*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Mô hình sản xuất

Kết quả mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long


Sơn Thuận/P.TVDVTTTT

Thực hiện Dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long”, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An phối hợp với địa phương để triển khai, thực hiện xây dựng mô hình tại HTX Nông nghiệp Mỹ Lạc, ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Mô hình thực hiện trong vụ Đông-Xuân 2022 - 2023 tập trung ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo sạ đến thu hoạch vào sản xuất lúa; diện tích thực hiện là 50 ha, số hộ tham gia là 30, giống sử dụng là ST 25 và nếp IR 4625, sạ thưa bằng máy sạ cụm (với lượng giống 80 kg/ha). Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% giá trị máy gieo hạt theo cụm nhưng không quá 245 triệu đồng, 50% giá trị lúa giống; hỗ trợ thực hiện cấp mã số vùng trồng và kết nối doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, nông dân còn được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Kết quả đạt được từ mô hình được nông dân đánh giá cao về những lợi ích thiết thực và hiệu quả mang lại từ việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, cùng với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho nông dân. Đặc biệt, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác lúa: từ khâu làm đất, gieo sạ bằng máy sạ cụm, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, bón phân bằng máy mang vai, thu hoạch bằng máy GĐLH,… đã mang đến hiệu quả tối ưu cho người trồng lúa. Ngoài ra, mô hình thực hiện sản xuất theo “quy trình 1 phải 5 giảm”: sử dụng giống lúa xác nhận, gieo sạ bằng máy sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ trung bình khoảng 40 kg/ha; giảm lượng phân hóa học như Ure giảm 20 kg/ha và DAP giảm 20 kg/ha; giảm số lần phun thuốc BVTV (1 lần);… đã góp phần giảm chi phí sản xuất khoảng 800.000 - 900.000 đồng/ha. Đồng thời năng suất thu được trong mô hình cao hơn ngoài mô hình trung bình 400 - 700 kg/ha, từ đó giúp tăng lợi nhuận trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/ha.

 Với mục tiêu mô hình hướng đến là ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ từ khâu gieo sạ đến thu hoạch giúp giảm giá thành; nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, thân thiện môi trường; tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Từ đó, hướng đến liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng bền vững hơn, góp phần nâng cao hiệu quả cho người trồng lúa./.



Các tin khác: