*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Giải trí

NĂM THÌN… TẢN MẠN CHUYỆN VỀ RỒNG!


Lễ Dũng st

12 con giáp biểu tượng vòng quay tuần tự 12 năm, giáp nào cũng có thực, chỉ trừ rồng là con vật do người tưởng tượng nên; tuy đầy tính siêu nhiên nhưng rồng lại là hình ảnh rất phổ biến trong đời sống dân gian không chỉ ở nước ta mà còn xuất hiện trong văn hóa nhiều nước bạn. Rồng không có thực nhưng chuyện về rồng thì rất phong phú, vậy nên nhân dịp năm Thìn đến, chúng ta hãy dành vài dòng tản mạn chuyện rồng nhé!

Vì sao nói người Việt là con Rồng cháu Tiên?

Câu chuyện này có lẽ ai cũng biết nhưng nhắc lại vẫn không thừa khi sự tích đó được xem là cội nguồn của dân tộc. Thủy tổ của người Việt theo lịch sử là Lạc Long Quân cốt rồng gặp và thành thân cùng Âu Cơ cốt tiên ở động Đình Hồ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. 50 người theo cha về vùng nước sinh sống lập thành dòng Rồng, 50 người còn lại theo mẹ lên núi lập thành dòng Tiên. Người Việt được xem có nguồn gốc con Rồng cháu Tiên là thế. Dĩ nhiên câu chuyện mang tính siêu nhiên nhưng sự thừa nhận là thực mà một trong những minh chứng cụ thể là 2 con đường mang tên Lạc Long Quân và Âu Cơ ở quận 11 thành phố Hồ Chí Minh và quận Hồ Tây thành phố Hà Nội hữu ý được bố trí kế cận nhau.

Từ đâu Rồng được xem là biểu tượng gắn liền với lịch sử dân tộc?

Theo sử sách ghi chép, hình ảnh rồng được các triều đại từ thời Lý sử dụng để trang trí các công trình kiến trúc của cung đình của vua chúa, còn tên gọi Thăng Long của đất kinh đô hình thành vào năm 1009 được kể bắt nguồn từ một đêm vua Lý Công Uẩn mơ thấy một con Rồng Vàng bay lên. Truyền thuyết cũng kể rằng các vị vua ngày kia cũng thấy một đàn chín con rồng lượn quanh trên dòng sông lớn (sông Mê Kông) đi qua vùng trồng lúa phía nam đất Việt để rồi đặt tên cho nơi này là Đồng bằng sông Cửu Long. Từ sơ khởi chỉ là hình ảnh trang trí, rồng dần hóa thân như một biểu tượng của quyền lực tối thượng thuộc riêng của vua nên từ “Long” được gắn vào các vật thể liên quan với vua như: “Long nhan”, “Long bào”, “Long thể”, “Long sàng”,…  

Hình ảnh rồng khởi đầu và thuộc về triều đình nên khi trong dân bắt chước dùng hình ảnh rồng để vẽ, chạm trổ nhà, đình, chùa, miếu,… thì triều đình ra lệnh cấm. Dù vậy, nhiều nơi vẫn tìm cách lách luật bằng cách sửa đổi hình dạng rồng sao cho khác đi với rồng của vua như rồng trong dân chỉ có 4 móng thay vì 5 móng ở rồng cung đình hoặc cách điệu dáng rồng ẩn trong đóa hoa, cành lá, gốc tre, thân trúc,… Cứ thế, rồng với dáng vẻ đa dạng xuất hiện càng lúc càng rộng rãi trong trong văn chương, hội họa, điêu khắc, kiến trúc mọi thời đại và tự nhiên trở thành vật thể cao quý người người nhà nhà đều mong muốn đạt đến mà trong đó có lẽ sự thể hiện cao nhất là bức tranh “cá chép vượt vũ môn” để hóa rồng. Một số ghi chép lại cho rằng rồng Việt Nam còn có tiền thân là rắn biển được ngư dân Giao Chỉ xưa tôn kính mà động thái trở thành tập quán của họ là xăm hình giao long trên thân thể, khắc chạm hình rồng trên mũi và đuôi thuyền để mỗi khi ra khơi, rắn biển sẽ không xâm phạm vì ngỡ đó là đồng loại. 

Theo dòng lịch sử, rồng tiếp tục được tôn vinh để trở thành biểu tượng của sự mong ước mưa thuận gió hòa trong dân gian, vốn đại đa số làm nghề trồng lúa. Với nông dân xưa, hiện tượng cơn lốc cuốn nước trên biển được xem là hình ảnh rồng đang uống nước sau đó bay lên trời và phun ra làm mưa, thế nên với vua thì rồng là bản mệnh, còn với dân rồng là phúc thần. Chính vì vậy, các dịp lễ hội ở nhiều vùng, miền đất nước thường không thiếu hình ảnh rồng mà một trong các hoạt động đặc trưng là múa Rồng đến nay vẫn còn duy trì tại các lễ hội như ngày Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Vua Lê ở Thanh Hóa,… hay như vào dịp lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đều không thể thiếu điệu múa rồng. 

Rồng giữ vị trí nào trong 12 con giáp?

Với đặc điểm oai nghi, hùng tráng cùng với nguồn gốc siêu nhiên nên như một mặc định Rồng được xem là con giáp có giá trị cao nhất, đứng trên 11 con giáp còn lại. Vì thế mà người sinh vào năm Thìn luôn được coi là tốt, là quý và được gán cho tính cách thông minh, năng động, nhiều tham vọng, có khả năng làm nên chuyện đại sự. Câu nói “mã tang hàm rồng” chỉ những người gặp được nhiều hồng phúc, thế nên năm Thìn được xem là năm đại cát với người tuổi Thìn, ngược lại với các con giáp khác khi rơi vào “năm tuổi” lại có quan niệm ít gặp được điều may mắn.

Cách nhìn thần bí về rồng được mở rộng không ngừng qua những câu chuyện hư cấu theo hướng đưa rồng lên vị trí nhiều tôn kính mà điển hình là quan niệm của người dân Trung quốc ví Rồng như thần linh từ xưa đến tận nay (tiếng Hán Trung quốc gọi Rồng là Long và cho đó là một loài vật khổng lồ thời tiền sử đã bị tuyệt chủng khoảng 65 triệu năm trước?). Quá nhiều ưu điểm nên Rồng là một trong những loài tượng trưng cho cung Hoàng đạo 12 con giáp và giờ Thìn là giờ tốt cho mọi sự khởi đầu; từ 7 đến 9 giờ sáng; là lúc mà quần long xuất hành đi làm mưa.

Rồng không chỉ có vị trí cao quý trong 12 con giáp mà còn là con vật đứng đầu trong bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng tượng trưng cho sự hoàn hảo “phú quý song toàn đinh tài lưỡng vượng”, 4 con vật biểu thị cho cho sự trường thọ và có khả năng di chuyển chạy, bò, bay, lặn mà trong đó rồng đứng đầu bởi có thể hóa thân vào mọi cách di chuyển.

Xuất xứ của tên gọi Phủ Đầu Rồng?  

Vào năm 1868, kiến trúc sư Hermitte người Pháp thiết kế và trải qua 2 năm xây dựng để lập nên Phủ Toàn Quyền Đông Dương tại Sài-gòn; còn gọi là Dinh Norodom. Sau Hội nghị Genève năm 1954, Dinh Norodom đổi tên thành Phủ Tổng thống của Ngô Đình Diệm. Vào tháng 2 năm 1962 nơi đây bị ném bom hư hỏng nặng nên được cho xây dựng lại theo bản vẽ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, khi hoàn tất vào năm 1966 được đổi tên là Dinh Độc Lập, trong Dinh có chiếc ghế của Tổng thống được khắc hai đầu rồng trên hai tay gác nên các nhà báo lúc bấy giờ mới gọi châm biếm Dinh Độc Lập là Phủ Đầu Rồng. Và như chúng ta đã biết, ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên đỉnh Dinh Độc Lập đánh dấu thắng lợi lịch sử giải phóng miền Nam để tiếp đến tháng 12 cùng năm tại đây đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước, từ đó danh xưng Hội trường Thống Nhất ra đời, xóa bỏ hẳn tên gọi Dinh Độc Lập hay Phủ Đầu Rồng.

Bản gốc vở kịch “Con rồng tre” của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện ở đâu?

“Con rồng tre” là tựa đề vở kịch do Nguyễn Ái Quốc biên soạn vào năm 1922 với nguyên văn tiếng Pháp là “Le Dragon de Bambou”. Người viết vở kịch này nhằm vạch trần ý đồ bán nước của vua Khải Định nhà Nguyễn khi sang Pháp dự triển lãm thuộc địa do thực dân Pháp tổ chức tại Marseille. Vở kịch lấy hình ảnh những người chơi đồ cổ ưa thích những khúc tre được đẽo gọt thành hình rồng dùng trang trí trong các tủ trà, tủ rượu; tuy bề ngoài phô trương dáng vẻ là rồng nhưng thực chất chỉ là các đoạn tre vô dụng. Điều đáng kể là vào năm 1965, có một nhà nghiên cứu người Mỹ gặp Bác ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngỏ lời xin và được Bác tặng cho bản viết tay của Bác về vở kịch này. Vào ngày lễ tang Bác năm 1969, nhiều lãnh tụ các quốc gia đến viếng; trong đó có ngài Gus Hall, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ kể lại câu chuyện một đồng chí cộng sản người da đen ở Mỹ mà ông không rõ tên đã xin Bác bản viết tay bằng tiếng Pháp vở kịch “Con rồng tre”, ông còn nói rõ bản viết tay đó có cả bút tích đóng góp hiệu đính của Tiến sĩ luật Phan Văn Trường! Tuy tiếc về một kỷ vật quý giá của Bác không còn lưu giữ nhưng cũng thật vinh dự cho người đã được Bác tặng món quà này./.



Các tin khác: