*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thông tin tuyên truyền

Bảo tồn và phát triển giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào


Văn Thạnh/P.TVDVTTTT

Ngày 01/3 vừa qua, tại Nhà văn hóa ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An (Trung tâm) tổ chức hội thảo “Mô hình canh tác lúa Nàng Thơm Chợ Đào theo hướng hữu cơ” nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời đúc kết kinh nghiệm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Tham dự hội thảo có các đại biểu là đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh; Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, TTDVNN huyện Cần Đước; UBND xã, HTX Nông nghiệp, Cơ sở Bảy Sánh,... và hơn 20 nông dân trồng lúa tại xã Mỹ Lệ.

 

Đây là năm thứ 2 Trung tâm thực hiện mô hình trên lúa Nàng thơm Chợ Đào (NTCĐ), mô hình được thực hiện từ tháng 8/2023 đến tháng 01/2024 với diện tích 5 ha/5 hộ; tại ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An; lượng giống sử dụng 25 kg/ha (đối chứng  80 kg/ha); áp phương pháp cấy tay và thực hiện theo quy trình sản xuất giống nhằm tạo ra nguồn giống chất lượng cho địa phương.

Mô hình sử dụng giống lúa được lấy từ nguồn giống thuộc đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An” do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV; trong đó, áp dụng kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, không đốt rơm rạ và các giải pháp khác để giảm phát thải khí nhà kính; nông dân thực hiện ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng. Đặc biệt là việc giảm lượng phân bón hóa học thông qua việc sử dụng phân hữu cơ.

Ghi nhận từ thực tế qua quá trình thực hiện mô hình, cho thấy: mô hình sử dụng phân hữu cơ giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh tốt, lá cứng, có màu xanh nhạt hơn so với bón phân hóa học và giữ màu bền hơn; mô hình đã giảm được 1 lần bón thúc đẻ nhánh so với tập quán sản xuất trước đây, một số hộ giảm được 1 lần bón phân rước hạt; ruộng mô hình chỉ rải thuốc ốc, không phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; chỉ tiêu về năng suất và thành phần năng suất cho thấy mặc dù mô hình trình diễn có số bông/m2 thấp hơn so với đối chứng là 09 bông nhưng số hạt chắc/ bông cao hơn 13,1 hạt nên năng suất lý thuyết của mô hình cao hơn đối chứng. Năng suất thực tế của mô hình cao hơn so với đối chứng 100 kg/ha. Kết quả thực tế cũng cho thấy, Giống lúa NTCĐ được lấy từ nguồn giống của đề tài do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện có thời sinh trưởng thích hợp với vụ mùa tại địa phương, ít nhiễm sâu bệnh, dạng hình đẹp, trổ tập trung, đồng đều, năng suất khá cao.

Mô hình áp dụng giải pháp cấy lúa, bón phân hữu cơ giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, giảm phun thuốc hóa học. Việc sử dụng phân hữu cơ về lâu dài sẽ giúp cải tạo đất và nâng cao chất lượng hạt gạo, giúp duy trì và gia tăng thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào của tỉnh Long An. Mặc dù mô hình có chi phí sản xuất ban đầu hơi cao do tốn công gieo mạ, cấy và sử dụng phân hữu cơ; năng suất và lợi nhuận có tăng so với ngoài mô hình (lợi nhuận cao hơn 520.000 đồng/ha) nhưng quan trong hơn là mô hình đã tạo được nguồn giống chất lượng để cung ứng cho nông dân địa phương.

Từ những kết quả đạt được cho thấy mô hình cần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh quảng bá nhằm hướng nông dân đến sản xuất an toàn bền vững, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hạt gạo Nàng thơm chợ Đào - một trong những giống lúa đặc sản của tỉnh nhà./.



Các tin khác: