*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Giải trí

Năm dần…lượm lặt con cọp trong từ ngữ dân gian


Lương Lễ Dũng sưu tầm

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao, ngụ ngôn, hò, vè … về cọp trong dân gian rất phong phú mà nhân dịp năm Dần hãy cùng điểm lại đây đó vài lời di sản của ông cha ta qua hình ảnh cọn cọp nhé!

ĐIỆU HỔ LY SƠN! Núi rừng vốn là nơi ẩn náu an toàn của loài cọp, khi cọp bị dẫn dụ ra khỏi cứ địa thì chắc chắn chúng sẽ gặp khó khăn, suy yếu đi rất nhiều. Điệu hổ ly sơn, dụ cọp rời khỏi rừng là một trong những binh pháp chiến thuật mà từ xưa đến nay luôn giữ nguyên giá trị!

BẢNG HỔ DANH ĐỀ! Thời xưa những ai thi đậu cử nhân, tiến sĩ đều được ghi danh trên một tấm bảng bằng gỗ mà mặt phía sau có khắc hình cọp! Vì vậy, câu nói “bảng hổ danh đề” ý chỉ sự vinh danh dành cho những học sĩ thành đạt!

HỔ PHỤ SINH HỔ TỬ! Lời khen về tài đức cho một gia đình hay một dòng họ được lưu truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Cần rõ chiều hướng của câu nói “Hổ phụ sinh hổ tử” dành để chỉ sự kế thừa cái tài cái tốt, còn nếu muốn “mắng” cái xấu, cái không hay cũng được nối truyền thì trong trường hợp này các thành ngữ “cha nào, con nấy” hoặc “rau nào, sâu nấy” phù hợp hơn!

MÃNH HỔ NAN ĐỊCH QUẦN HỒ! Cọp là biểu thị của sức mạnh nhưng nếu chỉ cậy vào đơn lẽ mỗi sức mình thì dù mạnh cách mấy cũng khó chống chọi nổi với đám chồn, đám cáo tuy nhỏ yếu nhưng lại hùng hậu quân số. Thành ngữ này có thể hiểu như nổi thông cảm cho người có tài nhưng rơi vào hoàn cảnh cô thế bị vùi dập bởi đám đông tầm thường; tuy nhiên câu nói này đôi khi cũng có thể sử dụng theo nghĩa đề cập đến sức mạnh của tập thể có thể vượt qua các trở ngại một khi biết đoàn kết.

CỌP CHẾT ĐỂ DA, NGƯỜI TA CHẾT ĐỂ TIẾNG! Thành ngữ nguyên gốc là “Hùm chết để da, người chết để tiếng”! Da cọp vốn là sản phẩm rất quý nên ông bà xưa mượn vật thể này để khuyên răn nên sống có đức để khi mất đi vẫn còn để lại tiếng thơm, tiếng tốt cho đời. Câu nói này có thể hiểu theo nghĩa ngược lại là khi làm điều xấu thì không phải danh tiếng mà là tai tiếng cũng lưu lại hậu thế!

DƯỠNG HỔ DI HỌA! Phê phán sự bất trung, nhận ơn trả bằng oán. Thành ngữ tương tự là “Nuôi ong tay áo” hay nhẹ hơn một tí là “Nuôi khỉ dòm nhà” !

HỔ ĐỘI LỐT THẤY TU! Trong câu nói này, hổ bị gán vào vai dữ, vai ác nhưng được che đậy bằng vẻ ngoài trông đạo đức như một bậc chân tu! Thành ngữ tương tự thường dùng hơn là “Miệng niệm nam mô, bụng chứa bồ dao găm”!

HỌA HỔ, HỌA BÌ, NAN HỌA CỐT! Nghĩa đen là không khó vẽ nên dáng hình, lông da cọp nhưng rất khó để vẽ được xương cốt bên trong, ý ví bề ngoài con người có thể thấy rõ nhưng lòng dạ bên trong thì khó lường! Một lời khuyên khoan vội nhìn diện mạo mà suy ra cái tâm bên trong, thành ngữ cùng ý là “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” hoặc câu ca dao “Dò sông, dò biển dễ dò – Nào ai lấy thước mà đo lòng người”!

CÁO MƯỢN OAI HÙM! Bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn “Hồ ly giả uy hổ” kể rằng: Một ngày kia hổ bắt được con hồ ly và định ăn thịt. Hồ ly trong lúc hoảng loạn vẫn còn kịp nghĩ ra kế thoát thân bằng cách dọa hổ là không được chạm đến hồ ly vì như thế là động đến chúa của rừng thiêng, nếu hổ không tin thì cứ theo hồ ly đi khắp rừng để chứng kiến muôn thú sợ nó như thế nào! Hổ nửa tin nửa ngờ bèn thử song hành cùng hồ ly và quả thực đi đến đâu thì các loài thú trong rừng đều khiếp vía bỏ chạy đến đó. Thế là hổ để hồ ly ra đi mà đâu biết chính mình mới đích thực là chúa sơn lâm, thú trong rừng bỏ chạy vì thấy cọp chớ hồ ly thì có nghĩa lý gì! Thành ngữ này phê phán những người không có thực lực và xu nịnh nhưng biết cách dựa dẫm thế lực của người khác để tạo uy quyền cho mình!

VUỐT RÂU HÙM, XỈA RĂNG CỌP! Khỏi nói cũng biết cọp dữ cở nào, thế nhưng vẫn có người dám vuốt cả râu cọp và chạm đến cả răng cọp! Có thể đó là những anh hùng thực thụ nhưng cũng có thể đó là … một tay liều mạng!

THẢ HỔ VỀ RỪNG! Cọp trong thành ngữ này tượng trưng cho kẻ dữ, kẻ ác nhưng không bị diệt mà lại được tạo điều kiện để tung hoành tác hại!

Vài câu nói về cọp, lúc thì như người hùng lúc thì như kẻ dữ nhưng điều đó không quan trọng mà là qua hình ảnh con cọp ông cha ta để lại những đúc kết, khuyên nhủ hướng con cháu sống và làm điều đúng đắn, khôn ngoan!



Các tin khác: