*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Tìm hiểu bệnh cháy bìa lá lúa


Nhật Nam- Trại NC và DVNN Hòa Phú

Hàng năm vụ Hè-Thu và Thu-Đông với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều sẽ là điều kiện cho mầm bệnh phát triển và tấn công gây hại trên cây lúa; mà Bệnh cháy bìa lá lúa được xem như loại bệnh gây hại phổ biến trên các giống lúa, bệnh xảy ra quanh năm và ở các giai đoạn phát triển của cây lúa sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

Bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn có tên Xanthomonas 0ryzae pv. Oryzae gây ra. Bệnh diễn biến phức tạp vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông. Bệnh phát sinh và lây lan nhanh khi đạt ngưỡng nhiệt độ 26 - 30 độ C, ẩm độ từ 90% trở lên, thường rơi vào những tháng có nhiều mưa (tháng 7 - 8 âm lịch hằng năm). Thường thì những ruộng có mật độ gieo sạ dày, bón phân không cân đối, dư đạm thì bệnh càng diễn biến nặng hơn. Bệnh phát sinh gây hại xuyên suốt từ thời kỳ mạ đến trổ chín, nhưng có triệu chứng điển hình từ sau khi lúa đẻ nhánh tối đa đến trổ và chín sữa.

Triệu chứng điển hình là vết cháy dọc theo hai bên bìa của lá lúa, rồi lan dần vào gân chính của lá. Vết bệnh có thể bắt đầu từ rìa lá lan dần vào bên trong do vi khuẩn xâm nhập vào lá lúa qua các thủy khẩu dọc theo rìa lá. Vi khuẩn gây bệnh cũng có thể xâm nhập từ một vết thương ở bất kỳ nơi nào trên lá và gây vết bệnh lan dần theo chiều dọc, tạo ra vết bệnh giữa phiến lá.

Quan sát ruộng vào sáng sớm sẽ thấy có giọt dịch vi khuẩn màu vàng nhạt đọng lại tại vị trí các vết bệnh phía dưới lá lúa. Diễn biến nặng sẽ lan rộng ra khắp phiến lá, xuống tới tận gốc của bẹ lá. Ở những ruộng mắc bệnh nặng lúc lúa vào chắc, vi khuẩn gây bệnh còn tấn công lên hạt lúa gây các đốm biến màu có viền dạng thấm nước lúc hạt lúa còn non. Giai đoạn gần thu hoạch, hạt lúa có các đốm ngả màu xám hoặc vàng trắng; diện tích quang hợp giảm nên làm giảm năng suất. Nếu để bệnh phát triển nặng có thể làm toàn bộ lá, kể cả lá đòng bị khô rạc nhanh chóng trước khi lúa chín.

Để phòng ngừa bệnh cháy bìa lá lúa, cần chú ý đến một số nội dung sau:

- Gieo sạ đúng thời vụ, mật độ vừa phải, nên áp dụng biện pháp cấy thưa hoặc sạ hàng/sạ cụm với lượng giống 70 - 100 kg/ha.

- Sử dụng các loại giống có khả năng chống chịu với thời tiết và sâu bệnh tốt. Chọn những cơ sở uy tín như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An để chọn mua giống do giống đã được kiểm tra nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng.

- Bón phân cân đối, không nên bón thừa đạm làm cây lúa yếu dễ nhiễm bệnh và đổ ngã; bón đủ phân kali cho cây lúa cứng cáp, cần bổ sung các loại phân hữu cơ vi sinh ở giai đoạn bón lót. Khi có triệu chứng bệnh phát triển thì ngưng ngay việc bón đạm và các loại phân qua lá; sau đó tiến hành phun thuốc BVTV trị bệnh.

Bệnh cháy bìa lá rất khó trị vì vi khuẩn nằm trong mạch nhựa của lá lúa. Cần phải trị thật sớm khi vừa chớm phát hiện bệnh. Có thể sử dụng các loại thuốc để trị cháy bìa lá có các hoạt chất như: oxolinic acid, bronopol, bismerthiazol, quaternaly ammonium salt, các loại thuốc gốc đồng, các loại thuốc kháng sinh gentamycine + oxytetracyline, hoặc các loại thuốc sinh học như xạ khuẩn Streptomyces lydicus.

Để phòng và trị bệnh cháy bìa lá lúa đạt hiệu quả tối ưu, cần kết áp dụng các qui trình canh tác như: “1 phải 6 giảm”, “3 giảm 3 tăng”,…; đồng thời phải thăm đồng thường xuyên vì việc này sẽ giúp cho bà con phát hiện bệnh sớm hơn, qua đó có biện pháp xử lý kịp thời và hữu hiệu./.



Các tin khác: