Sơn Thuận/P.TVDVTTTT
Cây đậu phộng được xem là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế vượt trội hơn so với các loại cây trồng khác ở huyện Đức Hòa, đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu trên đất trồng lúa kém hiệu quả của địa phương.
Trong vụ Hè Thu năm 2023, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) Long An có phối hợp với TTDVNN huyện Đức Hòa và Ủy ban nhân dân xã Hiệp Hòa xây dựng mô hình trình diễn “Trồng đậu phộng theo GAP” tại hộ ông Nguyễn Thanh Liêm, ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An. Sau khoảng 03 tháng thực hiện, đến nay đậu đã bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Ngày 09/8 vừa qua, TTDVNN tỉnh Long An đã phối hợp TTDVNN huyện tổ chức hội thảo tổng kết mô hình. Đây là mô hình nằm trong khuôn khổ hoạt động khuyến nông thường xuyên hàng năm của TTDVNN.
Mô hình được thực hiện trong vụ Hè Thu 2023 tại hộ anh Nguyễn Thanh Liêm với quy mô 0,6 ha; mật độ sạ là 288 kg/ha, giống sử dụng là đậu giấy miền nam. Mô hình được thực hiện trên vùng đất cát pha, đất có hàm lượng dinh dưỡng trung bình, nông dân canh tác 2 vụ đậu/năm. Trong quá trình thực hiện, mô hình có việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác, biện pháp phòng trừ dịch hại, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu tỉa và tuốt đậu,… từ đó đã giúp tăng năng suất và hiệu quả cho người trồng.
Lượng giống đậu sử dụng tỉa thấp hơn ngoài mô hình 12 kg/ha, việc ứng dụng cơ giới hóa đã giúp giảm chi phí công lao động rất nhiều ở khâu tỉa và tuốt đậu so với thủ công (6,2 triệu đồng). Việc sử dụng phân bón vô cơ kết hợp bón hữu cơ giúp cây đậu sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại (Cụ thể lượng phân sử dụng cho mô hình 1 ha là: 500 kg phân Hữu cơ + 100 kg DAP + 60 kg Urea + 120 kg Kali + 300 kg Lân văn điển, nấm Trichoderma 15 kg. Tương đương công thức phân bón là 45,5 N - 94 P2O5 - 72 K2O). Năng suất lý thuyết ước đạt là 2.400 kg/ha, cao hơn ngoài mô hình 150 kg/ha đã giúp lợi nhuận tăng lên gần 10 triệu đồng/ha.
Tham dự hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo TTDVNN, Hội nông dân huyện Đức Hòa; UBND xã Hiệp Hòa và An Ninh Tây cùng khoảng 30 nông dân thuộc 2 xã đến tham dự. Qua hội thảo có nhiều ý kiến của bà con đánh giá chất lượng hạt đậu có độ chắc tốt, dây có màu tranh và giữ được lâu,… Cũng trong buổi hội thảo, đại diện chính quyền địa phương và bà con nông dân đề xuất cần thực hiện thêm 2 - 3 vụ liên tiếp ở các xã khác trong huyện để làm cơ sở vững chắc cho việc nhân rộng.
Thông qua mô hình đã giúp người trồng thấy được hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đây là tín hiệu tích cực giúp mô hình có thể áp dụng trong những vụ tiếp theo để có kết luận chính xác nhằm có cơ sở khuyến cáo cho bà con nông dân áp dụng và nhân rộng mô hình ở địa phương trong thời gian tới./.