Trúc Đào/Phòng Kỹ thuật
Những năm gần dây, nông dân trồng lúa tại mội số địa phương của vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An có xu hướng chuyển đổi trồng cây ăn trái trên nền đất lúa kém hiệu quả nhằm mang lại thu nhập cho gia đình. Mặc dù hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây ăn trái mang lại thu nhập cho người nông dân cao hơn so với trồng lúa; tuy nhiên, người nông dân vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình canh tác do điều kiện đất nhiễm phèn và xâm nhập mặn. Các trở ngại này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và tình hình canh tác cây ăn trái nói riêng.
Trước tình hình trên, ngày 10/9/2024 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tỉnh Long An, Hội Làm vườn tỉnh Long An phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền; Phòng NN và PTNT huyện Thạnh Hóa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa và Ủy ban Nhân dân xã Tân Hiệp tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác cây ăn trái trên vùng đất nhiễm phèn tại Long An” tại Trung tâm văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa với khoảng 100 người tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Dương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Làm vườn - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An cho biết: Thạnh Hóa là một huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười, thời gian gần đây ngoài cây lúa thì nông dân tại địa phương đã chuyển đổi trồng một số loại cây ăn trái khác như mít, chanh, sầu riêng, bưởi,… và có xu hướng tăng diện tích trồng cây ăn trái trong thời gian tới. Trong đó, diện tích trồng cây ăn trái tập trung chủ yếu tại một số xã như Thuận Bình, Tân Hiệp và Thạnh Phước. Nhìn chung, điều kiện thổ nhưỡng tại các xã trên đều là đất nhiễm phèn nên người nông dân đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình canh tác cây ăn trái, nhất là cây sầu riêng. Từ thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An, Hội Làm vườn tỉnh Long An phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập Câu lạc bộ “Canh tác sầu riêng thông minh’ xã Tân Hiệp vào tháng 6/2024 để hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho nông dân. Hội thảo chuyên đề là một trong số các hoạt động yểm trợ cho hoạt động cho Câu lạc bộ và nông dân về kỹ thuật canh tác cây ăn trái nói chung, cây sầu riêng nói riêng nhằm giúp người nông dân tháo gỡ phần nào những khó khăn và giúp bà con nông dân canh tác đạt được hiệu quả.
Tại hội thảo, nông dân đã được lắng nghe chia sẻ từ GS Nguyễn Bảo Vệ - Chuyên gia nông nghiệp - Nhà giáo ưu tú - Nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ về “Một số lưu ý trong canh tác cây ăn trái (không ưa phèn) trên đất nhiễm phèn”. Đây là một chủ đề rất thiết thực đối với bà con nông dân trồng cây ăn trái tại địa phương. Theo GS Nguyễn Bảo Vệ, bộ rễ cây trồng là bộ phận rất quan trọng để cây hấp thu nước và dinh dưỡng. Do đó, điều kiện thổ nhưỡng (còn gọi là đất canh tác) không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ và cây trồng rất khó phát triển. Vì vậy, về mặt kỹ thuật khi tiến hành trồng cây ăn trái cần đảm bảo yêu cầu về việc đào mương, lên liếp và cần xẻ rãnh xương cá để thuận tiện cho việc rữa phèn giúp canh tác đạt hiệu quả; Trong đó, người nông dân cần xác định độ chua của đất vườn và cần xác định được vị trí của tầng phèn để lên liếp cho đúng cách. Đối với đất nhiễm phèn, lân là yếu tố dinh dưỡng bị thiếu đối với cây trồng nói chung; Do pH thấp, lượng lân hữu dụng để cây trồng sử dụng bị thiếu, mặc dù lượng lân bị cố định trong đất rất lớn, khi thiếu lân ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ra hoa và đậu trái của cây ăn trái. Ngoài ra, cây trồng thường bị thiếu Canxi trên đất phèn, khi thiếu Canxi thường gây nứt trái cây, gây hiện tượng sượng trái sầu riêng,… Vì vậy, cần cải tạo độ chua cho đất bằng vôi tùy theo pH (độ chua) của đất. Nếu pH từ 5.5-6.5 có thể bón 100-200 kg vôi/ha; nếu pH từ 4,5-5.5 bón từ 200-300kg vôi/ha; nếu pH từ 3.5-4.5 bón từ 300-500kg/ha. Vôi nên bón lần/1 năm, bón vào đầu mùa mưa, khi bón vôi nên xới xáo đất để trộn vôi vào đất và tưới đủ nước sau khi bón vôi để vôi phát huy hiệu quả cải tạo độ chua của đất.
Về nước tưới, GS Vệ cũng lưu ý: trên vùng đất nhiễm phèn, nông dân cần thận trọng khi xiết nước để xử lý ra hoa cho cây ăn trái. Khi rút nước và để đất quá khô thì phèn sẽ mao dẫn lên trên (còn gọi là dậy phèn), khi mưa trở lại sẽ gây chết cây. Do đó, nông dân cần lưu ý, phải giữ mực nước quanh năm trong mương để ém phèn và mực nước trong mương cần phải cao hơn tầng đất phèn. Bên cạnh đó, bộ rễ cây trồng cần không khí để hô hấp; do đó, nông dân cần kiểm tra xem phần rễ sâu bên dưới phát triển thế nào trong mùa mưa. Một lưu ý đối với canh tác cây ăn trái là cần giữ cỏ trong vườn để giúp giữ ẩm cho đất vườn, đồng thời để tránh tình trạng rữa trôi dinh dưỡng và xói mòn đất, dẫn đến suy thoái đất vườn cây ăn trái.
Tại hội thảo, nông dân tham dự đã đặt ra nhiều ý kiến thắc mắc xoay quanh các trở ngại trong canh tác cây ăn trái mà nông dân đang gặp phải như biện pháp quản lý tuyến trùng trên cây ăn chanh; biện pháp bảo vệ vi sinh vật có lợi trong đất; biện pháp xử lý bệnh nứt thân xì mủ, chết cành trên cây sầu riêng; biện pháp xử lý đất đạt hiệu quả để trồng mới từ vườn chanh già cổi; biện pháp quản lý bệnh cháy lá và thối rễ trên cây sầu riêng…. và các thắc mắc liên quan đến dinh dưỡng, phân bón. Các ý kiến thắc mắc trên đã được báo cáo viên, chuyên gia của ngành nông nghiệp giải đáp thỏa đáng cho bà con nông dân tại hội thảo.
Chủ đề hội thảo đưa ra rất ý nghĩa và thiết thực; thông qua hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân có cơ hội gặp gỡ để chia sẻ cùng nhau những thông tin và những khó khăn trong canh tác cây ăn trái trên vùng đất nhiễm phèn; từ đó, đã góp phần giải quyết được một số vấn đề cấp bách cho nông dân góp phần thực hiện thành công “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 tỉnh Long An” trong thời gian tới./.