Hiếu Dân/Phòng Kỹ thuật
Để tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây chanh, vào đầu tháng 7, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An đã phối hợp với TTDVNN huyện Đức Huệ và Bến Lức, Ủy ban nhân dân 2 xã Bình Hòa Nam và Bình Đức tổ chức 02 cuộc Hội nghị triển khai về các nội dung sẽ thực hiện trong năm 2024.
Tham dự Hội nghị có ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc TTDVNN tỉnh Long An; lãnh đạo và đại diện TTDVNN huyện Đức Huệ và Bến Lức; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã Bình Hòa Nam, xã Bình Đức; đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Hưng, Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Sơn Bình Hòa Nam; 45 đại biểu là nông dân đã tham gia thực hiện mô hình trồng, thâm canh chanh bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu từ năm 2022 và một số nông dân trồng chanh ở khu vực lân cận.
Trước khi triển khai các nội dung sẽ thực hiện trong năm 2024, cán bộ phụ trách đã đánh giá những nội dung được triển khai thực hiện năm 2023; từ đó đưa ra một số kinh nghiệm và các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn đã gặp phải. Ngoài việc hỗ trợ vật tư cho nông dân trong mô hình trồng, thâm canh chanh bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu thì nông dân trồng chanh ở trên địa bàn 2 xã cũng đã được tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng chanh, các hợp tác xã sản xuất, thu mua, chế biến chanh đạt hiệu quả,… Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền về cơ chế chính sách và quy trình kỹ thuật cũng được đẩy mạnh thực hiện thông qua các chương trình phát thanh hợp tác với Đài Phát thanh và truyền hình Long An, các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh của huyện Đức Huệ và Bến Lức. Thông qua các hoạt động đã thực hiện, chương trình đã giúp cho người dân trồng chanh bước đầu nhận thấy hiệu quả của việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào trong quá trình canh tác chanh, vườn chanh thông thoáng ít bệnh, chất lượng trái đồng đều, năng suất cao và ổn định.
Từ các kết quả đã đạt được, nội dung thực hiện trong năm 2024 cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ vật tư cho nông dân trong mô hình với chính sách là 20% không quá 100 triệu đồng/mô hình và tiếp tục thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nông dân trong mô hình sẽ trao đổi bàn bạc và thống nhất để lựa chọn loại vật tư hỗ trợ, thời gian nhận vật tư trong năm 2024.
Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến các đại biểu về một số mặt khó khăn trong quá trình thực hiện như việc cây chanh bị giảm năng suất do hạn mặn vào đầu năm 2024, các sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học phát huy tác dụng chậm nên một vài nông dân còn e ngại, việc ghi chép sổ nhật ký còn chưa thường xuyên, giá bán chanh không ổn định, việc liên kết tiêu thụ chưa đạt được kết quả như mong muốn,… Tại hội nghị, lãnh đạo địa phương cũng đã trình bày làm rõ thêm về ảnh hưởng của hạn mặn đối với vùng, diện tích trồng chanh trên địa bàn và hướng làm việc sắp tới của địa phương với nội dung gắn kết tiêu thụ sản phẩm cho cây chanh. Các ý kiến khác của đại biểu cũng đã được lãnh đạo địa phương, Trung tâm DVNN huyện ghi nhận và giải đáp.
Cuối buổi hội nghị, ông Dương Văn Tuấn-Phó Giám đốc TTDVNN tỉnh Long An cũng đã thống nhất trình tự các bước triển khai thực hiện mô hình và phần kinh phí hỗ trợ trong năm 2024. Ông Dương Văn Tuấn cũng đề nghị Hợp tác xã tham gia thực hiện mô hình nhanh chóng tổ chức họp để trao đổi, thảo luận và thống nhất lựa chọn loại vật tư để sớm triển khai thực hiện. Đồng thời cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở nông dân trong mô hình thực hiện tốt việc ghi chép sổ nhật ký để làm cơ sở cho việc đánh giá chứng nhận VietGAP trên cây chanh trong thời gian tới./.