*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Một số lưu ý khi chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ


Hiếu Dân/Phòng Kỹ thuật

Chăn nuôi hữu cơ ở nước ta đã được đề cập từ nhiều năm trước được xem là hướng phát triển tất yếu của ngành chăn nuôi trong tương lai nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và phù hợp với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên để đạt được tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ thì đòi hỏi người chăn nuôi phải có sự đầu tư, phải tâm huyết để thực hiện theo tiến trình lâu dài.

Từ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có chăn nuôi hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ được định nghĩa là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái. (Nghị định 109/2018/NĐ-CP).

Chăn nuôi hữu cơ là một hình thức của nông nghiệp hữu cơ; như vậy chăn nuôi hữu cơ sẽ chú trọng vào việc đảm bảo sự phát triển tự nhiên của vật nuôi, đồng thời hài hòa với môi trường và sức khỏe của con người. Các loài vật nuôi sẽ được nuôi dưỡng bằng các nguồn thức ăn thiên nhiên, hữu cơ, không chứa hóa chất độc hại. Tại chăn nuôi hữu cơ, các vật nuôi phải được nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, cụ thể là theo tiêu chuẩn quốc gia 11041-3:2017 bao gồm 4 nguyên tắc chung, 11 nguyên tắc riêng và 7 yêu cầu riêng về chăn nuôi. Nếu không đảm bảo các tiêu chí trên thì vật nuôi đó không được coi là hữu cơ và phải được cách ly khỏi khu chăn nuôi hữu cơ.

Với điều kiện chăn nuôi hiện tại của người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, muốn thực hiện chăn nuôi hữu cơ thì người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ về những tiêu chuẩn, trong đó chú ý đến một số điểm trong quá trình chyển đổi như sau:

Thứ nhất về chuyển đổi đất dùng làm trại chăn nuôi: đối với chăn nuôi gia súc ăn cỏ nếu đang chăn nuôi theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp thì phải thực hiện chuyển đổi vùng đất trồng cỏ hoặc vùng đất dùng trồng cây thức ăn chăn nuôi theo quy định là 12 tháng cho đến khi gieo hạt hoặc trồng cây đối với cây hàng năm (18 tháng cho đến khi thu hoạch vụ đầu tiên đối với cây lâu năm). Tuy nhiên, nếu đất này được sử dụng để nuôi vật nuôi không ăn cỏ thì có thể được rút ngắn nhưng không ít hơn 6 tháng. Trong thời gian thực hiện chuyển đổi thì sản phẩm thu hoạch trên đất không được ghi nhãn liên quan đến hữu cơ.

Thứ hai là về chuyển đổi con giống: đối với con giống không phải là hữu cơ thì cũng phải thực hiện chuyển đổi. Thời gian chuyển đổi tùy thuộc vào từng đối tượng và loại hình sản xuất, trong đó đối với gia súc hướng sữa thì thời gian chuyển đổi từ 3 - 6 tháng, gia súc hướng thịt đối với bê nghé ít nhất là 6 tháng; trâu, bò thịt, heo thịt thì ít nhất là ¾ quãng thời gian sống được nuôi theo phương pháp hữu cơ và không ít nhơn 12 tháng đối với trâu bò và 4 tháng đối với heo. Riêng gia cầm nuôi hướng thịt thì toàn bộ thời gian sống của nó và gia cầm hướng trứng là 6 tháng. Dù nuôi theo loại hình hướng thịt hay hướng sữa hoặc hướng trứng thì các loại gia súc phải được nuôi hữu cơ ngay khi cai sữa và gia cầm là 3 ngày sau khi ấp nở. Khi người chăn nuôi thực hiện chuyển đổi song song cùng lúc giữa đất trồng và vật nuôi thì cũng cần đảm bảo thời gian chuyển đổi theo từng yêu cầu. Trường hợp vật nuôi và đất đai chỉ dùng cho chăn nuôi trong cùng một cơ sở, thời gian chuyển đổi cho cả hai có thể rút ngắn xuống còn 12 tháng, miễn là vật nuôi và con của chúng chỉ ăn các sản phẩm từ cơ sở đó.

Thứ ba là về thức ăn: mức tối ưu vẫn là 100% sử dụng thức ăn hữu cơ kể cả trong thời gian thực hiện chuyển đổi, tuy nhiên vật nuôi công nhận là hữu cơ khi được cung cấp ít nhất 90% thức ăn hữu cơ (theo trọng lượng chất khô đối với gia súc nhai lại), hoặc được cung cấp ít nhất 80% thức ăn hữu cơ (theo trọng lượng chất khô đối với loài không nhai lại). Trong thời gian thực hiện chuyển đổi thì vật nuôi phải được sử dụng thức ăn hữu cơ không ít hơn 70% thức ăn hữu cơ (theo trọng lượng chất khô đối với gia súc nhai lại), hoặc được cung cấp ít nhất 65% thức ăn hữu cơ (theo trọng lượng chất khô đối với loài không nhai lại).

Chăn nuôi hữu cơ là hướng đi bền vững trong tương lai, vì nó không những tạo sinh kế, thu nhập ổn định lâu dài cho các hộ nông dân quy mô vừa và nhỏ mà còn giúp cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng./.



Các tin khác: