*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Mô hình sản xuất

Nhân rộng mô hình trồng rau ăn lá theo GAP


Trúc Đào/ Phòng Kỹ thuật

Nhằm chuyển giao một số tiến bộ kỹ thuật mới, sạch, an toàn trong canh tác rau để góp phần tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập cho người trồng rau. Trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An thực hiện mô hình “Trồng rau ăn lá theo GAP” tại hộ ông Phan Thanh Tùng, ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Mô hình được thực hiện trên cây rau dền với diện tích 2.000 m2, trong thời gian 03 tháng từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2022. Tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 50% chi phí hạt giống và các loại vật tư như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học và nấm Trichoderma với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.938.400 đồng/2.000 m2. Các giải pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình như: sử dụng phân hữu cơ, lân Văn Điển kết hợp với nấm Trichoderma để bón lót khi làm đất nhằm giúp đất tơi xốp và bổ sung nấm có ích đối kháng với nấm bệnh có hại có trong đất; sử dụng phân bón vô cơ cân đối, giảm lượng đạm tồn dư trong nông sản và cách ly thời gian bón phân trước khi thu hoạch 15 ngày; sử dụng thuốc BVTV sinh học và cách ly thời gian ít nhất 7 - 14 ngày trước khi thu hoạch.

Ngày 09/9/2022 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội thảo tổng kết tại văn phòng Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước nhằm đánh giá kết quả thực hiện của mô hình. Đến tham dự hội thảo có sự tham dự của Ông Nguyễn Ngọc Tâm - PCT Ủy ban Nhân dân xã Phước Vân và 29 nông dân tại các ấp lân cận của xã Phước Vân.

Nông dân tham dự hội thảo tổng kết

 

Rau dền là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 30 ngày, nên việc sử dụng phân bón cần kết thúc trước khi thu hoạch 15 ngày để đảm bảo giảm dư lượng Nitrat còn tồn dư trong cây rau xuống mức thấp nhất. Cụ thể mô hình sử dụng kết hợp giữa phân Urea và NPK (30-10-10) để bón gốc trong vòng 10 ngày sau khi gieo hạt, kết hợp phân bón lá ở giai đoạn sau đã góp phần cung cấp dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu sinh trưởng của cây rau, đồng thời hạn chế dư thừa Nitrat trong sản phẩm khi thu hoạch. Công thức phân bón tính trên 01 ha của ruộng trình diễn và đối chứng giống nhau là 42,8 N - 2 P2O- 2 K2O. Nhìn chung, với công thức bón phân trên thì khả năng phát triển của rau dền trên 02 ruộng đều khá tốt. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng (từ khi gieo đến khi thu hoạch) của rau dền ở ruộng trình diễn là 27 ngày và đối chứng là 30 ngày, nghĩa là ruộng trình diễn đã rút ngắn thời gian thu hoạch sớm hơn ruộng đối chứng 3 ngày. Ngoài ra, do ruộng trình diễn có sử dụng nấm Trichoderma để bón lót khi làm đất, còn đối chứng không sử dụng nấm Trichoderma để bón lót nên tỷ lệ cây rau dền bị chết do thối gốc ở ruộng trình diễn thấp hơn đối chứng là 3%. Tổng chi ở ruộng mô hình là 2.130.250 đồng/1.000 m2 và đối chứng là 2.025.250 đồng/1.000 m2. Năng suất trung bình ở ruộng mô hình là 3.395 kg/1.000 m2 và đối chứng là  3.255 kg/1.000 m2. Năng suất trung bình của ruộng mô hình cao hơn đối chứng là 140 kg/1.000 m2. Với giá bán là 7.000 đồng/kg thì tổng thu của ruộng trình diễn là 23.765.000 đồng và đối chứng là 22.785.000 đồng. Lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn đối chứng 875.000 đồng/1.000 m2.

Như vậy, ngoài việc đạt được hiệu quả về mặt kinh tế thì mô hình còn đạt được hiệu quả về mặt xã hội, nghĩa là quy trình canh tác rau theo GAP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, tạo ra sản phẩm rau sạch và an toàn, từ đó giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Do đó, mô hình cần được tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng ra các xã và các địa phương trong tỉnh./.



Các tin khác: