ở vịt, chăn nuôi hạn chế ô nhiễm môi trường,… Nhìn chung, nông dân đánh giá tốt mô hình đã và đang thực hiện, có khả năng bổ sung vào cơ cấu giống tại địa phương góp phần đa dạng hóa nguồn giống vịt, tạo điều kiện cho việc phát triển chăn nuôi vịt an toàn và bền vững hơn trong thời gian tới./.



Các tin khác: