*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Một số lưu ý cơ bản trong nuôi cá chình


Phương Thảo/Phòng Kỹ Thuật

Cá chình nước ngọt là một trong những loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đây cũng là loài rất khó thích nghi trong môi trường nuôi nhốt như bể xi-măng. Vì vậy, để việc nuôi cá chình đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề cơ bản trong kỹ thuật nuôi như sau:

Thứ nhất là người nuôi phải hiểu rõ môi trường sống và tập tính sinh trưởng của cá chình

Về môi trường sống: cá chình là loài cá có tính thích ứng rộng với độ mặn, cá có thể sống được ở nước mặn, nước lợ và nước ngọt; cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi và di chuyển đi nơi khác; cá có khả năng hô hấp bằng da, nếu giữ da cá ẩm ướt là có thể sống được khá lâu; trời mưa cá hoạt động rất khoẻ, bò trườn khắp ao. Cá chình là loài cá có phạm vi thích ứng nhiệt rộng; nhiệt độ sinh trưởng là 13 - 30oC thích hợp nhất là 25 - 28oC; hàm lượng ôxy hoà tan trong nước yêu cầu phải trên 2 mg/1 (5 mg/l là thích hợp cho sinh trưởng), nếu vượt quá 12 mg/l cá dễ sinh ra bệnh bọt khí; do đó, nguồn nước nuôi cá chình phải đảm bảo đầy đủ, chủ động khi cấp và thay nước, tốt nhất nên chọn địa điểm nuôi có nguồn nước. Nước nuôi cá chình cần các tiêu chuẩn như: pH từ 6,5 - 7,2, oxy hòa tan 5 - 10 mg/l, nhiệt độ từ 25 - 28oC.

Về tập tính ăn và sinh trưởng: cá chình là loại cá ăn tạp, trong tự nhiên thức ăn của cá là tôm, cá con, động vật đáy nhỏ và côn trùng thuỷ sinh. Khi còn nhỏ thức ăn chính của cá là động vật phù du và động vật đáy. Sau 2 năm nuôi, cá đạt kích cỡ 50 - 200 gr/con; nếu thức ăn tốt sau 1 năm nuôi kể từ lúc vớt ngoài tự nhiên có thể đạt cỡ 4 - 6 con/kg. Cá chình có tốc độ sinh trưởng chậm, nhất là cỡ từ 300 gr trở lên tốc độ sinh trưởng chỉ bằng 1/10 tốc độ sinh trưởng của giai đoạn cá có trọng lượng 70 - 100 gr. Khi còn nhỏ tốc độ sinh trưởng của cá trong đàn tương đương nhau, nhưng khi đạt chiều dài hơn 40 cm con đực lớn chậm hơn con cái.

Thứ hai là xây dựng bể nuôi

Bể xi măng có diện tích từ 10 m2 trở lên, xung quanh tường và đáy bể láng và có màu tối, độ sâu trên 1,5 m. Mực nước nuôi trong bể luôn duy trì 1 - 1,2 m. Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m, có gờ ngang 10 cm. Ống cấp nước cách mặt bể 50 cm, có nước chảy ra vào thường xuyên. Người nuôi nên xây dựng hệ thống cấp, thoát nước riêng, có ống xả tràn, các ống phải có lưới chắn để thuận lợi khi cấp và tháo nước, làm vệ sinh bể. Ngoài các bể nuôi chính người nuôi cần bố trí thêm một bể nhỏ khoảng 5 m2 để lựa chọn giống, phân cỡ, phòng trị bệnh. Trong bể nuôi thì cần tạo nơi trú ẩn cho cá bằng ống nhựa đen (hoặc ống tre), để làm nơi cho cá trú ẩn. Bể nuôi phải lắp thêm giàn phun mưa và máy sục khí để đảm bảo lượng oxy cung cấp cho cá chình nuôi. Trên bể bố trí mái che và có thể thả bèo chiếm một phần tư diện tích bể để giảm bức xạ, xung quanh có che chắn không cho ánh nắng rọi vào nhiều.

 

 

Thứ ba là chọn và thả giống

Để nuôi cá chình đạt tỷ lệ sống cao, nên chọn con giống cá kích cỡ đồng đều (lớn hơn hoặc bằng 100 gr/con), màu sắc tươi sáng, vận động linh hoạt, không bị xây xát và mất nhớt. Mật độ thả nuôi dao động từ 6 - 10 con/m2. Trước khi thả giống nên tiến hành sát trùng cá giống bằng dung dịch muối có nồng độ 2 - 3% trong thời gian 5 - 10 phút hoặc thuốc tím 10 - 20 g/m3 trong 15 - 30 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển. Theo dõi hoạt động và mức độ ăn mồi của cá để phòng trị bệnh kịp thời, loại bỏ những con bệnh, con yếu, tuyệt đối không sử dụng những con có dấu hiệu bệnh làm con giống để nuôi thương phẩm.

Thứ tư là thức ăn và cách cho ăn

 

Với tập tính là loài cá ăn tạp thiên về động vật, vậy trong nuôi thương phẩm, thức ăn nuôi cá chình phải có tỷ lệ đạm trên 45%. Thức ăn của cá có tỷ lệ đạm khá cao nên dễ hút ẩm, dễ mốc, phải chú ý bảo quản tốt, thời gian bảo quản không quá 2 tháng kể từ ngày sản xuất. Ngoài ra, cá chình rất thích ăn cá tạp. Nếu có nguồn cá tạp ổn định và rẻ tiền thì việc nuôi cá chình sẽ rất có hiệu quả; Khi cá nhỏ thì nguồn cá tạp được xay ra và cho vào sàn ăn, còn khi cá lớn thì chỉ cần cắt khúc nhỏ để cho cá chình ăn

Cách cho cá chình ăn: Ngày cho ăn 2 lần vào lúc 7 - 8 giờ sáng và 5 - 6 chiều. Thức ăn cho cá ăn phải bỏ vào sàn ăn để dễ kiểm tra khả năng bắt mồi của cá mà điều chỉnh (tăng hay giảm) lượng thức ăn cho phù hợp ở lần cho ăn tiếp theo. Với cá thương phẩm, lượng thức ăn khoảng 2 - 3% trọng lượng thân.

Thứ năm là chăm sóc và quản lý

Hằng ngày phải xi-phông đáy bể, hút bớt phân rác ở đáy bể làm giảm lượng khí độc gây hại cho cá, sau đó bổ sung nước mới, lượng nước mới được bổ sung hằng ngày bằng 1/2 lượng nước trong bể. Hệ thống bể phải đặt máy sục khí tăng ôxy hoà tan trong nước. Máy sục khí có thể dùng bơm nén khí 0,03 m3/giây. Cứ 2,5 m3 nước dùng 1 viên đá bọt đủ đảm bảo mỗi lít nước 5 mg ôxy hoà tan. Quá trình ương nuôi cá phân đàn rất nhanh nên phải phân loại kích cỡ lớn, bé để nuôi tiếp cho thích hợp, thông thường 25 - 30 ngày phân cỡ một lần, nếu cá lớn nhanh thời gian phân đàn có thể rút ngắn hơn nữa. Trước khi phân đàn 12 giờ không cho cá ăn; sau khi phân loại xong khoảng 30 phút cho cá ăn lại như bình thường.

Thứ sáu là phòng bệnh

Cá chình nước ngọt có sức đề kháng tốt và ít bệnh. Tuy nhiên, nếu chất lượng môi trường nước không đảm bảo thì cá sẽ không khỏe mạnh. Người nuôi nên quan sát thường xuyên đàn cá của mình. Tránh trường hợp cá bị bệnh và lây nhiễm cả đàn. Cá thường bỏ ăn là do yếu tố môi trường và khâu tuyển chọn giống kém chất lượng dẫn đến cá không ăn và hao hụt nhiều. 

Trong quá trình nuôi, để giảm thiểu rủi ro, cần lưu ý thường xuyên định kỳ xử lý nước 1 tháng/lần cho bể: như vikon 50 gr/100 m3 nước hoặc thuốc tím 150 gr/100 m3; Sau đó dùng Zeolite từ 500 - 100 gr/100 m2 kết hợp cấy men vi sinh để ổn định môi trường. Sử dụng thức ăn tươi sống không ôi thiu, kết hợp với vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Hiện nuôi cá chình đang có triển vọng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá bán 400.000 - 500.000 đồng/kg. Do đó, để nuôi tốt đòi hỏi người nuôi cần trang bị một số kiến thức cơ bản về cách nhận biết cũng như kỹ thuật phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá chình để có thể xử lý kịp thời./.



Các tin khác: