*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Mô hình sản xuất

Hội thảo mô hình kỹ thuật vệ sinh phòng bệnh trên gà thịt


Huyền Trân/Phòng Kỹ thuật

Sau hơn 3 tháng thực hiện mô hình “Vệ sinh phòng bệnh trên gà thịt”, cuối tháng 9/2022 vừa qua Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An phối hợp với TTDVNN huyện Tân Thạnh tổ chức hội thảo mô hình trình diễn tại hộ Phan Thị Thanh Thúy, ấp Gò Nôi, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh; với sự tham gia của các đại biểu là đại diện TTDVNN tỉnh, TTDVNN huyện, UBND xã và 26 hộ chăn nuôi gà thịt ở xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh.

Đại biểu tham dự hội thảo được hướng dẫn tham quan đàn gà; đồng thời được nghe nhân viên kỹ thuật trình bày về lợi ích, ý nghĩa và quy trình vệ sinh phòng bệnh; báo cáo của nông hộ thực hiện mô hình về các nội dung quy trình đã thực hiện bao gồm: cách chọn con giống tốt, sử dụng thức ăn theo độ tuổi của gà, chủ động tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh sát trùng nơi nuôi, hạn chế người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi để hạn chế về rủi ro dịch bệnh,… Theo chủ hộ thực hiện mô hình cho biết:  “Trước đây gia đình nuôi; dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tỉ lệ nuôi sống không cao dẫn đến chi phí đầu tư cho đợt nuôi cao. Khi được nhân viên khuyến nông tỉnh, huyện hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi thì chi phí trị bệnh giảm đáng kể so với trước đây, gà tăng trưởng tốt, đồng đều, trọng lượng bình quân đạt 1,8 kg/con khi xuất chuồng. Với chi phí đầu tư cho 300 con gà trong đợt này khoảng 25 triệu đồng thì có lãi hơn 10 triệu đồng”.

 

Thông qua hội thảo, quy trình vệ sinh phòng bệnh trên gà thịt được chia sẻ rộng rãi đến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn, từ đó giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về lợi ích cũng như hiệu quả của việc chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tuy nhiên, trong hội thảo các hộ chăn nuôi cũng trao đổi do điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ nên việc áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Ý kiến thắc mắc của các hộ chăn nuôi được nhân viên kỹ thuật giải đáp tường tận, hướng dẫn nhiều cách vận dụng theo điều kiện riêng của từng hộ giúp bà con an tâm và tin tưởng.

Với kết quả đạt được từ mô hình cho thấy việc chủ động áp dụng quy trình vệ sinh phòng bệnh là rất cần thiết nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay trong đó có bệnh cúm A/H5N1. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẽ ở các nông hộ sẽ khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh một cách đồng bộ và triệt để.

Nhìn chung, mô hình vệ sinh phòng bệnh trên gà thịt cần được quảng bá, ứng dụng rộng rãi trong điều kiện chăn nuôi nông hộ. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong hoạt động chăn nuôi hiện nay nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, cũng như hiệu quả sản xuất./.



Các tin khác: