Thượng Uyển/Phòng TVDVTTTT
Vụ Đông-Xuân 2023 - 2024, đang nhận được nhiều kỳ vọng của bà con nông dân do giá lúa gạo hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Nhằm tranh thủ cơ hội về thời giá, nhiều nơi trong địa bàn tỉnh, nông dân liên tục đẩy mạnh thâm canh tăng vụ và độc canh cây lúa. Điều này, vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn dồi dào, tích lũy ở một nơi để sâu bệnh hại phát triển dồi dào. Do đó, để vụ lúa Đông-Xuân 2023 - 2024 đạt nhiều thắng lợi như mong muốn, ngoài việc cần chuẩn bị tốt các yếu tố chủ quan như nâng cao kỹ thuật canh tác, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, tuân thủ lịch gieo sạ,... bà con cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề liên quan đến quản lý dịch hại, đặc biệt là giai đoạn đòng - trổ vì đây là giai đoạn trọng yếu quyết định năng suất, chất lượng của cây lúa.
Về bệnh hại: giai đoạn đòng - trổ của vụ Đông-Xuân thường rơi vào tiết lạnh cuối năm với ngày nóng, đêm lạnh, sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi cho các loại vi nấm phát triển gây ra các bệnh trên lúa như: đạo ôn (nấm Pyricularia oryzae), khô vằn (nấm Rhizoctonia Solani), cháy bìa lá (vi khuẩn Xanhthomonas oryzae), lem lép hạt (vi khuẩn hoặc do nhiều loại nấm là chủ yếu). Thăm đồng thường xuyên, phát hiện khi lúa mới chớm bệnh để trừ bệnh hiệu quả. Có thể phun phòng trước khi trổ vài ngày và sau khi trổ đều để làm sạch nấm bệnh trên thân và lá lúa tạo tiền đề cho bông lúa khỏe, phát triển tốt.
Về sâu, rầy: thông thường ở giai đoạn đòng - trổ, hàm lượng dinh dưỡng được tích lũy rất cao trong cây lúa để nuôi đòng, nuôi hạt nên bị nhiều loại sâu, rầy tập trung gây hại như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, nhện gié,… Thời kỳ này, cây lúa không còn nhiều thời gian phục hồi và thay thế như giai đoạn trước nên việc quản lý tốt các đối tượng trên là rất cần thiết. Biện pháp hiệu quả phòng trừ sâu, rầy là tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch cư trú ngay từ đầu vụ, chỉ phun thuốc hóa học khi mật độ sâu, rầy đạt đến ngưỡng gây hại và cần đảm bảo nguyên tắc 4 đúng.
Về phân bón: có sự liên quan mật thiết giữa sâu bệnh hại và phân bón trong suốt thời gian sinh trưởng, phát triển của cây lúa nói chung và giai đoạn đòng-trổ nói riêng. Do đó, cần bón phân cân đối, không nên bón thừa đặc biệt là phân đạm ở lần bón đón đòng sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh hại tấn công, ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng năng suất về sau.
Về quản lý nước: việc điều chỉnh mực nước ở giai đoạn đòng-trổ phù hợp là vô cùng quan trọng giúp cây lúa phân hóa đòng và tăng tỷ lệ thụ phấn, cụ thể giai đoạn bón phân đón đòng giữ mực nước là 3 - 5 cm, giai đoạn lúa trổ giữ mực nước 5-7 cm. Bên cạnh đó, việc quản lý nước hợp lý còn góp phần quản lý dịch hại như: thiếu nước làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn hay khi phun thuốc trừ rầy ruộng phải có nước mới đạt hiệu quả cao,…
Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) một cách triệt để. Đồng thời, kết hợp nhiều biện pháp bổ sung khác để phòng, trị tốt sâu bệnh hại như: vệ sinh đồng ruộng tối đa, dọn sạch cỏ dại, diệt ốc bươu vàng, chuột gây hại,… để đảm bảo cây lúa phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh hại./.