*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Đào tạo - Huấn luyện

Nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông và cộng tác viên cơ sở để phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh


Kim Xoàn/Phòng TVDVTTTT

Trung tuần tháng 7 và 8 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An đã tổ chức 02 lớp “Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải” và “Tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP” tại Công ty cổ phần Du lịch Bông Sen, số 7A, Võ Công Tồn, phường 1, thành phố Tân An, Long An. Hoạt động này nằm trong kế hoạch đào tạo huấn luyện khuyến nông hàng năm từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia. Lớp tập huấn có 60 học viên tham dự là các nhân viên kỹ thuật làm công tác khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa,… và cộng tác viên khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, nông dân chủ chốt.

Lớp “Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải” được Thạc sĩ nông học Mai Thị Mộng Cúc - Nguyên phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An, người có hơn 30 năm kinh nghiệm gắn bó với cây lúa chia sẻ về biến đổi khí hậu, sự liên quan giữa biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật canh tác lúa bền vững, giảm phát thải (kỹ thuật canh tác, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, quản lý rơm rạ). Trong đó, phần kỹ thuật canh tác bao gồm các kỹ thuật làm đất, quản lý nước, gieo sạ, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc canh tác bền vững và giảm phát thải. Phần thu hoạch và xử lý sau thu hoạch bao gồm kỹ thuật trong thu hoạch, sấy lúa, bảo quản lúa theo nguyên tắc nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm thất thoát sau thu hoạch, tiết kiệm năng lượng. Phần quản lý rơm rạ bao gồm kỹ thuật quản lý rơm và gốc rạ theo nguyên tắc tuần hoàn, giảm phát thải. Không đốt rơm hoặc vùi rơm trong ruộng ngập nước. Thu rơm ra khỏi ruộng bằng máy cuốn rơm, ưu tiên tái sử dụng hay tuần hoàn rơm tại địa phương. Rơm khô, chất lượng phù hợp có thể sử dụng để trồng nấm hoặc làm thức ăn cho gia súc,... Rơm ướt hoặc rơm đã bị hoai mục sử dụng để phủ gốc cây. Tất cả các loại rơm và phụ phẩm hay chất thải từ việc trồng nấm và chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ. Đây là bước đệm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Long An. Ngoài ra, các học viên còn được tham quan thực tế mô hình sản xuất lúa của ông Trần Ngọc Thanh, ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An với diện tích 2,3 ha. Tại mô hình, học viên được hướng dẫn cách đo pH trên đất trồng lúa, nhận biết triệu chứng của một số bệnh thường gặp, nhất là giai đoạn làm đòng như thiếu dinh dưỡng, rầy phấn trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá,… gây ra; từ đó đưa ra giải pháp giải quyết phù hợp. Đặc biệt là học viên còn được hướng dẫn cách lựa chọn và sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; quan sát màu lá lúa để sử dụng phân bón và liều lượng sao cho phù hợp và đạt được hiệu quả kinh tế nhất, hạn chế được phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

Các học viên lớp “Tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP” được Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre giới thiệu về quy trình thực nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP); Kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP như giống và cách chọn giống, mật độ và khoảng cách trồng, kỹ thuật lên liếp, chăm sóc, tưới nước, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa nghịch vụ, bón phân, quản lý dịch hại (sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rệp sáp, nhện đỏ, bềnh xì mủ, bệnh ghẻ nhám,…), thu hoạch và cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất trong quá trình trồng bưởi sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Long An. Để có cái nhìn thực tế, các học viên được ban tổ chức tổ chức chuyến tham quan mô hình trồng bưởi của ông Đào Văn Thành, ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An với diện tích 5.000 m2. Ông áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Theo kinh nghiệm, để vườn bưởi cho trái quanh năm, ông áp dụng biện pháp cắt tỉa cành. Phương pháp này mang lại năng suất cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ cho cây. Ngoài ra, ông còn đầu tư hệ thống tưới nước tiên tiến để tiết kiệm chi phí nhân công. Ông Thành chia sẻ về hệ thống tưới trong vườn bưởi nhà mình: trước đây trong canh tác bưởi gia đình ông áp dụng biện pháp tưới truyền thống, sử dụng máy xăng, ống tưới. Năm 2022, ông được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến cho vườn bưởi, so với tưới theo phương pháp truyền thống thì chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khiến cho ông nghi ngại áp dụng. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng hệ thống tưới này thì ông nhận thấy rất hiệu quả vì đã giải quyết được vấn đề công lao động và tiết kiệm được chi phí sản xuất ở khâu tưới nước và bón phân cho vườn bưởi của gia đình, lượng nước tưới được cung cấp đều đặn, không gây xói mòn đất và góp phần hạn chế việc làm đất bị suy thoái do tưới nước; cũng có thể pha loãng dinh dưỡng ở dạng hòa tan để bón phân cho cây thông qua hệ thống tưới giúp cây hấp thụ dinh dưỡng được hiệu quả hơn. Trong quá trình diễn ra tập huấn, các học viên cùng giảng viên cũng đã trao đổi và giải đáp những thắc mắc đang gặp phải trong thực tế như kỹ thuật xử lý ra hoa bằng phương pháp cắt cành, chỉnh trái bưởi không đều, dấu hiệu nhận biết để chuẩn đoán bệnh cho cây bưởi thông qua việc quan sát đọt non ra đúng lúc hay muộn,…

Những lớp tập huấn này đã cung cấp cho các học viên những thông tin rất hữu ích và cần thiết phải duy trì hàng năm, vì đây là nền tảng kiến thức quan trọng để giúp cho nhân viên khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân chủ chốt nắm bắt kịp thời những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để tư vấn, hướng dẫn làm thay đổi tư duy cách làm của người nông dân chuyển sang canh tác thông minh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm phát thải góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính cũng như xu hướng và nhu cầu người tiêu dùng hiện nay./.



Các tin khác: