*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thông tin tuyên truyền

Hoạt động chăn nuôi và khí phát thải nhà kính


Văn Thạnh/Phòng TVDV-TTTT

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi. Ngoài ra, chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước đạt 379 triệu mét khối. Ước tính mỗi năm ngành chăn nuôi phát thải hơn 30,84 triệu tấn CO2 ra môi trường (2020).

 

Chăn nuôi là ngành nông nghiệp quan trọng, cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con người. Bên cạnh các đóng góp tích cực thì nguồn chất thải từ hoạt động chăn nuôi cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, trong đó nguồn khí thải góp phần không nhỏ gây ra hiệu ứng khí nhà kính (hay khí thải nhà kính) và gây biến đổi khí hậu.

Khí nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), metan (CH4) và nitơ dioxide (N2O). Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm quá trình sản sinh khí metan từ hoạt động tiêu hóa của gia súc, từ nguồn chất thải (phân, nước thải), từ hoạt động sản xuất và vận chuyển thức ăn chăn nuôi. Trong các nguồn phát thải đó thì quá trình sinh khí metan từ hoạt động tiêu hóa của động vật nhai lại và từ hoạt động xử lý chất thải yếm khí (biogas) được xem là nguồn phát thải chính. Vì khí metan là loại khí gây hiệu ứng khí nhà kính mạnh, cao gấp 30 lần so với khí CO2.  Trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 78 kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76 kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54 kg CH4/con/năm, ngựa 18 kg CH4/con/năm, dê, cừu 5 kg CH4/con/năm (Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2022 về công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính). Theo thống kê từ bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện nay chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường. Để giảm thiểu tác hại của ngành chăn nuôi đối với môi trường thì việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi mà đặc biệt là xử lý chất thải được xem là giải pháp rất quan trọng.

 

Từ những thành công của các mô hình chăn nuôi ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải như: đệm lót sinh học, các chế phẩm trộn vào thức ăn hay nước uống làm giảm mùi hôi, cân đối khẩu phần ăn, giảm lượng protein trong khẩu phần ăn bằng hình thức tăng chất lượng,… đã giúp giảm phát thải khí độc bao gồm cả khí metan. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi chất thải hữu cơ thành khí sinh học và sử dụng triệt để nguồn năng lượng này cũng được xem là 1 trong những giải pháp tối ưu của ngành chăn nuôi đối với môi trường. Nó không chỉ làm giảm lượng khí thải mêtan mà còn cung cấp nguồn năng lượng tái tạo sử dụng lại cho hoạt động chăn nuôi. Ngoài ra, ủ phân chất thải động vật có thể là một phương pháp tái chế chất dinh dưỡng hiệu quả, vì phân trộn thu được có thể được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, qua đó hướng đến mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn không có rác thải.

Bên cạnh các giải pháp truyền thống thì hiện nay cũng có nhiều nghiên cứu đi sâu vào việc giảm lượng khí thải metan ở bò bằng cách trộn thêm hợp chất hữu cơ 3-NOP vào thức ăn. Trong dạ cỏ của bò, vi khuẩn sẽ giúp phân hủy thức ăn và giải phóng hydro và carbon dioxide. Một loại enzyme sẽ kết hợp các khí này để tạo thành khí mêtan. Thức ăn có trộn thêm hợp chất hữu cơ 3-NOP sẽ ức chế hoạt động của enzyme này, từ đó làm giảm lượng khí thải metan; trung bình, khí metan sẽ giảm khoảng 30% - 45%.

Do đó, để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững trong tương lai thì việc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng tốt các giải pháp xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi là rất cần thiết; đồng thời, các cơ quan có liên quan cần thúc đẩy thực hiện các chương trình, dự án hợp tác về thực hiện giải pháp giảm phát thải, bán tín chỉ Carbon để có nguồn thu và hỗ trợ lại cho người chăn nuôi. Các giải pháp này sẽ giúp kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính từ đó góp phần bảo vệ môi trường và cuộc sống của con người./.



Các tin khác: