Văn Thạnh/Phòng TVDV-TTTT
Những ngày qua, thông tin đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng bị tiêu chảy và chết hàng loạt sau khi vaccine phòng bệnh Viêm da nổi cục, các cơ quan chức năng đã tìm ra được nguyên nhân chính gây bệnh là do Pestivirus tauri (type 2). Bệnh có tên gọi là bệnh tiêu chảy do virus trên bò (BVD).
Virus Pesti là virus có khả năng gây tiêu chảy trên bò thịt và bò sữa gồm 3 type (Pestivirus bovis - BVDV type 1, Pestivirus tauri - BVDV type 2 và Pestivirus Brazilense - BVDV type 3) thuộc họ Flaviviridae (cùng họ với virus gây bệnh dịch tả heo cổ điển). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ nghiêm trọng của bệnh BVD liên quan đến độc lực của chủng virus gây nhiễm cho động vật và không phụ thuộc vào kiểu gen virus. Tuy nhiên, sự đa dạng về kháng nguyên của virus Pesti có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin.
Ngoài việc gây bệnh tiêu chảy có màng nhày, máu, Pestivirus còn gây bệnh trên đường hô hấp, gây sẩy thai, suy dinh dưỡng cho động vật non. Virus lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua nhau thai và được bài thải ra môi trường qua dịch mũi, nước tiểu, tinh dịch. Bê nhiễm bệnh do mẹ truyền sẽ bài thải virus liên tục ra môi trường và là nguồn lây bệnh chính cho cả đàn. Bệnh xảy ra ở cả 2 thể cấp tính và mãn tính. Bệnh gây chết nhanh và thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Bò ở mọi lứa tuổi đều có khả năng nhiễm bệnh, thời gian ủ bệnh ngắn 2 - 4 ngày. Ở thể cấp tính, bò xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng như sốt cao 41 - 41,50C, sau 2 - 3 ngày giảm xuống rồi lại tăng lên. Sau đó bò chảy nước dãi nhiều, chảy nước mắt, nước mũi và tiêu chảy liên tục. Xuất hiện vết loét mụn nhỏ trên lợi, kẽ móng chân. Mụn ở miệng thường xuất hiện rất sớm cùng với việc bài xuất virus; về sau mụn giảm dần, nước nhầy lẫn mủ chảy ra từ mũi; ho khan. Triệu chứng rõ nhất của bệnh là tiêu chảy, mùi thối do phân có lẫn máu, sợi huyết và niêm mạc ruột; bò tiểu ít hoặc bí tiểu. Bò có thể chết nhanh khi có nhiễm ghép với các bệnh khác. Đối với thể mãn tính các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và bệnh kéo dài từ vài tuần đến vài tháng với nhiều đợt tiêu chảy và con vật có thể trạng suy kiệt, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
Đối với bò mang thai, nếu nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu của thai kỳ (120 ngày), sau khi bò hồi phục sẽ gây ra hiện tượng sẩy thai và bò cái sẽ lên giống lại. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bò cái bị nhiễm ở giai đoàn này nhưng thai không chết, đến khi sinh ra sẽ mang mầm bệnh dai dẳng (bài thải nhiều virus ra môi trường). Điều này được giải thích là do giai đoạn đầu hệ miễn dịch của bê con chưa hoàn thiện nên khi virus truyền qua nhau thai vào cơ thể bê con sẽ được cơ thể xem như là của cơ thể và không loại bỏ. Khi bò nhiễm bệnh ở giai đoạn từ tháng thứ 4 -6 của thai kỳ sẽ gây ra hiện tượng thai chết lưu hoặc bê con sinh ra bị dị tật ở mắt, giảm sức đề kháng và bị mất điều hòa cơ thể.
Bệnh BVD do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu do đó việc kiểm soát và phòng bệnh là việc ưu tiên cần được thực hiện. Để đảm bảo hiệu quả trong việc phòng bệnh người chăn nuôi cần thực hiện tốt an toàn sinh học và tiêm phòng theo lịch. Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh BVD có nhiều loại cả vắc-xin sống và vắc-xin chết nên việc tiêm phòng cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất (thông thường vắc-xin sống 1 lần/năm và vắc-xin chết là 6 tháng/lần). Đặc biệt là đối với các trại đã có bệnh lưu hành nên tiêm cho bê càng sớm sáng tốt, tốt nhất là ngay sau khi ra và tiêm nhắc lại khi được 6 tháng tuổi. Để vắc-xin phát huy tác dụng bảo hộ tốt thì trại cần phải thực hiện tốt an toàn sinh học như: Giữ chuồng trại và bãi chăn thả bò luôn khô sạch, thức ăn và nguồn nước phải giữ sạch, không ô nhiễm; định kỳ phun khử trùng chuồng trại; Không nhập bò từ các cơ sở, các vùng có lưu hành bệnh; Kiểm tra tinh dịch trong thụ tinh nhân tạo để đảm bảo không có xuất hiện virus. Đối với trại bò sữa, bò sinh sản đã mắc phải bệnh BVD thì việc kiểm tra bê con sinh ra trong vòng 12 tháng cần được thực hiện nhằm loại bỏ động vật mang mầm bệnh dai dẳng ra khỏi đàn.
Bệnh BVD gây chết nhanh và thiệt hại lớn về kinh tế do đó việc tiêm phòng và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tốt nhất nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi./.