*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Mô hình sản xuất

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức quảng bá, nhân rộng mô hình thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ


Trúc Đào/Phòng Kỹ thuật

Nhằm giới thiệu quảng bá, nhân rộng các mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, các giải pháp canh tác hoàn toàn sử dụng phân gốc hữu cơ, thuốc sinh học trong canh tác, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng trái, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong canh tác bưởi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An đã tổ chức cuộc tham quan mô hình “Thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ” tại hộ bà Mai Thị Kim Phượng, xã Nhơn Thạnh Trung, Tp.Tân An vào cuối tháng 10/2022. Trong cuộc tham quan này có 30 nông dân trồng bưởi tại huyện Tân Trụ, huyện Thủ Thừa và Tp.Tân An đến tham dự.

Địa điểm tham quan này là mô hình trình diễn “Thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ” do TTDVNN tỉnh hỗ trợ nông hộ thực hiện từ tháng 12 năm 2021 đến nay. Đến tham quan mô hình, các đại biểu đã được nghe chị  Mai Thị Kim Phượng trình bày quy trình kỹ thuật trồng thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ mà chị đã thực hiện theo hướng dẫn của TTDVNN tỉnh. Theo đó, khi được nhân viên kỹ thuật tư vấn và với tính ham học hỏi, chị đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như: sử dụng nấm Trichoderma để ủ phân hữu cơ từ phân chuồng dùng bón cho gốc bưởi định kỳ 02 lần/1 năm; hoàn toàn không sử dụng phân hóa học. Ngoài ra, chị còn sử dụng phân sinh học WEHG để tưới gốc và phun trên lá định kỳ 01 lần/1 tháng; để quản lý dịch hại cho vườn bưởi, chị chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học như Chubeca, Anonin, Focal, Neemchili; cùng với việc áp dụng các kỹ thuật trên là việc áp dụng biện pháp tỉa cành tạo tán, giúp vườn bưởi thông thoáng đã góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại, kích thích bưởi ra nhiều cơi đọt mới, cũng như ra nhiều hoa hơn.

 

Kết quả sau thời gian áp dụng biện pháp sử dụng phân hữu cơ và bón phân sinh học để bón và tưới gốc cho thấy: pH đất ở mô hình trình diễn là 6.2, trong khi đó pH của vườn đối chứng là 5.0. Theo chị Phượng, nếu áp dụng kỹ thuật canh tác bưởi theo hướng hữu cơ thì thời gian bảo quản của bưởi ở mô hình sử dụng hữu cơ là 60 ngày, trong khi đó nếu bưởi trồng theo biện pháp hóa học thì thời gian bảo quản bưởi là 42 ngày. Như vậy, khi sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và phân sinh học thay cho phân bón hóa học thì pH đất vườn đã được cải thiện và thời gian bảo quản trái cũng lâu hơn. Ngoài ra, khi sử dụng phân hữu cơ ủ hoai từ nấm Trichoderma, bón định kỳ vào đất đã góp phần làm cho cộng đồng vi sinh vật bản địa trong đất phát triển mạnh mẽ, lớp đất mặt đã được tơi xốp, cây bưởi có nhiều rễ cám hơn so với mô hình đối chứng chỉ sử dụng hoàn toàn phân hóa học.

Ngoài ra, để trồng bưởi đạt hiệu quả chị chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ vườn bưởi của mình đến bà con nông dân khi tham quan: thứ nhất là về khoảng cách trồng, bà con nên trồng với khoảng cách 6 m x 6 m để vườn thông thoáng hơn, thuận tiện cho việc chăm sóc; Thứ hai, khi bắt đầu trồng bưởi thì nên trồng so le với nhau, dạng nanh sấu, để cây trong vườn không bị cạnh tranh ánh sáng khi giáp tán; Thứ ba, nên áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, mặc dù đầu tư có thể cao hơn so với quy trình canh tác chỉ sử dụng hoàn toàn phân và thuốc hóa học. Tuy nhiên, canh tác theo phương pháp hữu cơ ngoài việc nâng cao chất lượng trái bưởi, còn đem lại sức khỏe cho người trực tiếp chăm sóc bưởi và người tiêu dùng.

Như vậy, từ những kết quả đạt được thì mô hình thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ là giải pháp để nâng cao chất lượng cho trái bưởi tại Long An và nâng cao giá trị cho cây ăn trái trong tương lai. Do đó, canh tác theo hướng hữu cơ nhằm tiến tới canh tác hữu cơ trên cây ăn trái là hướng đi tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản và thúc đẩy sản xuất bền vững./.



Các tin khác: