Hiếu Dân/Phòng Kỹ thuật
Chanh là một trong số những cây trồng chủ lực của huyện Bến Lức mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân và hiện đang được tỉnh Long An lựa chọn là 01 trong 04 cây thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
Để người trồng chanh có thể nâng cao năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, ngày 20/5/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Bình Đức, huyện Bến Lức tổ chức lớp tập huấn về “Quy trình trồng, thâm canh cây chanh theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tham dự lớp tập huấn có 40 nông dân là thành viên và thành viên liên kết của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Hưng.
Theo Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Phó Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Long An, trong quy trình canh tác, thâm canh cây chanh thì ngoài lựa chọn cây giống an toàn, không nhiễm mầm bệnh thì việc thiết kế đồng ruộng, sử dụng phân bón hợp lý cần được người trồng quan tâm nhiều hơn. Trong đó, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón thông minh vừa giúp tiết kiệm chi phí công lao động, vừa giúp cải tạo đất bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu, đất bị chai lì do sử dụng phân bón hóa học lâu năm. Người dân cần mạnh dạn tỉa bỏ các cành phụ, nhánh không cho trái giúp cho vườn chanh thông thoáng, giảm các bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra. Việc tỉa bỏ cành thừa còn giúp cây tích lũy dinh dưỡng để nuôi trái khỏe, to và đồng dạng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông trình bày tại lớp tập huấn
Việc ghi chép nhật ký sản xuất là một trong những yêu cầu cần thiết của quy trình canh tác giúp cho người trồng, người mua, người sử dụng biết được về nguồn gốc, quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… Thông qua đó, góp phần nâng cao giá trị của cây chanh. Ngoài ra, muốn phát triển cây chanh theo hướng bền vững, lâu dài thì giá trị của cây chanh tạo ra phải được nâng lên, đảm bảo được đời sống của người trồng. Hợp tác xã cần nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm phụ của cây chanh như ngoài thu trái thì cũng cần phát triển và ứng dụng các công nghệ để thu tinh dầu,...cung cấp nguyên vật liệu cho ngành dược phẩm và thực phẩm.
Với nhiều thông tin được cung cấp trong lớp tập huấn, người trồng chanh của xã Bình Đức đã trang bị thêm cho mình các kiến thức hữu ích về quy trình trồng, thâm canh cây chanh, đặc biệt là cách tỉa cành và sử dụng phân bón hợp lý. Từ đó, vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu vào vừa tạo tiền đề vững chắc cho phát triển cây chanh theo hướng bền vững./.