*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Mô hình sản xuất

Tổng kết mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa vụ Hè - Thu năm 2022


Thượng Uyển/Phòng TVDVTTTT

Với mục đích đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản phẩm; đồng thời, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TTDVNN huyện Tân Thạnh, UBND xã Hậu Thạnh Đông và HTX DVNN Hậu Thạnh Đông tổ chức xây dựng và thực hiện mô hình điểm “Sản xuất lúa ứng dụng CNC” (Mô hình) tại ấp Kênh Bùi Cũ, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Sau hơn 05 tháng thực hiện, trung tuần tháng 9 vừa qua Trung tâm DVNN tỉnh đã tổ chức hội thảo tổng kết với sự tham gia đầy đủ của các ban ngành có liên quan cùng 60 nông dân trong và ngoài mô hình. Đây là tín hiệu đáng phấn khởi chứng tỏ hiệu ứng tốt từ mô hình.

Tại hội nghị, đại biểu và bà con nông dân được nghe cán bộ phụ trách trực tiếp báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện cũng như kết quả đạt được của mô hình. Cụ thể: mô hình được thực hiện với qui mô 50 ha, 25 hộ tham gia; Nhà nước duy trì hỗ trợ trong 03 năm liên tiếp, mỗi năm 01 vụ. Các nội dung được hỗ trợ như giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái,... Tổng số tiền hỗ trợ cho mô hình là 182 triệu đồng, nông dân đối ứng 50% số còn lại.

Cán bộ phụ trách mô hình trình bày tại hội nghị

 

Đặc biệt, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng trong quá trình sản xuất của nông dân thực hiện mô hình và có 05 hộ đối chứng ngoài mô hình giúp đại biểu cùng bà con nhận dự hội nghị có cái nhìn thực tế hơn đối với các số liệu báo cáo trong hội nghị. Qua đó, thấy được lượng giống gieo sạ giảm khoảng 40 kg/ha, việc giảm lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc BVTV từ 0,5 - 1 lần so với đối chứng. Từ đó, giúp giảm chi phí đầu tư bình quân còn 21.256.000 đồng/ha, thấp hơn ngoài mô hình 1.413.000 đồng/ha; tăng lợi nhuận bình quân là 20.415.000 đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình là 1.605.000 đồng/ha. Kết quả này là sự thành công của việc áp dụng các gải pháp kỹ thuật tiến bộ được thực hiện trong mô hình như: 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, sạ thưa, sử dụng phân đạm chậm tan, phân hữu cơ vi sinh, áp dụng biện pháp ngập khô xem kẽ, sử dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV,… Ngoài những lợi ích về kinh tế, mô hình cũng đạt được một số hiệu quả về môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và bảo tồn thiên địch,...

Cũng trong hội nghị, Ông Lê Văn Hào - một nông dân lớn tuổi có rất nhiều kinh nghiệm đã tham gia mô hình - cho biết thêm “nhà tôi cho 03 ha ruộng, do chưa mạnh dạn nên tôi chỉ đăng ký thăm gia mô hình khoảng 1,5 ha. Tuy nhiên, sau 01 vụ thực hiện tôi và gia đình rất phấn khởi do lợi nhuận cao hơn các năm trước. Thêm vào đó, bản thân tôi giờ cũng không còn e ngại trong việc sử dụng dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái do đã trực tiếp thực hiện và thấy hiệu quả rất tốt không kém so với phun tay hay máy, mà còn đảm bảo sức khỏe do tránh tiếp xúc với thuốc hóa học”.

Phát biểu trong hội nghị, Ông Võ Thành Nghĩa - Phó giám đốc TTDVNN tỉnh Long An cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là chính quyền địa phương đã luôn theo sát, tham dự đầy đủ từ triển khai, tập huấn, tham quan đến tổng kết, kịp thời nắm bắt và hỗ trợ. Và quan trọng nhất là tinh thần hợp tác, chịu đổi mới, chịu tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới của bà con nông dân trong mô hình. Việc ghi nhật ký sản xuất tuy chưa đầy đủ nhưng bà con cũng đã cố gắng chịu khó ghi chép giúp tiến trình tổng hợp chính xác và đầy đủ hơn. Mong muốn mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại HTX DVNN Hậu Thạnh Đông sẽ tiếp tục duy trì tốt trong 2 năm tiếp theo, nhiều năm sau và ngày càng phát triển hơn nữa.

Buổi tổng kết kết thúc trong niềm vui và hân hoan của tất cả các đại biểu cùng bà con nông dân bởi những kết quả đạt được và triển vọng phát triển nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Đây là mô hình điểm tổng kết đầu tiên trong 6 mô hình điểm thực hiện trong năm 2022, mô hình này sẽ là hạt nhân để tiếp tục nhân rộng diện tích trong vùng quy hoạch lúa ứng dụng công nghệ cao, tạo cho thị trường lượng hàng hóa đạt chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu và lâu dài là hướng đến nền nông nghiệp bền vững./.



Các tin khác: