*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Tập huấn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm


Vân Hạ/Phòng TVDVTTTT

Cuối tuần vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An đã tổ chức lớp tập huấn T.o.T về "Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0" ở Nhà khách Tổng Liên đoàn tại Long An, số 139, đường Nguyễn Thái Bình, phường 3, Thành phố Tân An, tỉnh Long An cho 30 học viên tham dự.

Lớp tập huấn sử dụng nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ khuyến nông ở địa phương thông qua những kiến thức mới về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay. Từ đó, học viên sẽ vận dụng các kiến thức đã học để triển khai các hoạt động khuyến nông trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến người nuôi ở địa phương sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Lớp học diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/10, học viên là nhân viên kỹ thuật và khuyến nông viên cơ sở ở các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.

Tiến sĩ Trương Khắc Hiếu - Giảng viên Trường Đại học Tiền Giang trình bày tại lớp tập huấn

 

Tiến sĩ Trương Khắc Hiếu - Giảng viên Trường Đại học Tiền Giang đã giới thiệu cho lớp học các nội dung về quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn, biện pháp phòng trị bệnh thường gặp trên tôm, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, công nghệ nuôi tôm thân thiện với môi trường,… Việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp người nuôi thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh của tôm mà mắt thường khó quan sát được; nâng cao hiệu quả về sản lượng và chất lượng trong quá trình nuôi; tiết kiệm chi phí về thức ăn, con giống; giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn;... Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt quan tâm đến việc duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp cơ học, sinh học, hóa học,… Vì thế, việc ứng dụng công nghệ số như tủ điều khiển tự động, hệ thống giám sát môi trường giúp hỗ trợ rất nhiều trong quá trình nuôi. Trong đó, hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động là hệ thống có chức năng giám sát tự động các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi như: ô-xy hòa tan, nhiệt độ, độ pH, độ mặn;… các chỉ số này nếu vượt ngưỡng cho phép hệ thống sẽ tự động cảnh báo giúp người nuôi kiểm soát tốt môi trường nuôi (24/24) để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình nuôi tôm tiên tiến - trong đó có quy trình nuôi dùng chế phẩm sinh học và quy trình nuôi tôm theo công nghệ Bioflock giúp hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, có tính bền vững cao, mang lại hiệu quả cho người nuôi. Đây là những công nghệ cần được những người làm công tác khuyến nông cập nhật thường xuyên để chuyển giao kịp thời giúp người nuôi tiếp cận và áp dụng.

Ngoài nội dung lý thuyết, thì các học viên còn được tham quan tại Trại nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Nguyễn Thanh Sử ở ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, với diện tích 1,2 ha; trong đó, có 6 ao nuôi, mỗi ao nuôi có diện tích 1.500 m2. Mục đích của tham quan thực tế là để học viên ghi nhận những kinh nghiệm và kết quả thực tế đạt được trong quá trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ 4.0; từ đó, giúp cho học viên có thêm kiến thức thực tiễn để phục vụ có hiệu quả trong quá trình chuyển giao kỹ thuật.

Thông qua lớp tập huấn, đa số các học viên đều nâng cao kiến thức chuyên môn, được giải đáp những thắc mắc đang gặp phải trong việc ứng dụng công nghệ khi nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau khi kết thúc lớp tập huấn, các học viên sẽ trở thành lực lượng nồng cốt trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ nuôi trồng thủy sản từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững hơn trong thời gian tới./.



Các tin khác: