*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Tin tức

Hội thảo lấy kiến về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ


Trúc Đào/ Phòng Kỹ thuật

Ngày 16/7/2024, Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật” - Khu vực phía Nam, tại Tp.Hồ Chí Minh. Hội thảo này nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và bất cập trong thực tiễn thi hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tham dự Hội thảo là đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 06 tỉnh Miền Đông Nam bộ (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương).

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Vũ Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên cho biết: hiện nay một số loại hình thiên tai đã có sự thay đổi, bổ sung theo quy định của Luật sửa đổi; đồng thời, có bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ngoài ra, một số quy định trong Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 là chưa phù hợp với tình hình thực tế, đã gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Do đó, Hội thảo này được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn xoay quanh 05 vấn đề chính của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ và trình tự thủ tục hỗ trợ.

 

Theo ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thì Dự thảo ban hành Nghị định thay thế Nghị định 02/2017NĐ-CP ngày 09/01/2017 là cần thiết và kịp thời. Hiện nay, giá cả tăng cao nên sau thời hạn 05 năm cần có sự thay đổi Nghị định mới để điều chỉnh theo trượt giá nhằm phù hợp với mức hỗ trợ cho nông dân. Về đối tượng áp dụng trong Dự thảo, cần bổ sung kinh phí hỗ trợ cho Tổ thẩm định thống kê thiệt hại vì công tác này khá khó khăn, mất nhiều thời gian và nhân lực. Về mức độ thiệt hại, đối với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây đặc sản,… cần xây dựng mức bồi thường cao hơn mặt bằng chung của các đối tượng còn lại. Về việc xác định thời điểm kết thúc đợt thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn ở Khoản 5. Điều 9, cần có mốc thời gian cụ thể và không trái với quy định của Luật chuyên ngành.

Bên cạnh các ý kiến của chuyên gia đầu ngành, Sở Nông nghiệp và PTNT các Tỉnh đã đưa ra các ý kiến góp ý xoay quanh các nội dung chính trong Dự thảo. Cụ thể: về đối tượng và điều kiện hỗ trợ tại Điều 4 cần tuân thủ theo Luật Phòng chống thiên tai; Trong đó, thành phần của Tổ thẩm định thiên tai cần có cán bộ chuyên môn (cấp tỉnh hoặc huyện) kết hợp với các ban ngành của địa phương để đánh giá, thẩm định mức độ thiệt hại. Về trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại tại Điều 6, cần niêm yết công khai đề xuất hỗ trợ, đặc biệt là đối tượng được hỗ trợ, số tiền được hỗ trợ, công khai cho người dân để khi có vướng mắt giải quyết được dễ dàng. Về mức hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật tại Điều 5, cần bổ sung kinh phí hỗ trợ cho một số thủy sản đặc sản (ba ba, cua đinh, rắn,..), đồng thời, cần nâng mức hỗ trợ vì hiện nay đầu vào con giống thủy sản khá cao. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ trên cây lâu năm cần nâng mức hỗ trợ so với Dự thảo để nông dân tái sản xuất vì hiện nay có một số cây đặc sản (sầu riêng) có giá trị kinh tế cao, mức đầu tư ban đầu rất lớn. Đối với một số loại cây trồng, đặc biệt cây trồng lâu năm,… nên dựa vào mật độ cây. Đối với cây hàng năm, nên phân chia cụ thể mức hỗ trợ đối với trường hợp sản xuất thông thường và sản xuất theo công nghệ cao (nấm, rau trồng nhà màng,…). Trong đó, sản xuất theo công nghệ cao thì mức hỗ trợ nên dựa theo chi phí đầu tư cho sản xuất.

Thông qua Hội thảo này, những ý kiến góp ý và đề xuất từ các địa phương sẽ là cơ sở quan trọng giúp cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày càng sát với thực tiễn, để từ đó các chính sách hỗ trợ sẽ giúp người dân có thể khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống./.



Các tin khác: