Trúc Đào/Phòng Kỹ thuật
Đất trồng là môi trường mà nơi đó bộ rễ của cây trồng bám vào. Rễ cây sẽ lấy nước và dinh dưỡng từ trong đất để cây trồng sinh trưởng, phát triển và cho ra lương thực, thực phẩm, gọi chung là khả năng sản xuất của đất. Qua đó cho thấy, đất là tư liệu sản xuất rất đặc biệt, đồng thời là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác chẳn hạn như tác động của con người hoặc môi trường, đã khiến cho đất canh tác hiện nay giảm dần khả năng sản xuất. Ví dụ, khi đất bị lèn mặt, đất chai cứng, nén dẽ,… làm cho cây trồng bị còi cọc, phát triển kém dần; hoặc đất bị chua hóa, phèn hóa làm hiệu quả hấp thu dưỡng chất từ phân bón cho cây trồng kém đi; hoặc cây trồng bị suy yếu rất mẫn cảm với nấm bệnh. Như vậy, đất khỏe đồng nghĩa với đất màu mỡ, phì nhiêu sẽ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao; ngược lại đất trồng không khỏe sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất của cây trồng nói chung.
Như thế đất trồng có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên, trong thực tế sản xuất hiện nay hầu như người nông dân chưa thật sự quan tâm đến sức khỏe của đất trồng, mà tập trung chủ yếu đến sức khỏe của cây trồng thông qua việc bón phân, phun thuốc,…
Trong canh tác lúa hiện nay, do nhu cầu an ninh lương thực nên các vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, hoặc 7 vụ/2 năm (gọi chung là vùng thâm canh cao) đã và đang phát triển rất nhanh về diện tích trong những năm gần đây. Tuy nhiên, so với những thập niên trước chỉ canh tác lúa 2 vụ/năm và còn có phù sa từ các con sông bồi đắp hàng năm theo lũ. Hiện nay, những vùng sản xuất lúa thâm canh cao đã có những biểu hiện suy giảm về tăng trưởng và năng suất lúa, do độ phì của đất suy giảm mặc dù hàng năm một lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng liên tục. Thêm vào đó, hàng năm khối lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng từ rơm rạ đã bị lấy đi khỏi ruộng do tập quán đốt đòng hoặc những mục đích khác. Do đó, sinh trưởng và năng suất lúa hiện nay suy giảm có thể là kết quả của quá trình suy thoái độ phì nhiêu đất (về mặt vật lý, hóa học và sinh học đất), từ đó làm suy giảm sức sản xuất của đất.
Trong canh tác rau màu và cây ăn trái, khi cây ăn trái phát triển kém hoặc vàng lá,… rất ít nông dân đào đất theo độ sâu của tầng đất để kiểm tra bộ rễ cây phát triển trong đất thế nào, hoặc tìm hiểu rễ cây hoặc đất có bị vấn đề gì không…. để từ đó biết được nguyên nhân chính gây ra những biểu hiện lạ trên cây trồng. Thay vào đó, nông dân sẽ bón phân hoặc phun thuốc BVTV để khắc phục tình trạng mà cây trồng đang gặp phải. Tuy nhiên, khi nguyên nhân chính của vấn đề chưa xác định thì việc sử dụng phân bón hoặc thuốc BVTV trong trường hợp này vừa tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả; đồng thời, vô tình làm cho tình trạng cây trồng đang gặp phải càng nghiêm trọng hơn.
Như vậy, khi đất trồng trọt nói chung không khỏe, đất bị suy thoái đều ảnh hưởng lớn đến cây trồng phát triển trên đó. Chẳng hạn, đất bị suy thoái về mặt hóa học (do đất nghèo dinh dưỡng, chua hóa, mặn hóa,…) thì cây trồng sẽ còi cọc, phát triển kém dần; bị xáo trộn và mất cân đối trong việc hấp thu nước và dinh dưỡng của cây, thậm chí cây bị ngộ độc và giảm năng suất. Khi đó, mặc dù bón phân cho cây với liều lượng cao nhưng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng vẫn kém, làm cho sự phát triển cũng như năng suất của cây nói chung vẫn không cải thiện được. Đối với đất trồng bị suy thoái đất về mặt vật lý (do đất bị chai cứng, nén dẽ, lèn mặt,…) thì bộ rễ cây trồng phát triển bị hạn chế, cây dễ đổ ngã, khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng cũng bị hạn chế; bên cạnh đó đối với cây ăn trái còn có biểu hiện bị vàng lá, rụng lá, thậm chí là chết cây do thối rễ, triệu chứng này thường xuất hiện trong mùa mưa do thoát nước kém. Đối đất trồng bị suy thoái về mặt sinh học (do cộng đồng vi sinh vật có lợi trong đất như nấm, xạ khuẩn,…. bị suy giảm) làm cho cây trồng phát triển trên đó rất dễ bị nhiễm nấm bệnh (ví dụ, cây bị bệnh thối rễ, thối cổ rễ, bệnh nứt thân xì mủ, bệnh vàng lá thối rễ…), đặc biệt là những chủng loại nấm có nguồn gốc từ đất, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển và năng suất của cây trồng.
Hiện nay, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe đất trồng trọt như sau:
Thứ nhất, là do tập quán đốt đồng (đối với cây lúa) và trong quá trình canh tác cây trồng nói chung bón phân không cân đối, đặc biệt là không cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ. Nếu chỉ ưu tiên sử dụng phân bón vô cơ và rất ít hoặc không sử dụng phân hữu cơ, lâu dần gây nên tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất và đất không tơi xốp, thoáng khí. Mặt khác, đối với đất trồng rau màu và cây ăn trái thì dinh dưỡng trong đất rất dễ bị rữa trôi, đất dễ bị lèn mặt khi mưa, làm giảm tính thấm nước của đất, khả năng hô hấp cũng như khả năng thoát nước của bộ rễ cây trồng cũng giảm, đặc biệt bộ rễ cây rất dễ bị thối rễ khi ngập úng.
Thứ hai, là do sử dụng loại phân bón cho cây trồng không phù hợp cho đất. Chẳng hạn, đất canh tác trên địa bàn tỉnh Long An đa phần là đất nhiễm phèn và có vật liệu sinh phèn bên dưới. Do đó, nếu sử dụng phân super lân hoặc phân SA bón cho cây trồng trên đất nhiễm phèn là không phù hợp. Bởi vì, việc làm này lâu ngày làm cho đất vốn pH đã thấp (thông thường pH<5) thì pH ngày càng giảm, đất chua nhiều hơn theo thời gian canh tác. Khi pH ngày càng thấp thì hiệu quả hấp thu phân bón của cây trồng càng kém, gây lãng phí phân bón và làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất.
Thứ ba, là trong quá trình canh tác sử dụng quá nhiều hóa chất (như phân bón và thuốc BVTV) nhưng thiếu bổ sung chất hữu cơ cũng như vi sinh vật (như nấm Trichoderma, xạ khuẩn,…) cho đất, khiến cho cộng đồng vi sinh vật có lợi trong đất bị suy giảm. Đối với rau màu và cây ăn trái, trong điều kiện đất trồng canh tác lâu năm sẽ bị chua hóa, bị suy thoái thì cộng đồng vi sinh vật có hại (như nấm gây bệnh, tuyến trùng,…) phát triển mạnh và gây hại cho bộ rễ cây trồng và cây rất dễ bị nấm bệnh xâm nhập làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng.
Thứ tư, là do thiếu lớp che phủ trên bề mặt liếp trồng rau màu và cây ăn trái (như cỏ, lá cây, rơm rạ,…). Khi thiếu lớp che phủ bề mặt liếp, thì mưa hoặc tưới nước sẽ khiến cho dinh dưỡng và hữu cơ trên bề mặt của liếp rất dễ bị rữa trôi, đất mất đi độ màu mỡ và khả năng giữ ẩm trên bề mặt liếp, đất bị nén dẽ, chai cứng, hạn chế sự phát triển của bộ rễ; đồng thời làm giảm khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng của bộ rễ cây.
Thứ năm, là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô hiện nay là hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong đó, mặn hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái đất, đồng thời cũng góp phần làm ảnh hưởng đến sức khỏe đất. Khi đất trồng nói chung bị xâm nhập mặn, lâu ngày đất bị chai cứng, giảm tính thấm nước và hệ vi sinh vật sống trong đất cũng dần dần suy giảm. Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây trồng.
Như vậy, cây trồng và đất canh tác có mối liên hệ rất mật thiết với nhau, trong đó đất trồng là môi trường, là giá đở để cây trồng sinh trưởng phát triển. Do đó, trong quá trình sản xuất nông nghiệp vì một số nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đất trồng, sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cây trồng nói chung. Vì vậy, trước thực trạng sức khỏe đất trồng trọt hiện nay ngày càng suy giảm, trong khi nhu cầu về lương thực thực phẩm và yêu cầu về sản xuất nông nghiệp bền vững ngày càng cấp thiết thì cần có nhiều giải pháp nhằm quản lý sức khỏe đất để “Đất khỏe - Cây mạnh” và nông nghiệp phát triển bền vững./.