*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp - cơ hội, thách thức và giải pháp


Dương Văn Tuấn/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp

Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như những tác động của biến đổi khí khậu; Theo nhận định của giới chuyên gia, để phát triển bền vững trong tương lai, nông nghiệp cần bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ số, chứ không dừng lại ở sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống. Nông nghiệp đóng vai trò là “trụ đỡ của nền kinh tế” nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải có thay đổi nhằm thích ứng với quá trình hội nhập. Công nghệ số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0 và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Phát triển ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là tất yếu khách quan nhưng còn không ít khó khăn, thách thức cần có giải pháp để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

Trước tiên, có thể nhận thấy rằng công nghệ số mang lại rất nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp

Trong sản xuất, việc ứng dụng công nghệ số giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất lao động và tăng cường chất lượng sản phẩm. Công nghệ số cũng giúp cho việc quản lý và điều hành của ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng hiệu quả hơn; công nghệ số cũng đang giúp các doanh nghiệp kinh doanh nông sản tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí vận hành và tiếp cận nhiều khách hàng hơn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số trong nông nghiệp thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung và cầu làm hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng cao theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. 

Công nghệ số đem đến nhiều cơ hội lớn để ngành nông nghiệp ứng dụng trên nhiều lĩnh vực sản xuất thị trường 

Trên lĩnh vực sản xuất: Công nghệ số đã được ứng dụng thông qua phần mềm để giám sát, đánh giá, phân tích môi trường, truy xuất nguồn gốc và theo dõi quá trình sinh trưởng cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Công nghệ GIS và ảnh viễn thám được sử dụng để thiết kế phần mềm giám sát, phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng và phần mềm phát hiện sớm, cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ sinh;  Công nghệ biofloc, công nghệ nuôi tuần hoàn RAS, công nghệ nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong nuôi thủy sản,…

Công nghệ số giúp thị trường gia tăng nhu cầu sản phẩm từ nông nghiệp: Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, xu hướng người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, giá trị dinh dưỡng, các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Xu hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, hữu cơ đã hình thành và có chiều hướng phát triển mạnh.

 

 Bên cạnh những cơ hội, thì việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cũng có không ít khó khăn cần có giải pháp để cải thiện

Cùng với phát triển của thời đại, nhận thức và trình độ của nông dân nhìn chung đã có sự thay đổi, thích ứng với sự phát triển của công nghệ nhưng cũng còn hạn chế: Người nông dân còn e ngại trong việc chuyển đổi số, chưa có thói quen sử dụng công nghệ. Lao động nông nghiệp ở nông thôn hầu hết là người lớn tuổi, tỷ lệ già hóa lao động ngành nông nghiệp diễn ra nhanh. Kinh doanh thương mại điện tử đối với nhiều nông dân và một số doanh nghiệp hầu như còn mới mẻ và họ chưa thật sự hiểu biết đầy đủ về thương mại điện tử.

Nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán ít nhiều cũng là một trở ngại trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất: Việc khai thác đất trong sản xuất nông nghiệp còn chưa thực sự đạt hiệu quả tối đa do việc ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ hỗ trợ còn hạn chế. Việc liên kết hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn để ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và bao tiêu sản phẩm sản đầu ra bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng còn nhiều khó khăn, chưa thật sự bền vững.

Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số: Cả nông dân và doanh nghiệp đều khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Các dữ liệu khoa học về môi trường, thị trường, công nghệ còn thiếu và chưa thật sự đồng bộ.

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng giúp ứng dụng công nghệ số đạt hiệu quả: Khuyến khích doanh nghiệp, lao động trẻ tham gia ứng dụng công nghệ số; Cần đào tạo các chuyên gia về công nghệ số đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho nông dân về ứng dụng công nghệ số sản xuất và thương mại điện tử. Xây dựng các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác), khuyến khích sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận, hỗ trợ, chia sẽ kinh nghiệm lẫn nhau về cách ứng dụng công nghệ số.

Khuyến khích liên kết, tập trung đất đai để hình thành vùng sản xuất để tăng cường ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ, (Giải pháp GIS, dự báo dự tính sâu bệnh, cảm biến, quan trắc môi trường, máy bay không người lái,…), sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất ổn định và bền vững.

Thu hút vốn đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức nông dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Hỗ trợ khuyến khích các hợp tác xã, các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hỗ trợ nông dân lập kế hoạch kinh doanh và trả nợ. Xây dựng chính sách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án ứng dụng công nghệ số vào sản xuất,...

Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ để ứng dụng công nghệ số vào sản xuất đạt hiệu quả: Xây dựng các phần mềm thu thập, cập nhật, khai thác, quản lý và bảo quản cơ sở dữ liệu như: nhật ký sản xuất điện tử cho nông dân; hệ thống dữ liệu về diện tích, quy mô sản xuất; mạng lưới quan sát, giám sát, cung cấp thông tin về môi trường, đất đai, thời tiết để giúp nông dân phục vụ có hiệu quả cho sản xuất,…

Nhìn chung, việc hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và tạo ra giá trị tốt hơn cho tất cả các bên liên quan; ứng dụng công nghệ số đang khuyến khích và tạo sự tiến bộ, phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trong tương lai./.



Các tin khác: