*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thông tin tuyên truyền

Nước và các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước của vật nuôi


Văn Thạnh/Phòng TVDV-TTTT

Nước là chất dinh dưỡng đầu tiên cần thiết cho sự sống và việc đảm bảo nhu cầu nước giúp các hoạt động sống của cơ thể vật nuôi được diễn ra bình thường, nhờ đó, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Nước là chất dinh dưỡng quan trọng nhưng hầu hết người chăn nuôi đều ít quan tâm đến. Và thực tế là gia súc, gia cầm sẽ chết nhanh khi thiếu nước hơn là thiếu thức ăn. Trong cơ thể vật nuôi, nước giữ chức năng vô cùng quan trọng là dung môi để hòa tan các chất dinh dưỡng đến nuôi mô cơ và chuyển chất thải từ mô cơ đến các cơ quan bài tiết. Nước còn giúp cơ thể điều nhiệt do nhiệt dung riêng của nước cao. Ngoài ra, nước cũng bị bốc hơi khỏi cơ thể qua phổi và qua da, chính vì vậy nó cũng góp thêm vào chức năng điều hòa nhiệt độ cơ thể.

 

Gia súc, gia cầm lấy nước từ ba nguồn khác nhau: nước uống, nước có trong thức ăn và nước trao đổi. Nước trao đổi được hình thành trong quá trình ôxy hóa các chất hữu cơ có chứa hydro trong cơ thể vật nuôi. Vật nuôi cũng mất nước thông qua 3 con đường chính, đó là thải qua phân, qua nước tiểu và qua mồ hôi (đối với gia súc) và một phần nhỏ lượng nước bị mất qua hơi thở. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới cộng với ảnh hưởng của hiện tượng nóng dần lên của trái đất, nước uống có thể là vấn đề trở ngại cho người chăn nuôi, nhất là trong mùa khô trong thời gian tới.

Nhu cầu nước của vật nuôi thay đổi tùy thuộc vào loài, độ tuổi, nhiệt độ môi trường, loại thức ăn và khả năng sản xuất. Tùy vào từng loài vật nuôi mà nhu cầu nước của chúng sẽ khác nhau; ví dụ trâu bò cần nhiều nước hơn là cừu và dê,… Sự khác nhau này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể và đặc điểm sinh lý. Gia súc, gia cầm non cần nhiều nước hơn so với gia súc, gia cầm trưởng thành vì cơ thể gia súc non chứa đến 750 - 800 gr nước/kg thể trọng, nhưng ở gia súc trưởng thành thì giá trị này còn 500 gr. Tương tự, nếu gia súc, gia cầm nuôi thương phẩm sẽ có nhu cầu nước ít hơn đối gia súc gia cầm nuôi sinh sản. Đây là yếu tố đặc trưng về loài mà người chăn nuôi không thể tác động được. Còn các yếu tố còn lại như nhiệt độ môi trường, loại thức ăn thì người chăn nuôi có thể tác động để làm giảm nhu cầu nước uống và điều này rất quan trọng khi tình hình nắng nóng kéo dài và nguồn nước bị xâm nhập mặn vào mùa khô.

Khi nhiệt độ môi trường cao trên 26 - 270C thì gia súc, gia cầm tăng lượng nước uống gấp đôi và khi nhiệt độ cao trên 320C thì lượng nước tăng gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Điều này được lý giải là do nhiệt độ cao, vật nuôi cần nhiều nước để điều hòa thân nhiệt, đảm bảo các phản ứng sinh hóa của cơ thể diễn ra bình thường và làm đầy dạ dày khi vật nuôi giảm lượng ăn vào, từ đó giảm stress do nhiệt gây ra. Tuy nhiên, khi uống nhiều nước cùng lúc sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải, gây rối loạn tiêu hóa ở vật nuôi, nhiệt độ quá cao sẽ gây stress cho vật nuôi, mở đường cho các bệnh truyền nhiễm tấn công và gây hại. Để hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường thì người chăn nuôi cần phải tạo được thông thoáng cho chuồng nuôi. Tùy theo điều kiện chăn nuôi và loại vật nuôi, chuồng nuôi cần bố trí các thiết bị làm mát như: quạt, hệ thống dàn làm mát, hệ thống phun sương, phun mưa trên mái. Trồng cây tạo bóng mát xung quanh chuồng cũng giúp giảm nhiệt độ. Nếu có điều kiện đầu tư thì giải pháp tối ưu nhất là xây chuồng kín với hệ thống làm lạnh giúp ổn định nhiệt độ chuồng nuôi.

Đối với thức ăn, nhu cầu nước của vật nuôi phụ thuộc vào độ ẩm, mức tinh bột (carbohydrat) và mức protein cao trong thức ăn. Thức ăn có độ ẩm thấp (như thức ăn dạng viên), lượng tinh bột, protein cao thì nhu cầu nước của vật nuôi sẽ nhiều hơn. Do quá trình chuyển hóa tinh bột và đào thải lượng đạm thừa ra khỏi cơ thể. Vì vậy, việc cân đối dinh dưỡng và nguồn nguyên liệu sẽ giúp người chăn nuôi quản lý tốt lượng nước uống hàng ngày.

Nước có rất nhiều vai trò đối với cơ thể vật nuôi, vì vậy, để đảm bảo cho vật nuôi khỏe mạnh thì việc đáp ứng được nhu cầu nước uống cho vật nuôi là điều quan trọng. Do đó, việc hiểu biết và khắc phục các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước uống hàng ngày sẽ giúp người chăn nuôi chủ động cung cấp đủ lượng nước sạch, mát, giảm stress cho vật nuôi đặc biệt là trong mùa nắng nóng./.



Các tin khác: